Quản lý năng lượng

Những bất cập từ nhãn năng lượng

Thứ năm, 27/2/2014 | 10:25 GMT+7
Theo Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ thì có 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng (chứng nhận mức độ tiết kiệm năng lượng của thiết bị) là: hàng gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị công nghiệp và phương tiện giao thông vận tải. Việc dán nhãn được phân theo lộ trình từ đầu năm 2013.
 


Trong thực tế, việc dán nhãn khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó vì hàng nhập khẩu về phải nằm kho đợi làm thủ tục xin dán nhãn, hàng sản xuất trong nước cũng phải mất thời gian đợi.

Mất thời gian và tốn kém

Mục tiêu dán nhãn năng lượng nhằm quản lý tiêu thụ điện năng, hạn chế nhập khẩu và sản xuất những sản phẩm tiêu hao nhiều điện năng là cần thiết, song thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận năng lượng lại gây tốn kém và mất thời gian cho doanh nghiệp.

Theo Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-1-2013 bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với nhóm thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp. Từ ngày 1-4-2014, dán nhãn nhóm thiết bị văn phòng và thương mại. Và từ ngày 1-1-2015, dán nhãn năng lượng với nhóm phương tiện giao thông - vận tải.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và xây dựng Đa Lộc (huyện Định Quán), cho biết: “Công ty xây dựng nhà máy xử lý rác, phải nhập khẩu một số bóng đèn và thiết bị, khi hàng về đến cảng phải nhập kho, đợi làm hồ sơ xin cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng, gây tốn kém thêm tiền thuê kho bãi để hàng”.

Ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ kỹ thuật điện Toàn Cầu ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) nói: “Xin cấp giấy dán nhãn năng lượng, các DN phía Nam phải chuyển hồ sơ ra Hà Nội, vừa tốn kém vừa mất thời gian”.

Nhiều DN sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng phải dán nhãn năng lượng đều mong muốn Bộ Công thương phân cấp bớt việc dán nhãn năng lượng cho các tỉnh, thành để nhanh và giảm chi phí.

Bộ chưa trả lời

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Quan, từ cuối năm 2013 nhiều DN đã phản ánh khó khăn trong dán nhãn năng lượng. Sở Công thương cũng đã kiến nghị Bộ Công thương và Tổng cục Năng lượng, song hiện khó khăn này vẫn chưa được tháo gỡ. Những DN nhập khẩu thiết bị phục vụ cho sản xuất và nhập khẩu hàng về kinh doanh vẫn phải chờ đợi làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh.

Ông Thái Thanh Phong, Trưởng phòng Điện năng Sở Công Thương, cho biết: “Nhiều DN đã đề nghị đơn giản bớt thủ tục trong cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng, lập thêm văn phòng ở phía Nam và phân cấp bớt việc cấp giấy cho các tỉnh để giảm bớt chi phí và thời gian đi lại“. Ông Phong cũng chia sẻ thêm, Đồng Nai có văn bản gửi Bộ Công thương và Tổng cục Năng lượng từ giữa tháng 11-2013, đề nghị những DN nhập khẩu các thiết bị, phụ tùng thay thế phục vụ sản xuất, kể cả nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, nguyên liệu gia công nên bỏ quy định dán nhãn năng lượng, nhưng hiện Bộ vẫn chưa trả lời.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, khẳng định: “Cục Hải quan nhận được phản ánh của nhiều DN về dán nhãn năng lượng. Chúng tôi cũng đã đề nghị ngành công thương có kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN để giảm chi phí hàng nằm kho đợi dán nhãn năng lượng”.

Nhiều DN cho rằng, trong lúc phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh thì việc tốn kém thêm từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng do nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập về phải nằm lại kho là vô lý. Đồng thời, thủ tục cấp chứng nhận kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa và hoạt động kinh doanh.
 
Theo: Báo Đồng Nai