Diễn đàn năng lượng

Phát triển năng lượng tái tạo: Vẫn chỉ ở dạng tiềm năng

Thứ ba, 7/3/2017 | 14:56 GMT+7
Năng lượng tái tạo cần phải đưa vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên đến nay, phát triển năng lượng tái tạo vẫn gặp vô vàn khó khăn do chưa được nhìn nhận, triển khai đúng mức và đầy đủ.
 
Việc phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp từ lâu đã nhìn thấy tiềm năng và cơ hội phát triển trong lĩnh vực này, nhưng vẫn chần chừ khi có quá nhiều rào cản để họ gia nhập thị trường một cách hiệu quả.
 
Tiềm năng nhưng chưa sẵn sàng
 
Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà đầu tư, Việt Nam là quốc gia có những điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn năng lượng này. Cụ thể, với gần 3.400 km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500 – 1.000 kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó là nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2 mỗi ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW mỗi năm. Mặc dù có những thuận lợi lớn, nhưng các doanh nghiệp sản xuất NLTT vẫn chưa thực sự vào cuộc do đầu tư vào lĩnh vực này còn nhiều rủi ro.
 
Một doanh nghiệp sản xuất năng lượng điện gió tại Bạc Liêu cho biết, mức giá mua điện gió hiện nay là 7,8 cent/kWh, tuy cao hơn giá bán điện bình quân của cả nước là 7,2 cent/kWh, nhưng với mức giá này họ vẫn lỗ nặng. Những doanh nghiệp khác tuy không lên tiếng về vấn đề này, nhưng đã lặng lẽ rút khỏi thị trường hoặc để dự án “đắp chiếu” chờ thời. Cụ thể, cả nước hiện có 77 dự án điện gió đã đăng ký đầu tư, nhưng chỉ có 3 trong số đó được triển khai và đã có 48,2MW điện bán cho EVN để hòa vào lưới điện quốc gia.
 
Những trở ngại
 
Tại một cuộc hội thảo với chủ đề “Năng lượng tái tạo cho tương lai bền vững” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức ở Cần Thơ, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho rằng, có quá nhiều sự hiểu lầm về năng lượng tái tạo, như là: Năng lượng tái tạo không ổn định, thường làm gián đoạn quá trình cung cấp điện và không thể cung cấp điện liên tục 24 giờ một ngày; NLTT đắt đỏ và xa xỉ; Năng lượng hóa thạch tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn NLTT; Tỷ lệ điện năng được sản xuất từ NLTT được đưa lên hệ thống phát điện càng cao càng làm tăng giá điện; Than là sự lựa chọn duy nhất giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng; Phát triển năng lượng tái tạo dẫn tới sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài…
 
Chính vì những cách hiểu sai này nên ông Rainer Brohm, Cố vấn NLTT thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng: “Sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể là 20-30 năm, thậm chí lâu hơn nữa để thay đổi tư duy, cơ chế quyết định giá dựa trên nhu cầu thị trường về nguồn NLTT bền vững tại Việt Nam”. Ông Rainer Brohm giải thích, các khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình thực thi. Thêm vào đó, hầu hết các khách hàng tiềm năng thiếu kiến thức về công nghệ, còn các nhà đầu tư thì thường ưu tiên đầu tư ngắn hạn (hoàn vốn dưới 5 năm) khiến cho NLTT tại Việt Nam khó phát triển.
 
Chờ sự đồng bộ
 
“Nếu tính chi phí – lợi ích lâu dài thì giá điện từ nguồn NLTT không hề đắt hơn nhiệt điện than. Mấu chốt nằm ở chỗ chính sách. Chúng ta có muốn và quyết tâm kiên trì làm hay không? Thiếu cơ chế hòa lưới điện quốc gia cũng như cơ chế hỗ trợ cụ thể nên các dự án NLTT sẽ gặp khó khăn”, PGS TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh.
 
Ở nhiều nơi trên thế giới, NLTT đã có nhiều cải tiến vượt bậc. Bà Aviva Imhof, chuyên gia Quỹ khí hậu châu Âu cho rằng: “Trợ cấp của chính phủ đã giúp việc sử dụng năng lượng gió và mặt trời tồn tại trong thị trường năng lượng toàn cầu, tuy nhiên quy mô nền kinh tế mới chính là động cơ lớn nhất trong việc giảm giá thành”.
 
Còn bà Nguyễn Thu Trang, điều phối viên Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cảnh tỉnh rằng, việc phát triển NLTT trên thế giới đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là với điện năng lượng mặt trời đang được cải thiện hàng ngày và giá thành công nghệ giảm nhanh, từ đó có thể cạnh tranh được với điện từ nhiên liệu hóa thạch. Bà Trang dẫn chứng, tại Ấn Độ giá điện cho 1kWh từ năng lượng mặt trời khoảng 6,5 cent, hiện đang rẻ hơn so với nhiệt điện than.
 
Như vậy, việc hiểu biết và đặt NLTT làm mục tiêu phát triển cần phải có sự quan tâm của Chính phủ và sự hợp tác của các cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức, đoàn thể khác nhau. Đại diện của một doanh nghiệp sản xuất NLTT nói rằng: “Chúng tôi vẫn cứ phải chờ những hỗ trợ từ Chính phủ. Đây là việc mà bản thân doanh nghiệp không thể tự làm một mình được”.

Việc hiểu biết và đặt năng lượng tái tạo làm mục tiêu phát triển cần phải có sự hợp sức của Chính phủ, các cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí cả các tổ chức, đoàn thể.

Theo: Diễn đàn DN