Nhiều sản phẩm tiết kiệm điện đã được bày bán nhưng vẫn chưa được người dân tiếp nhận
Quyết định này nhằm hướng người dân đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm tải áp lực gia tăng sản lượng tiêu thụ điện hàng năm đối với ngành điện. Tuy nhiên, những quy định trên đang vấp phải không ít rào cản, đặc biệt từ phía người dân.
Bác Lĩnh (phố Trần Quý Kiên, Dịch Vọng, Cầu Giấy), chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện gia dụng ở Cầu Giấy cho biết: Thực ra chuyện sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được đề cập tới từ lâu, người dân cũng được tuyên truyền nhiều nhưng có một thực tế, thói quen sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện vẫn còn rất hạn chế.
Cũng theo bác Lĩnh thì ngoài câu chuyện ý thức, thói quen sử dụng thì có một trở ngại khác là giá thành các thiết bị tiết kiệm điện thường cao hơn giá thành các thiết bị thông thường. Ví dụ như một chiếc bóng huỳnh quang, dạng ống loại thường chỉ có giá 30.000 đồng thì với một sản phẩm tương tự nhưng tiết kiệm điện giá của nó lại lên tới 50.000 đồng. Với mức chênh lệch như trên, khách hàng thường chọn mua loại thường, và cái lý của họ đưa ra là tuổi thọ sử dụng của cái bóng đó, với mức công suất tiết kiệm điện như thế liệu có mang lại hiệu quả kinh tế hay không.
“Mua rồi dùng vài tháng có khi lại hỏng, lại phải thay mới thì liệu lượng điện tiêu thụ tiết kiệm được liệu có đủ 20.000 đồng hay không. Vậy nên người ta vẫn cứ thích dùng của rẻ hơn là mua đồ đắt” – bác Lĩnh nói.
Hiện trên thị trường không thiếu các sản phẩm tiết kiệm điện, kể cả hàng trong nước sản xuất cũng như hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, vì thói quen và cũng là vì còn thiếu kiến thức về các sản phẩm tiết kiệm còn hạn chế nên người dân vẫn hướng tới các sản phẩm giá rẻ. Thậm chí, ở các vùng nông thôn, vùng ven ngoại thành, người dân còn thích dùng các thiết bị điện do Trung Quốc sản xuất thay vì sử dụng các sản phẩm trong nước bởi giá rẻ, có khi tới 50% so với sản phẩm được sản xuất trong nước.
Tâm lý ham của rẻ, cộng với ý thức của người dân chính là rào cản lớn nhất mà ngành điện đang phải đối diện khi thực hiện các phong trào, chương trình và mục tiêu tiết kiệm điện.
Nói về những quy định về việc sản xuất, nhập khẩu các thiết bị điện được nêu trong Quyết định trên, chị Thơm – nhà ở Tập thể Đại học Luật, ngõ 10, Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Thực ra, quy định như vậy cũng là tốt nhưng cũng cần phải tính tới hiệu quả về mặt kinh tế cho người dân. Nếu áp dụng những tiêu chuẩn như vậy khiến giá các thiết bị điện gia dụng tăng cao thì sẽ rất khó cho người dân. Một chiếc máy giặt cùng hãng sản xuất, cùng trọng lượng nhưng có khi chênh nhau tới vài triệu đồng vì có tính năng tiết kiệm điện chắc chắn sẽ khó thuyết phục được người dân bởi không phải ai cũng có điều kiện kinh tế cả.
Đó là những băn khoăn của người dân về việc sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện nói chung, còn dưới góc độ của kinh doanh, phần lớn các chủ cửa hàng đều cho biết sẽ bán các sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Nhưng họ cũng cho rằng, khi ý thức của người dân còn hạn chế thì cần thiết phải có những quy định mang tính bắt buộc để sản phẩm tiết kiệm diện dần đi vào cuộc sống.
Quyết định nêu rõ tiêu chuẩn áp dụng đối với các sản phẩm thiết bị gia dụng như sau: Bóng đèn huỳnh quang compact: TCVN 7896:2008; bóng đèn huỳnh quang dạng ống: TCVN 8249:2009; balát điện tử dùng cho bóng đèn huỳnh quang: TCVN 7897:2008; balát điện tử dùng cho bóng đèn huỳnh quang: TCVN 8248:2009; tủ lạnh: TCVN 7828:2013; máy giặt gia dụng: TCVN 8526:2010; nồi cơm điện: TCVN 8252:2009; quạt điện: TCVN 7826:2007; bình đun nước nóng có dự trữ: TCVN 7898:2009. |