Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng là cách tốt nhất để giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: ISPONRE.
Sau hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu do LHQ tổ chức vào 2015 tại Paris, một Công ước Khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC) đã được các quốc gia thông qua nhằm cắt giảm lượng khí nhà kính (chủ yếu là CO2).
Trong đó đặt ra yêu cầu mọi quốc gia thành viên phải cắt giảm được 8% lượng khí nhà kính trong giai đoạn 2021 - 2030, hoặc cắt giảm tới 25% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.
Việt Nam là một trong số các nước được cộng đồng quốc tế "ưu ái" nên mục tiêu đặt ra là chúng ta phải đạt được con số 25% trong gần một thập kỷ tới.
Vậy làm sao để đạt được mục tiêu trên chính là nội dung của "Hội thảo đa bên về Công nghệ carbon thấp và Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam", do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Cục Biến đổi khí hậu TP.HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng tổ chức tại Trung tâm hội chợ triển lãm và Hội nghị quốc tế TP.HCM (SECC).
Nhiều khách tham dự đến từ các trường ĐH, Học viện và doanh nghiệp cũng đã góp mặt để chia sẻ thêm quan điểm và công nghệ nhằm giảm lượng CO2 phát thải.
Đề xuất từ Nhật Bản
Từng là một quốc gia "xanh" trong thế kỷ 20, song với sự tăng trưởng kinh tế xã hội trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã đứng đầu tại Đông Nam Á về lượng khí nhà kính phát thải.
Theo dự tính của Bộ TN&MT, nếu đà tăng trưởng này cứ tiếp tục thì Việt Nam từ mức xả 225,6 triệu tấn CO2 trong 2010, sẽ tăng lên 474,1 triệu tấn CO2 vào 2020 và gấp 3 lần ở mức 787,4 triệu tấn CO2 trong 2030.
Những con số này đặt Việt Nam vào vị thế một trong các nước phát thải CO2 đứng đầu trong tương lai và tác động lên biến đổi khí hậu là không nhỏ.
Theo đề xuất của JICA, cơ quan này đã lập được 45 phương án tập trung vào 5 mảng ngành nghề để giảm thải khí nhà kính cho Việt Nam.
Cụ thể, có 17 phương án giảm thải cho mảng năng lượng (gồm cả giao thông), với 10 phương án để tăng hiệu suất sử dụng điện trong sản xuất công nghiệp, 7 phương án về sản xuất điện và 3 phương án dành cho giao thông.
Ở mảng nông nghiệp có 15 phương án với 11 phương án đạt mức ưu tiên cao, chủ yếu tập trung vào canh tác, tưới tiêu, chăn nuôi và thủy hải sản. Có 9 phương án về sử dụng đất và thay đổi cách sử dụng đất, tập trung vào việc trồng lại rừng, bảo vệ rừng quốc gia/rừng ven biển.
Về chất thải có 4 phương án nhằm thu hồi lại các khí từ các bãi rác, tận dụng phát triển phân bón hữu cơ, xử lý kỵ khí chất thải rắn hữu cơ.
Ngoài ra, JICA còn bổ sung một lĩnh vực mới là giảm thải khí làm lạnh (F-gas) vốn đang được dùng khá nhiều cả trong sinh hoạt lẫn sản xuất nhưng cũng góp phần không nhỏ trong phát thải khí nhà kính.
Các phương án trên đều được JICA tham mưu cho Bộ TN&MT cùng chính phủ để xem xét việc triển khai, đưa vào áp dụng trong thực tế.
Khả năng của Việt Nam
Trong khi đó, trình bày phần "Đánh giá tiềm năng công nghệ đáp ứng mục tiêu phát triển carbon thấp (LCS) tại Việt Nam", TS. Nguyễn Tùng Lâm - Viện Chiến lược chính sách TN&MT (ISPONRE), cho rằng: Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu giảm 10 - 20% lượng khí nhà kính chỉ trong mảng năng lượng.
Sử dụng mô hình tích hợp châu Á (AIM), kết hợp với phương pháp nghiên cứu ExSS và mô hình AFOLUA (dự báo hoạt động sử dụng đất) cùng mô hình AFLOUB (dự báo phát thải từ AFOLUA), TS. Lâm đã xây dựng ra các kịch bản tiêu thụ năng lượng gồm có cắt giảm (2030CM) và không cắt giảm (2030BaU) khí nhà kính.
Theo đó, nếu không áp dụng biện pháp cắt giảm, thì mảng năng lượng của Việt Nam vào 2030 sẽ phát thải ra tới 521,9 triệu tấn CO2 (gấp 6,4 lần con số của 2005).
Nhưng nếu áp dụng triệt để các biện pháp cắt giảm, con số này chỉ còn ở mức 343,4 triệu tấn CO2 (giảm 179,5 triệu). Trong đó, yếu tố chính góp phần tạo ra mức cắt giảm trên chính là tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng (energy efficiency improvement).
Cũng trong báo cáo của TS. Lâm, ngoài mảng năng lượng, mảng nông nghiệp cũng là nơi có thể áp dụng LCS để giảm thiểu khí nhà kính với đơn lượng phát thải tính 2030 có thể giảm đạt 41,7 triệu tấn.
Mảng chất thải nếu áp dụng tốt cơ chế 3R (Reduce, Re-use, Re-cycle) cũng đóng góp không kém ở mức 35,6 triệu tấn từ các hoạt động thu gom và xử lý.
Đi vào ví dụ cụ thể, mô hình của TS. Lâm cho thấy nếu áp dụng LCS ở Hải Phòng, chúng ta có thể giảm được lượng phát thải khí nhà kính tới 14% (từ 33,5 triệu tấn còn 28,9 triệu tấn), mà tỷ trọng nhiều nhất nằm ở khu vực giao thông vận tải.
Còn với Đà Nẵng, giá trị này có thể đạt ở mức 19% (từ 10,7 triệu tấn còn 8,6 triệu tấn), tập trung chính ở phát thải từ hoạt động công nghiệp.
Nhìn trên quy mô cả nước, bảng đánh giá này cho thấy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong cả nền kinh tế lẫn lượng khí phát thải.
Cụ thể mảng SME đóng góp 40% GDP cho cả nước và chiếm 45% tổng tiêu thụ năng lượng. Do vậy nếu chính phủ có thể làm việc tốt với các SME, mục tiêu cắt giảm 25% lượng khí nhà kính là hoàn toàn có thể.
Đáng chú ý hơn là các SME hoàn toàn có thể tham gia vào các mảng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, góp một phần quan trọng cho cả nước thực hiện cơ chế LCS để giảm thiểu lượng phát thải.
Các nguồn vốn hỗ trợ
Như đã nêu, con số 25% chỉ có thể đạt được khi Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ quốc tế. May thay, là một thành viên tích cực của LHQ, chúng ta không thiếu các nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện các biện pháp được đề xuất ở trên.
Sau đây là danh sách các quỹ tài chính đối phó với BĐKH mà Việt Nam có thể tiếp cận.
Các quỹ trong cơ chế tài chính UNFCCC
1. Quỹ khí hậu xanh (GCF)
2. Quỹ ủy thác môi trường toàn cầu (GEF/TF)
3. Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt của GEF (GEF/SCCF)
4. Chương trình tài trợ nhỏ của GEF (GEF-SGP
Các quỹ nằm ngoài cơ chế tài chính UNFCCC - Quỹ song phương
1. Quỹ Công nghệ Sạch (CTF) thông qua các Ngân hàng phát triển đa phương (MDBs): AFDB, ADB, EBRD, IADB, WB, IFC
2. Quỹ năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng toàn cầu (GEEREF)
3. Quỹ đối tác cácbon trong lâm nghiệp (FCPF)
4. Quỹ chương trình của LHQ về giảm phát thải từ mất rừng và thoái hoá rừng (UN-REDD)
5. Quỹ cácbon trong tương lai dưới Sáng kiến thị trường Cácbon (ADB CMI)
6. Quỹ lưu trữ cácbon (CCSF)
7. Quỹ năng lượng sạch châu Á (ACEF)
8. Quỹ hợp tác Canada về Biến đổi khí hậu
9. Quỹ đối tác tài chính về năng lượng sạch (CEFPF)
10. Quỹ khí hậu Bắc Âu
11. Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF)
Các quỹ nằm ngoài cơ chế tài chính UNFCCC - Quỹ đa phương
1. Quỹ khí hậu quốc tế của Vương quốc Anh (UK-ICF)
2. Sáng kiến khí hậu quốc tế của Đức (G-ICI)
3. Kế hoạch hành động 2.0 (ACE 2.0)
4. Quỹ tài chính bắt đầu nhanh của Nhật Bản (J-FSF)
5. Sáng kiến lâm nghiệp và khí hậu quốc tế của Na Uy (N-ICFI)
6. Chương trình phát triển các thành phố xanh (Green Cities)