Tin trong nước

Vất vả “áo cam” mùa mưa bão

Thứ hai, 21/8/2023 | 10:11 GMT+7
Bước vào mùa mưa bão, trên địa bàn tỉnh Gia Lai thường xuyên xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm như dông, sét, lốc xoáy, mưa đá... có nguy cơ gây ảnh hưởng, thiệt hại đến hệ thống lưới điện quốc gia và tài sản, hoa màu của người dân trên địa bàn.

Những bữa ăn vội ngay tại công trường là chuyện thường nhật của những người thợ điện.

Bởi vậy, cứ vào mùa này mỗi năm, dễ dàng thấy những bóng áo cam của công nhân ngành điện đội mưa, đội gió khắc phục những sự cố xảy ra trên lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho người dân trên địa bàn.

PC Gia Lai hiện đang quản lý vận hành 347,18 km đường dây 110 kV; 27 TBA 110kV; hơn 5.170 km đường dây trung thế cùng 5.566 trạm biến áp phân phối, 5.226 km đường dây hạ áp với trên 473.200 khách hàng sử dụng điện. Lưới điện PC Gia Lai quản lý vận hành đi qua các cánh rừng tự nhiên, rừng cao su, vườn điều và thường xảy ra sự cố mất điện do sét đánh vào đường dây dẫn điện; giông, lốc gây ngã đổ cây; các vật liệu dẫn điện bay vào lưới điện; mưa nước nhiều làm các thiết bị ngoài trời rò điện; sứ bẩn phóng điện; sạt, lở đất làm nghiêng hoặc đổ trụ dẫn đến mất điện... Bên cạnh đó, tại nhiều khu vực thôn làng vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, đường dây sau công tơ của người dân khá chắp vá, được lắp lên trụ sắt, trụ gỗ tạm không chắc chắn và không đảm bảo an toàn, dễ ngã đổ khi gió bão, dông lốc nên nguy cơ rò điện gây ra điện giật khi vô tình chạm vào là rất cao.

Anh Lê Hữu Tùng - Đội trưởng Đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, Điện lực Ia Grai trải lòng: “Tôi đã có hơn 19 năm gắn bó với nghề thợ điện, đã cùng anh em khắc phục không biết bao nhiêu sự cố trên các tuyến đường. Khổ nhất là những lần đi xử lý sự cố sau gió lốc, giông sét, mưa to làm cây ngã đổ cột, đứt dây, gây mất điện cả ngày. Đặc biệt, ở khu vực xã giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và Kon Tum, đường điện nằm sâu trong rừng, có khi anh em công nhân phải cuốc bộ hàng cây số, dầm mình dưới mưa để khắc phục từng cột trụ, đoạn dây... Nhiều khi vừa khắc phục xong sự cố nơi này lại có sự cố nơi khác, chưa kịp về nhà thay quần áo lại thì phải đi tiếp. Vì vậy, để gắn bó lâu dài với nghề điện, phải có lòng yêu nghề, không ngại vất vả, áp lực công việc, luôn trong tinh thần sẵn sàng, khi nghe thông báo sự cố thì dù là nửa đêm gà gáy gì cũng phải lên đường. Cảnh băng rừng lội suối, những bữa cơm hộp hay phải ăn mì tôm lót dạ bên cột điện hay ven đường để tranh thủ thời gian, khắc phục sự cố một cách nhanh nhất, cấp điện trở lại phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân đã trở thành quen thuộc với anh em chúng tôi”.

Thợ điện Gia Lai xử lý sự cố trong mùa mưa bão.

Không chỉ vậy, công nhân thợ điện nhiều khi phải đối mặt với những áp lực, nguy hiểm khi treo mình trên trụ điện cao chót vót, bám sát khung xà, theo từng đường dây, kiểm tra từng trạm biến áp khi có sự cố lưới điện. Và những bóng áo cam này chỉ thực sự thở phào nhẹ nhõm khi đã khắc phục xong sự cố, cấp điện trở lại cho người dân. 

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Điện lực Ia Grai chia sẻ: “Cứ đến mùa mưa bão, khi gió lớn, lốc xoáy, cây cối thường ngã đổ vào đường dây, có khi bị quật ngã cột điện, gây ra sự cố lưới điện, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh em công nhân đều phải vác ba lô đồ nghề lên đường, có mặt sớm nhất tại hiện trường để khắc phục sự cố một cách nhanh nhất. Bởi nếu chậm cấp điện trở lại sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân và cũng gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Lãnh đạo Điện lực cũng rất chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà các anh em phải gánh vác nên cũng thường có những hoạt động như thăm hỏi, tặng quà, động viên một cách kịp thời, coi đây là một cách để sẻ chia với nỗi vất vả của anh em”.

Dẫu biết có nhiều khó khăn, vất vả, có cả thiệt thòi, hy sinh cho công việc, song việc đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn cho người dân chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người công nhân áo cam chịu thương chịu khó.

Theo: CPC