Diễn đàn năng lượng

Vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành năng lượng Việt Nam theo hướng sạch, bền vững

Thứ ba, 27/6/2023 | 16:58 GMT+7
Tại hội thảo tham vấn “Xây dựng Chiến lược Truyền thông về Năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030” do Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức hôm nay (27/6/2023) tại Hà Nội, các bên liên quan đều nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành năng lượng Việt Nam theo hướng sạch, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng.

Đồng thời để có thể đạt được các mục tiêu về phát triển năng lượng bền vững gắn với giảm phát thải khí nhà kính đề ra tại Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 (Quy hoạch Điện 8) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. 

Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ ra nhiều hạn chế của ngành năng lượng, và một trong các nguyên nhân đó là nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia còn chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh các mục tiêu phát triển ngành năng lượng nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia cho phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu và cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Hội nghị COP26, cũng như đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật qua các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các ngành, lĩnh vực. 

Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW theo đó yêu cầu “tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp, người sử dụng lao động, người lao động; đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng”. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đề ra các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. 

Với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đang tiến hành tham vấn các bên liên quan và tập hợp các kiến nghị cho việc xây dựng Dự thảo Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, "Chúng tôi đánh giá cao các kết quả ban đầu của nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế và chuyên gia tư vấn trong nước trong việc xây dựng dự thảo về chiến lược truyền thông trong các lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng chúng tôi sẽ triển khai được hiệu quả chiến lược truyền thông này trong giai đoạn sắp tới - bằng những chương trình hành động cụ thể của truyền thông để giúp cho chúng ta đạt được mục tiêu chung về phát triển năng lượng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính như Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị đề ra, và thực hiện thành công các mục tiêu của quy hoạch phát triển điện 8 (giai đoạn 2021-2030) cũng như quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia sắp tới sẽ được Chính phủ ban hành.

Đối với lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, một trong những giải pháp mà chúng tôi sẽ đẩy mạnh trong giai đoạn tới đó là truyền thông trong môi trường số, sử dụng các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy các giải pháp truyền thông mới mang tính tương tác mạnh mẽ hơn, giúp cho các thông điệp, chính sách của Nhà nước có thể đến được với cộng đồng, đến với người dân nhẹ nhàng và sâu sắc, giúp cho mọi người trong xã hội đều ý thức được trách nhiệm của mình, và mình cũng đóng một vai trò là người xây dựng và thực hiện chiến lược về chuyển đổi năng lượng bền vững của quốc gia".

Điểm lại rất nhiều chính sách của Đảng và nhà nước ta trong việc hiện thực hoá mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, ông Đỗ Đức Tưởng - cố vấn năng lượng cao cấp của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh, việc phổ biến thông tin cho các bên liên quan (bao gồm cả khu vực công và khu vực tư nhân) góp phần quan trọng vào thành công của việc triển khai thực hiện các chính sách này. 

"Chiến lược truyền thông giúp đảm bảo cho việc đưa thông tin đến người dân và doanh nghiệp cũng như cộng đồng quốc tế hiểu rõ những chính sách về năng lượng của Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy và thuyết phục công chúng thay đổi nhận thức trong việc sản xuất cũng như là tiêu thụ năng lượng. Trong thời gian tới Cơ quan phát triển Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công Thương để huy động nguồn lực thực hiện Chiến lược này, cùng với các ưu tiên khác nhằm đảm bảo cho Việt Nam được thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng tốt hơn".

Cũng theo chuyên gia năng lượng đến từ tổ chức USAID, hiện nay hoạt động truyền thông trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành năng lượng Việt Nam theo hướng sạch, bền vững còn tồn tại nhiều hạn chế, đáng kể như: Sự điều phối và phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện các hoạt động truyền thông về năng lượng bền vững chưa cao; Sự phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách với cơ quan truyền thông báo chí còn chậm; Lượng tin bài truyền thông chủ động từ các đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, phương pháp, hình thức truyền thông mang tính tuyên truyền, phổ biến chính sách còn mang tính một chiều; Ít chương trình sáng tạo, lan toả mạnh; Truyền thông đa phương tiện chưa được đẩy mạnh; Thiếu tài liệu hướng dẫn có tính định hướng chung cho truyền thông về năng lượng bền vững... 

Do đó, việc xây dựng một chiến lược truyền thông tổng thể về phát triển năng lượng bền vững là hết sức cần thiết, khẳng định tầm quan trọng của truyền thông về chính sách năng lượng, đưa ra định hướng cho các hoạt động truyền thông của ngành năng lượng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý, thúc đẩy truyền thông về phát triển năng lượng bền vững theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, và hiệu quả hơn.

Nguyên Long