Trạm 500kV Đà Nẵng.
Cùng với trạm biến áp 500kV Đà Nẵng hơn 126km đường dây 500kV do TTĐ Đà Nẵng quản lý nối liền hệ thống truyền tải điện Quốc gia, đảm bảo cho việc cân bằng năng lượng, cung cấp điện năng trên phạm vi toàn quốc. Những cán bộ, công nhân truyền tải điện Đà Nẵng luôn đặt trách nhiệm cao với niềm tự hào về công việc của mình, “Vì một điểm nút quan trọng của công trình lịch sử - công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”.
Chúng tôi trở lại thực tế trên tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 (tuyến 500kV đầu tiên của đất nước) vào những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, khi những công nhân của Đội Truyền tải điện Cẩm Lệ (thuộc Truyền tải điện Đà Nẵng) đang phát quang hành lang, dọn thực bì trên tuyến đường dây 500kV Đà Nẵng - Dốc Sỏi. Đây là một trong bốn tuyến đường dây 500kV mà Truyền tải Điện Đà Nẵng đang quản lý, vận hành (bao gồm Đà Nẵng - Vũng Áng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh, Đà Nẵng - Thạnh Mỹ và Đà Nẵng – Dốc Sỏi).
Đang thời gian cao điểm nắng tới 37-38 độ C, mồ hôi nhễ nhại nhưng anh Nguyễn Thành Nhân - Đội Truyền tải điện Cẩm Lệ (Truyền tải điện Đà Nẵng) không có cảm giác mệt mỏi. Anh tươi cười cho chúng tôi biết, năm nay anh 35 tuổi, 14 năm gắn bó với ngành điện cũng là chừng ấy năm được gắn bó với đường dây 500kV Bắc - Nam đầu tiên của đất nước. Suốt 2 mùa mưa nắng, công việc mỗi ngày như mọi ngày nhưng không hề nhàm chán với anh. “Tôi rất tự hào vì được là một công nhân trực tiếp quản lý, vận hành dường dây huyết mạch của quốc gia, đảm bảo việc vận hành an toàn, thông suốt đường dây để cung cấp điện cho toàn miền Nam - Bắc. Các công việc như phát quang hành lang tuyến, tuyên truyền cùng với người dân, anh em trong đơn vị để bảo vệ hành lang lưới điện vận hành được an toàn, thông suốt. Cụ thể, đối với mùa khô thì phát dọn hành lang, phòng chống cháy rừng, tạo hành lang an toàn cho 2 bên lưới điện để đảm bảo không bị xâm phạm vào đường dây cả khi có cháy rừng. Còn đối với mùa mưa thì việc xử lý các mương, kè để tiêu thoát nước, chống ngập úng gây ảnh hưởng xói mòn nhất là đối với các vị trí xung yếu của đường dây…”.
Giám đốc Truyền tải điện Đà Nẵng Lê Hữu Hùng cho biết, Truyền tải điện Đà Nẵng có nhiệm vụ quản lý vận hành trạm biến áp 500kV Đà Nẵng và tuyến đường dây 500kV nối liền hệ thống truyền tải điện Quốc gia, đảm bảo cho việc cân bằng năng lượng, cung cấp điện năng trên phạm vi toàn quốc. Riêng tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam dài 126km, đi qua những cung đoạn, địa hình đèo núi tương đối phức tạp như qua đèo Hải Vân, khu vực Núi Thành, Thạnh Mỹ, Dốc Sỏi, Nam Giang, Đại Lộc… và một số cung đoạn gần khu dân cư nên việc quản lý vận hành khá khó khăn, phức tạp. Kể từ ngày 27/5/1994, khi đóng điện TBA 500kV Đà Nẵng và vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam cho đến nay, việc truyền tải điện chủ yếu là từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam đáp ứng nhu cầu điện cho miền Nam không ngừng tăng cao. Hệ thống lưới điện do Truyền tải điện Đà Nẵng quản lý về cơ bản được vận hành an toàn, thông suốt.
Trong những năm gần đây, công suất truyền tải điện trên đường dây 500kV thường xuyên ở mức 1800-2000MW trên trục Đà Nẵng - Hà Tĩnh và Đà Nẵng - Thạnh Mỹ, Dốc Sỏi - Pleiku. Công suất lớn nhất đối với cung đoạn đường dây Vũng Áng - Hà Tĩnh lên đến 2300MW; Đối với đường dây Đà Nẵng - Dốc Sỏi, Thạnh Mỹ - Pleik trên 2 mạch đường dây truyền tải về Pleik khoảng 2.400MW. Với công suất lớn như vậy và phải truyền tải thường xuyên liên tục thì điểm nút TBA 500kV Đà Nẵng cũng như 4 đường dây 500kV mà TTĐ Đà Nẵng đang quản lý có vai trò rất lớn, là đường dây huyết mạch để truyền tải điện cho miền Nam. “Bất cứ một trục trặc bất thường nào trên đường dây 500kV cũng như ở Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng đều gây ảnh hưởng cho cung cấp điện Miền Nam. Để đảm bảo công tác quản lý, vận hành được an toàn, đặc biệt là nút trạm 500kV Đà Nẵng, đơn vị luôn xác định phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát thiết bị, xử lý tất cả các khiếm khuyết trong vận hành, thực hiện tốt công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn…” – ông Lê Hữu Hùng cho biết.
Theo ông Phạm Duy Tượng - Trạm trưởng Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, ở thời điểm ban đầu khi xây dựng và vận hành (năm 1994), Trạm 500kV Đà Nẵng chỉ có 1 máy biến áp 500kV xuống 220kV, công suất 450MVA (3 pha), 3 ngăn lộ 220kV, 3 xuất tuyến 110kV cấp điện cho TP Đà Nẵng. Đến nay, Trạm đã được đầu tư 2 MBA công suất 900MVA, nâng tổng công suất hiện hữu đạt gần 1.400MVA, về cơ bản đáp ứng yêu cầu truyền tải của hệ thống 500kV và cung ứng đủ nhu cầu điện cho Đà Nẵng và Quảng Nam. Tuy nhiên, do TBA 500kV Đà Nẵng được đầu tư nâng cấp nhiều lần theo thời gian nên thiết bị không được đồng bộ. Đây thực sự là áp lực đối với công tác quản lý, vận hành, đặc biệt trong các thời gian cao điểm nắng nóng, hệ thống điện phải truyền tải cao. “Trạm 500kV là một điểm nút rất quan trọng ở giữa 2 đầu đường dây siêu cao áp. Đây là điểm hòa của 2 hệ thống nên nếu Trạm có xảy ra vấn đề gì sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến hệ thống điện. Hiện có 2 đường dây 500kV từ phía Bắc đi vào Trạm và 2 đường từ Trạm đi phía Nam, nếu tải cao khoảng 1.500MW, chỉ cần một đường “bung ra” thì nó sẽ sa thải phụ tải trong miền Nam”.
Xác định tầm quan trọng đặc biệt của Trạm 500kV Đà Nẵng, trong các năm từ 2014-2017, nhiều thiết bị lâu năm của Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng đã được thay thế để đảm bảo cung cấp điện an toàn tuyệt đối cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng (tổ chức vào tháng 11/2017). Hiện nay, khi thiết bị tại Trạm chưa đồng bộ, hiện đại nên không thể áp dụng các công nghệ hỗ trợ điều khiển xa hay ứng dụng trạm GIZ mà vẫn phải vận hành theo phương pháp cổ điển. Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Công ty Truyền tải điện 2 và Truyền tải Điện Đà Nẵng đã tăng cường nhân lực cho Trạm 500kV Đà Nẵng đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ, có trình độ chuyên môn vững vàng, sẵn sàng công tác trực vận hành cho Trạm theo ca/kíp suốt 24/24h, đảm bảo an toàn, an ninh cung cấp điện trong mọi tình huống.