Quản lý năng lượng

Mô hình kinh tế xanh cho đồng bằng sông Cửu Long

Thứ tư, 4/12/2013 | 16:37 GMT+7
Theo các chuyên gia đứng trước các thách thức to lớn như biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng hay khai thác tài nguyên và sử dụng năng lượng chưa hiệu quả thì để phát triển bền vững, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không còn cách nào khác là phải lựa chọn và kiên trì theo đuổi mô hình kinh tế xanh.



Khai thác các tài nguyên và sử dụng năng lượng không hiệu quả đang gây mất cân bằng sinh thái. Ảnh: Ngọc Thọ

Phát triển nhanh nhưng chưa bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây không chỉ là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nước, hàng năm sản xuất khoảng 50% lượng lúa, cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp khoảng 90% số lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước... mà đây còn là vùng văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển.

Do được xác định là một trong 6 vùng đô thị hóa cơ bản của cả nước, phát triển đô thị của vùng diễn ra nhanh và mạnh, toàn vùng đã có 158 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương, 3 đô thị loại II, 12 đô thị loại III, 15 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V.

Nhiều chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung cấp vùng được triển khai thực hiện. Các dự án hạ tầng giao thông cấp vùng, hệ thống giao thông huyết mạch, trục dọc và ngang, cầu vượt sông lớn được đầu tư, hình thành mạng lưới giao thông rộng khắp, vừa liên kết nội vùng, vừa liên kết với TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Rồi các dự án đầu tư xây dựng cấp nước, xử lý chất thải rắn liên vùng đang được triển khai nghiên cứu và xây dựng.

Tuy nhiên yêu cầu về phát triển kinh tế, hội nhập và thách thức về biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng đang đặt ra nhiều yêu cầu trong phát triển hệ thống đô thị vùng ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị:Quan điểm phát triển đô thị theo hướng kinh tế xanh phải được cụ thể hóa thông qua ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển đô thị sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch.
Cụ thể, nguy cơ và thách thức lớn nhất là tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, nếu kịch bản dự báo biến đổi khí hậu của Việt Nam diễn ra đúng như dự đoán nghĩa nước biển sẽ dâng cao 0,5-1 mét vào cuối thế kỷ 21. Thì trong trường hợp xấu nhất, sẽ có 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng, trong đó, có gần ½ dân số ở các đô thị trong vùng chịu ngập úng.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh cũng đã dẫn tới sự tác động lớn đến môi trường. Hoạt động khai thác các tài nguyên và sử dụng năng lượng không hiệu quả đã gây mất cân bằng sinh thái, đặc biệt là ở những đô thị lớn.

Chỉ tính riêng tại các khu vực đô thị của ĐBSCL, tổng lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường cỡ khoảng 780.000 tấn/ngày nhưng tỉ lệ thu gom xử lý mới chỉ đạt có 69%. Và đối với nước thải sinh hoạt, lượng nước thải ở các đô thị chiếm khoảng 150 triệu m³/năm nhưng phần lớn lại chưa được xử lý nên đều xả thẳng ra hệ thống kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Rồi một loạt các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc đã xây dựng nhưng xuống cấp trầm trọng và cũng không còn phát huy hiệu quả.

Giải pháp nào?

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị để ĐBSCL phát triển kinh tế xanh và bền vững cần tập trung vào các giải pháp chính như phải tiếp tục kiên trì nguyên tắc xuyên suốt là quản lý và phát triển đô thị phải phù hợp quy hoạch đô thị; phát triển đô thị đảm bảo theo kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng khu vực phát triển đô thị được xác định.

ĐBSCL cũng phải xác định mô hình phát triển đô thị mới, hiện đại, đáp ứng phát triển bền vững của vùng; tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, rà soát, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống quy hoạch vùng - tỉnh, quy hoạch chung xây dựng các đô thị, các khu chức năng đặc thù, các khu vực dân cư tập trung theo hướng khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về vị trí điều kiện tự nhiên các vùng và các đô thị trong vùng, đồng thời phải lồng ghép nội dung thích ứng BĐKH đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong vùng.

Đặc biệt phải phát triển đô thị bền vững về môi trường đất, các mô hình mô hình đô thị xanh, đô thị sinh thái đô thị thông minh, sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng, có hàm lượng cacbon thấp, sử dụng năng lượng…giảm khí thải, rác thải.

Và điều rất quan trọng là phải thay đổi và điều chỉnh trong xây dựng và phát triển đô thị để thích ứng với BĐKH.

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng để đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia về kinh tế xanh cũng như chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đề ra, khu vực ĐBSCL cần nỗ lực xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức đang phải đối mặt. Cụ thể, theo Thứ trưởng Tuyến, ĐBSCL cũng cần phải xây dựng được các định hướng, giải pháp về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường phù hợp với đặc thù của khu vực. Các định hướng phát triển cần tập trung vào các vấn đề như khắc phục, cải thiện môi ô nhiễm môi trường tại các đô thị vùng ĐBSCL; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước.

“Bên cạnh những giải pháp mang tính chiến lược trên, các địa phương cần có sự phối hợp trong cải thiện nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị; khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. Ngoài ra, cần thúc đẩy nhanh việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống; đẩy mạnh đầu tư phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió.” - Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến khuyến nghị.
 
Ngọc Thọ