Công nhân Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi trực vận hành đập tràn hồ Đơn Dương (Lâm Đồng). Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN
Công ty Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận - Đa Mi đã có cơ chế phối hợp với 8 chủ đập quản lý 13 nhà máy thủy điện, với tổng công suất 2.210,6 MW trên lưu vực sông Đồng Nai, như Trị An, Đăk R'Tih, Đồng Nai 4, 3, 2, Đa Dâng 2, Đa M'Bri, Bảo Lộc, Hàm Thuận, Đa Mi, Đa Khai, Đa Nhim và Đại Ninh về việc vận hành điều tiết các hồ chứa nhằm giảm lũ cho hạ du. Cơ chế này quy định trách nhiệm cụ thể của mỗi chủ đập thủy điện khi xả lũ ở điều kiện bình thường và bất thường có khả năng vỡ đập. Ông Lê Văn Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận Đa Mi cho biết, mặc dù công ty đã đề nghị nhiều lần, song UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa ban hành quy định về việc quản lý, sử dụng, khai thác lòng sông và hành lang sông Đa Nhim, làm cơ sở đánh giá mức độ vi phạm hành lang thoát lũ và cũng là căn cứ đánh giá những thiệt hại về tài sản của người dân canh tác và sinh sống trong hành lang thoát lũ mỗi khi hồ thủy điện xả lũ. Mới đây, công ty đã phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh Lâm Đồng kiểm tra khảo sát dòng chảy hạ lưu sông Đa Nhim và phát hiện ở đây vẫn tồn tại một số hộ dân xây cơi nới nhà, lấn chiếm ra lòng sông ở những vị trí rất dễ bị sạt lở và tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra khá mạnh do khai thác cát quy mô lớn…
Tình hình khí tượng thủy văn năm nay được dự báo là tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, các hồ thủy điện Tây Nguyên và miền Nam nước về nhiều hơn các năm trước nên nhiều khả năng phải xả lũ. Trước thực tế này, các chủ đập đã sẵn sàng những biện pháp đối phó hữu hiệu khi cắt giảm lũ, điều tiết hồ chứa nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho hạ du khi các hồ thủy điện phải xả lũ để bảo đảm an toàn cho đập. Tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các địa phương, thì "bài toán" về an toàn hạ du vẫn chưa thể giải quyết một cách thấu đáo.
Sau khi có Quyết định 1880/QĐ-TTg (ngày 13-10-2010) của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ, các cơ quan chức năng của tỉnh đã làm việc với chủ đầu tư các dự án thủy điện. Đến nay, các nhà máy: Thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 đã ký cam kết quy chế phối hợp với Ban chỉ huy PCLB của các địa phương là Quảng Nam và Đà Nẵng. Để chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung, trong đó có công tác xả lũ từ các hồ thủy điện, Công ty Thủy điện A Vương đã có kế hoạch bám sát các bản tin dự báo thời tiết để xả lũ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa.
Ngoài ra, công ty đã chuẩn bị kỹ cho phương án PCLB, năm nay Công ty CP Thủy điện A Vương bắt đầu đưa trung tâm thường trực chỉ huy PCLB phòng tránh giảm nhẹ thiên tai tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vào hoạt động. Hệ thống tự động báo mức ngập vùng hạ du sông Vu Gia thông qua tin nhắn tại một số vị trí đặc biệt sẽ được phát tín hiệu về trung tâm này để cảnh báo. Tại đây, hệ thống thông báo xả tràn hồ chứa nhận thông tin xả tràn qua điện thoại di động và thông báo cho người dân trong khu vực biết. Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương Nguyễn Trâm cho biết, công ty đã cơ bản xây dựng xong các cột báo mức ngập lụt tại 12 xã, thị trấn ven sông Vu Gia thuộc huyện Đại Lộc và tiến tới xây dựng bản đồ ngập lụt, kiểm soát mức ngập khi có lũ lụt. Tại trung tâm, cầu Hà Nha, trung tâm huyện Đại Lộc, các xe PCLB đều lắp đặt các còi báo động lũ lụt và xả tràn hồ chứa. Ngoài việc trang bị máy vô tuyến tần xa kết nối với Đài thông tin Duyên Hải, công ty còn trang bị điện thoại vệ tinh tại đập A Vương, bảo đảm hệ thống thông tin tín hiệu không bị gián đoạn trong suốt thời gian mưa bão. Công ty còn ký hợp đồng với Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, Đài KTTV Trung Trung bộ cung cấp thông tin về lượng mưa, lưu lượng nước về hồ A Vương, mực nước hồ, bản tin dự báo lũ, tư vấn điều tiết xả tràn khi mưa lũ để chủ động đối phó với thiên tai.
Hà Nội mới Online