Đầu tư hạ tầng lưới điện, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Từ đó, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần hoàn thành các chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện, những năm gần đây, nhiều công trình phát triển lưới điện nông thôn được đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2018 - 2022, ngành Điện Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng mới 208 trạm biến áp; nâng công suất 86 trạm biến áp; cải tạo lưới điện hạ thế tại 55 xã bán điện trực tiếp. Đối với 56 xã không bán điện trực tiếp, ngành Điện cũng đã đầu tư xây dựng mới 201 trạm biến áp; nâng công suất 169 trạm biến áp. Ngoài ra, các đơn vị hoạt động bán lẻ điện nông thôn đã quan tâm đầu tư cải tạo lưới điện hạ thế.
Trước đó, Vĩnh Phúc là 1 trong 25 tỉnh trên toàn quốc được Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới lựa chọn tham gia Dự án năng lượng nông thôn II. Đến nay, dự án đã hoàn thành việc đầu tư cải tạo khoảng 2.000 km đường dây hạ áp trên địa bàn 99 xã với tổng mức đầu tư hơn 480 tỷ đồng, góp phần nâng cấp, mở rộng và cải thiện chất lượng điện lưới hạ thế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới.
Nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành, đến nay, 100% hộ sử dụng điện trên địa bàn tỉnh được tiếp cận lưới điện quốc gia. Số lượng, mức độ các trường hợp mất an toàn điện được giảm thiểu, chất lượng điện năng được cải thiện, tổn thất điện năng giảm từ trên 30% xuống còn 8% - 12%.
Đơn cử, thị trấn Tam Hồng là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Yên Lạc cán đích nông thôn mới nhờ dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó có hạ tầng lưới điện. Ông Phạm Xuân Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Điện Tam Hồng, đơn vị cung ứng điện cho hơn 5.000 hộ gia đình trên địa bàn thị trấn cho biết: “Trước nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất ngày càng tăng lên, Công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời, dành 600 - 800 triệu đồng/năm để đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, bảo đảm cung ứng điện an toàn. Đến nay, Công ty đang quản lý 19 trạm biến áp; 24 km đường dây hạ thế. Việc chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng lưới điện không chỉ giúp chất lượng nguồn điện luôn ổn định, tạo được sự hài lòng của khách hàng, giảm tiêu hao điện năng mà còn góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đưa địa phương phát triển thành thị trấn”.
Việc phát triển hạ tầng lưới điện tuy đã có nhiều chuyển biến, song đây mới chỉ là những thành quả bước đầu. Ở nhiều địa phương, sản lượng điện tăng nhanh, lên tới 13%/năm, trong khi đó, việc đầu tư nâng cấp lưới điện trong thời gian vừa qua chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng phụ tải và phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Hơn nữa, quá trình vận hành lưới điện cũng nảy sinh một số tồn tại, bất cập như: Nguy cơ mất an toàn điện ở cả lưới trung thế và hạ thế; hiện tượng quá tải lưới điện hiện hữu, cấp điện không bảo đảm chất lượng, đặc biệt trong tình hình thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài… Nhiều nơi cột điện, đường dây bố trí không hợp lý, lấn chiếm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan. Việc bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình điện cũng gặp nhiều vướng mắc do đây là công trình theo tuyến, diện tích đất để phục vụ xây dựng tuy không nhiều nhưng dàn trải, không tập trung. Tại một số đơn vị bán lẻ ngoài ngành Điện, cả năng lực tài chính lẫn trình độ chuyên môn còn hạn chế, dẫn đến hệ thống điện chưa được quan tâm đầu tư cải tạo, sửa chữa thường xuyên.
Hướng tới xây dựng nông thôn mới văn minh, có kết cấu hạ tầng điện hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, sinh hoạt của cư dân nông thôn, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu có 4 huyện và 40% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng lưới điện nông thôn theo hướng hiện đại, giảm tổn thất điện năng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức phân phối, bán lẻ điện và người dân thực hiện tốt các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; có giải pháp nâng cao chất lượng và hạ tầng lưới điện khu vực nông thôn.
Link gốc