Sự kiện

“Vỡ” quy hoạch điện VII?

Thứ hai, 9/12/2013 | 15:53 GMT+7
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước về quy hoạch điện VII mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, chủ đầu tư các dự án nguồn điện cân đối lại cung - cầu hệ thống điện quốc gia, đề xuất điều chỉnh quy hoạch điện VII phù hợp với dự báo tốc độ phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới...


Ưu tiên cân đối điện khu vực miền Nam

Theo Bộ Công Thương, với tốc độ trưởng điện bình quân hằng năm ở mức trên dưới 13%/năm, từ nay đến năm 2016, hệ thống điện quốc gia có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải. Tổng công suất nguồn điện hiện nay đạt trên 28.000MW, có thể đáp ứng cho nhu cầu phụ tải cực đại tới 21.000MW và hệ thống có dự phòng ở mức hợp lý từ 27-33%.

Tuy nhiên, do phân bố nguồn điện giữa các vùng, miền thiếu cân đối, khu vực miền Nam phụ tải điện chiếm tỉ trọng khoảng 50% sản lượng điện toàn quốc, có mức tiêu thụ điện cao, nhưng công suất nguồn điện chưa đáp ứng được. Vì vậy, khu vực này luôn phải nhận lượng công suất và sản lượng điện lớn từ miền Bắc và miền Trung qua đường dây 500kV Bắc – Nam khiến đường dây này luôn phải vận hành trong tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn cung cấp điện của toàn hệ thống.

Theo kế hoạch, cần bổ sung từ 1.500 - 2.000MW công suất nguồn điện mới cho miền Nam. Nhưng do nhiều dự án ở khu vực miền Nam đang bị chậm tiến độ, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2015-2020 ở khu vực này.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước về quy hoạch điện VII (QHĐ VII) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đánh giá, cân đối lại hệ thống điện quốc gia, từ đó đề xuất Chính phủ điều chỉnh QHĐ VII theo đúng với dự báo tốc độ phát triển kinh tế xã hội từng giai đoạn 2015-2020 có xét tới 2030.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống điện, bao gồm cả dự án nguồn và lưới điện tại khu vực phía nam, đảm bảo từ năm 2019, miền Nam có thể tự cân đối được sản lượng nội miền. Chính phủ yêu cầu các tập đoàn Dầu khí VN (PVN), Than -  Khoáng sản VN (Vinacomin) bảo đảm cung cấp đủ khí và than cho các dự án nguồn điện cấp bách. Đồng thời, yêu cầu, các bộ ngành liên quan ưu tiên nguồn vốn cho các dự án điện trong QHĐ VII.

Gỡ khó khăn về vốn

Để thực hiện QHĐ VII, đến năm 2020 ngành điện cần khoảng 929,7 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư (tương đương với 48,8 tỉ USD, trung bình khoảng 4,88 tỉ USD/năm). Trong đó, sẽ dành trên 619,3 nghìn tỉ đồng đầu tư vào nguồn điện (chiếm 66,6%), 210,4 nghìn tỉ đồng đầu tư lưới điện (chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư).

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cho 3 tập đoàn kinh tế lớn nhà nước là EVN, PVN và Vinacomin chịu trách nhiệm chính, đảm bảo các nguồn điện trong quy hoạch, đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư theo hình thức IPP,  BOT và BOO phát triển hạ tầng điện trong quy hoạch điện ở VN.

Theo Phó TGĐ EVN Đinh Quang Tri, hiện nay, vốn đầu tư cho các dự án điện đang còn khó khăn. Nhu cầu vốn cần thu xếp rất lớn, trong khi nguồn tài chính trong nước có hạn. Với các dự án BOT, IPP, do giá điện hiện chưa đủ hấp dẫn nên chưa nhiều nhà đầu tư bày tỏ ý định tham gia.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, từ nay đến năm 2020 chỉ còn 7 năm, để đạt được mục tiêu phát triển nguồn và lưới điện trong QHĐ VII, rất cần sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết những khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng cho các dự án điện.

Thực tế triển khai các dự án điện thời gian qua cho thấy, thiếu vốn và chậm chễ trong khâu giải phóng mặt bằng chính là những khó khăn nan giải ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án điện.

Năm 2015, Việt Nam sản xuất từ 194-210 tỉ kWh điện

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII), mục tiêu đến năm 2015, 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện... Trong QHĐ VII, các phương án được đưa ra với sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỉ kWh, năm 2020 khoảng 330-362 tỉ kWh và năm 2030 lên tới 695-834 tỉ kWh. Tương ứng với kịch bản cơ sở, tổng công suất các nhà máy điện vào năm 2020 đạt 75.000MW, năm 2030 lên tới 146.000MW. Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện thành công QHĐ VII phải có các điều kiện cần thiết đi kèm như phải đảm bảo nguồn vốn, nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thuỷ điện...) theo từng giai đoạn.
Theo: Lao động Online