Sự kiện

Về nơi sâu lắng Đa Nhim

Thứ tư, 28/8/2013 | 10:31 GMT+7
Không phải là công trình lớn nhất nhưng có lẽ Thủy điện Đa Nhim là công trình ấn tượng nhất trong “làng thủy điện”. Bởi lẽ, đây là một trong những công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam, có hiệu suất tiêu hao nước thấp nhất nhờ hệ thống ống thủy lực “hoành tráng” nhất với độ dốc lớn nhất, có cư xá đẹp nhất. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ biểu tượng tri ân thành quả lao động của những người sống qua hai chế độ.
 


Toàn cảnh nhà máy thủy điện Đa Nhim. Ảnh: Ngọc Hà

50 năm mối tình Việt - Nhật

Nhà máy Thủy điện Đa Nhim thuộc nấc thang trên cùng của hệ thống sông Đồng Nai chính thức phát điện ngày 15/1/1964 với tổng công suất đặt 160 MW (4x40 MW), do chính phủ Nhật Bản tài trợ xây dựng theo chính sách bồi thường chiến tranh. Sau 50 năm vận hành, Thủy điện Đa Nhim đã trở thành biểu tượng đẹp của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Trên bức tường trước gian máy chính của Nhà máy vẫn còn tấm biển nhỏ lưu danh những người có công đặt nền móng cho công trình. Đây cũng được coi như một nhân chứng lịch sử chứng kiến những thăng trầm của Nhà máy qua hai chế độ.
 


Ống thủy lực đưa nước về nhà máy. Ảnh: N.Loan

Đứng trên đỉnh đèo Ngọan Mục nhìn xuống, toàn cảnh nhà máy hiện ra như một nét chấm phá, đủ gây sự tò mò. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là hai ống thủy lực chạy song song, dài khoảng 2 km, dẫn nước từ trên núi xuống nhà máy nằm dưới chân đèo. Nhờ độ dốc tới 45o, thế năng lớn nên 2 ống thủy lực này đã cung cấp một lượng nước đủ phát điện tới sản lượng hàng tỷ kWh/năm với suất tiêu hao nước rất thấp, chỉ cần 0,56 m3 cho mỗi kWh, trong khi có những nhà máy, con số này lên tới hàng chục m3nước/kWh. Ban đêm, khi hệ thống điện bảo vệ bật lên, đường ống đẹp như dải lụa hình chữ S, có thể đứng cách xa mấy chục cây số vẫn nhận ra.

Ông Nguyễn Trọng Oánh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết, trong thời gian chiến tranh, đường ống đã từng bị phá hỏng, đã có lúc nhà máy hoạt động chỉ để giữ gìn tổ máy và cung cấp sản lượng điện rất ít cho miền Nam. Sau năm 1975, lực lượng kỹ sư công nhân của nhà máy và cán bộ kỹ thuật từ phía Bắc vào đã tập trung sửa chữa khôi phục, chỉ trong vòng 6 tháng, nhà máy đã được phục hồi và vận hành ổn định. Giai đoạn 1975 -2000,  nhà máy thủy điện Đa Nhim là đơn vị độc lập nằm trong Công ty Điện lực 2 thuộc EVN và đến cuối năm 2000 thì sáp nhập cùng 2 nhà máy khác thành cụm nhà máy Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi.  Năm 2005, nhà máy Đa Nhim được đưa vào đại tu sau 40 năm vận hành với hàng loạt các hạng mục: thay mới stator máy phát, các ổ trục đỡ, hệ thống kích từ, máy biến thế và hệ thống điều khiển máy phát điện, thay thế mới turbine, van chính, hệ thống điều tốc, hệ thống cung cấp dầu áp suất điều khiển và hệ thống thiết bị cơ khí thủy công, hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn và đường dây 230 kV Đa Nhim - Long Bình. Đến nay, nhà máy vẫn vận hành liên tục như chưa từng biết đến dấu ấn của thời gian.

Theo ông Nguyễn Trọng Oánh, đội ngũ CBCN Đa Nhim may mắn được tiếp quản một công trình này. Đây không chỉ là công trình có chất lượng rất tốt về xây dựng và thiết bị mà còn là công trình được bảo quản rất cẩn thận nên vẫn an toàn sau chiến tranh. Năm 1996, Nhà nước đầu tư 66,54 triệu USD để cải tạo lại thiết bị và đường dây, trong đó Nhật Bản đã cho vay ưu đãi 7 tỷ Yên (tương đương 48,6 triệu USD). Đến nay, các tổ máy huy động ở công suất định mức rất cao với thời gian hoạt động từ  7.000-8.000 giờ/năm thiết kế (theo thiết kế là 6.400giờ/năm). Đến tháng 6 năm 2013, cả hệ thống Đa Nhim- Hàm Thuận– Đa Mi  đã cung cấp cho đất nước 57,2 tỷ kWh, trong đó riêng Thủy điện Đa Nhim 37,2 tỷ kWh điện. Không riêng ông Oánh mà tất cả những thế hệ cán bộ công nhân cũ và mới ở đây đều thể hiện sự biết ơn chính phủ Nhật Bản và những thế hệ đi trước đã xây dựng và giữ gìn được một nhà máy có chất lượng tốt như vậy. Đến nay, Đa Nhim - Hàm Thuận- Đa Mi đang quản lý, vận hành 13 tổ máy với tổng công suất là 642,5 MW. Điện lượng bình quân hàng năm là 2,6 tỷ kWh. Mới đây, đại diện Jica (Nhật Bản) đã đến thăm quan hệ thống thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận - Đa Mi, họ đánh giá rất cao năng lực quản lý, chất lượng của 3 nhà máy. Vì vậy, Jica đã nhất trí tài trợ vay vốn 85% trong số 1.900 tỷ đồng để mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim thêm 1 tổ máy công suất 80MW. Dự kiến đến cuối tháng 9/2013 sẽ ký hiệp định vay vốn giữa 2 chính phủ. Năm 2014 sẽ khởi công xây dựng và phát điện vào năm 2016. Ngoài việc mở rộng thêm 1 tổ máy Đa Nhim, công ty đang xây dựng thêm một số nhà máy thủy điện nhỏ phía hạ lưu sông Pha để tận dụng nguồn nước từ thủy điện Đa Nhim. Hiện nay, mỗi năm, nguồn nước từ Thủy điện Đa Nhim đã cung cấp hơn 550 triệu m3 nước phục vụ tưới tiêu cho hơn 20.000 ha đất nông nghiệp của Ninh Thuận.
 


Trạm quan trắc trên đập Đơn Dương. Ảnh: N.Loan

Nơi ấm áp tình người

Ông Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Phó giám đốc nhà máy thủy điện Đa Nhim, một trong những người tiếp quản nhà máy đầu tiên không giấu nổi sự xúc động và tự hào khi nhớ lại những năm tháng hết sức khó khăn và gian khổ, lãnh đạo nhà máy còn phải vận động kỹ sư, công nhân tăng gia sản xuất để nuôi nhau. Thiếu thốn đủ bề nhưng tất cả vẫn đoàn kết một lòng bảo vệ và duy trì hoạt động nhà máy. Không chỉ giữ gìn, những người thợ  Đa Nhim còn rất tự hào vì bằng chính sức lực và trí tuệ của mình đã sửa chữa thành công nhà máy sau chiến tranh.

Một trong những điều gây ấn tượng mạnh mẽ với những người đến Đa Nhim là khu cư xá dành cho CBCNV nhà máy nằm trong một khuôn viên xanh lý tưởng với những căn biệt thự xây 1 tầng nằm xen giữa những thảm cỏ xanh và cây bóng mát trong không gian thật yên tĩnh và thơ mộng. Dù đã xây dựng được nửa thế kỷ nhưng phong cách thiết kế vẫn rất hiện đại với những căn phòng riêng biệt rất hợp lý. Đứng từ trên đỉnh đèo Ngoạn mục nhìn xuống, toàn khu cư xá được bao quanh bởi con đường trải nhựa hình trái tim, có lẽ dụng ý của người thiết kế như muốn khẳng định tình cảm thân thiện đoàn kết giữa những cư dân ở đây. Hiện nay, khu cư xá khá vắng vẻ vì nhiều người có điều kiện đã tự mua đất làm nhà riêng. Với giám đốc Oánh, đây là tín hiệu vui vì CBCNV đã có cuộc sống ngày càng ổn định không chỉ cho hôm nay mà cho cả ngày mai. Vì theo ông, chỉ khi những người thợ yên tâm với cuộc sống gia đình thì mới có thể toàn tâm toàn ý làm tốt công việc được giao.

Không chỉ chăm lo cho người sống, những người đã hy sinh vì công trình Thủy điện Đa Nhim (4 người Nhật và 12 người Việt Nam) cũng được thế hệ sau đặc biệt quan tâm chăm sóc. Đài tượng niệm tri ân những người đã ra đi được đặt trên đỉnh núi, cạnh Trạm quan trắc thủy văn đập Đơn Dương trên độ cao 1.050m để họ có thể dõi theo từng bước trưởng thành của Thủy điện Đa Nhim. Nơi đây đẹp như công viên với đủ mọi loại hoa và sạch sẽ đến không ngờ. Nói như TGĐ Nguyễn Trọng Oánh, niềm tự hào sâu lắng nhất của người thợ Đa Nhim không chỉ là sự trưởng thành của nhà máy mà còn bởi đây là nơi rất ấm áp và thấm đậm tình người.
 
Ngọc Loan / ICON.com.vn