Vệ sinh sứ hotline trên lưới cao áp: Hiệu quả kinh tế cao

Thứ tư, 20/3/2019 | 10:44 GMT+7
Từ năm 2016, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ vệ sinh các chuỗi sứ trên lưới cao áp 220kV và 500 kV mà không cần phải cắt điện (rửa sứ hotline). 
Ảnh minh họa.
 
Công nghệ hiện đại này không chỉ góp phần giảm tổn thất điện năng mà còn đảm bảo cung cấp điện liên tục, tăng năng suất lao động.  
 
PTC1 có hệ thống đường dây truyền tải điện trải dài trên diện tích rộng lớn, nhiều khu vực môi trường có độ ô nhiễm cao. Sau một thời gian vận hành, các bát sứ cách điện chuỗi trên đường dây truyền tải điện dễ bị bám bẩn. Để hạn chế các sự cố do sứ bị nhiễm bẩn, cần tăng cường tần suất kiểm tra và tiến hành vệ sinh sứ.
 
Bên cạnh mặt tích cực, việc cắt điện khi tiến hành vệ sinh sứ gây nhiều thiệt hại cho hệ thống: Phá vỡ phương thức vận hành hợp lý, tăng tổn thất điện năng, gây gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng… Đặc biệt, việc công nhân phải lau chùi từng bát sứ trên độ cao 15-40 m, có vị trí cao hơn 50 m, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động.
 
Vì vậy, việc triển khai rửa sứ hotline đã tạo bước ngoặt lớn. Có mặt tại Trạm biến áp 220 kV Kim Động (Hưng Yên), phóng viên đã chứng kiến những thao tác thuần thục của người thợ điện trong quá trình vệ sinh sứ trên lưới. Anh Bùi Văn Tuyền - Chỉ huy thao tác, Đội rửa sứ hotline (Truyền tải điện Hà Nội) - cho biết: Công tác an toàn cho người và thiết bị luôn được đặt lên hàng đầu. Nhóm thực hiện đã triển khai công việc đúng quy trình an toàn, có sự giám sát chặt chẽ.
 
“Quy trình thực hiện rửa sứ hotline đòi hỏi các đơn vị phải trang bị đầy đủ các loại vật dụng, thiết bị động lực, thiết bị xử lý nước, xe vận chuyển… Công nhân được đào tạo, tập huấn về những nguyên tắc khi vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao. Truyền tải điện Hà Nội đã có một đội vệ sinh sứ hotline chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khắt khe của công việc”- anh Tuyền chia sẻ.
 
Ông Vũ Sơn Hà – Phó giám đốc Truyền tải điện Hà Nội cho biết, nếu trước đây, để vệ sinh xong một ngăn máy biến áp AT1, ngăn 231 (220kV), ngăn 131 (110kV), công nhân phải thao tác thủ công mất 2-3 giờ và phải lau từng bát sứ. Số lượng người phải huy động rất nhiều, thông thường vào khoảng 15 người. Nay, với công nghệ hotline, thời gian thực hiện không quá 30 phút và số lượng người tham gia thực hiện chỉ còn 5 người. Quan trọng hơn, công nghệ này giúp rửa sứ sạch hơn. Bên cạnh đó, rửa sứ hotline không chỉ giảm tổn thất điện năng mà còn góp phần đảm bảo an toàn lao động khi công nhân không còn phải đu mình, treo lơ lửng trên các cột điện cao hàng chục mét làm vệ sinh từng bát sứ thủ công.
 
Rửa sứ hotline được đánh giá là công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao do không phải cắt điện khi thực hiện thao tác; số lượng lao động và giờ công đều giảm so với phương pháp vệ sinh sứ thủ công.
Theo: Báo Công thương