Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Ngọc Thọ
|
Cụ thể, về vấn đề quy hoạch, đầu tư và vận hành các nhà máy thủy điện, theo người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên, điều này đã được các thành viên Chính phủ cũng bàn rất nhiều và quan điểm của Chính phủ, ý kiến của Thủ tướng là tiềm năng thủy điện là lợi thế lớn của nước ta cần phải khai thác, sử dụng để phát triển. Cụ thể, thủy điện đóng góp quan trọng vào đảm bảo điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, yếu kém cả trong qui hoạch, lập dự án, thi công, xây dựng, lập dự án; hạn chế trong di dân, tái định cư, những hạn chế trong việc bảo đảm môi trường sinh thái. Và nếu không khai thác thủy điện thì giá thành năng lượng, giá thành điện sẽ rất cao và đương nhiên giá bán tới tay người tiêu dùng sẽ không chỉ ở mức thấp như hiện nay.
“Thủ tướng có ý kiến những hồ thủy điện phải có kịch bản cụ thể, khi mùa mưa phải làm gì, lượng mưa cỡ nào phải có phương án xử lý ra làm sao, cả trước và trong và sau khi lưu lượng mưa về hồ. Thủy điện, hồ chứa nước có nhiều cái lợi nhưng nếu thiếu quản lý chặt chẽ, thiếu trách nhiệm hoặc tắc trách... thì sẽ gây thiệt hại.” - Người phát ngôn của Chính phủ cho hay.
Theo Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhóm giải pháp như đối với 268 nhà máy thủy điện đang hoạt động (công suất 14.000 MW), nhà máy nào không an toàn hồ đập thì sẽ cho ngừng hoạt động và phải đưa ra giải pháp bổ sung bảo đảm hoạt động của nhà máy. Đồng thời rà soát, bổ sung những qui trình vận hành hồ chứa để phù hợp diễn biến thực tế, bao gồm cả mùa mưa lũ và mùa cạn kiệt. Riêng với 205 nhà máy thủy điện đang khởi công thì phải rà soát kỹ, đánh giá kỹ thuật có đảm bảo an toàn.
Trên tinh thần đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Chính phủ sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế nhằm phát huy mặt tích cực, hiệu quả của thủy điện góp phần bảo đảm điện năng cho phát triển đất nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục nhanh các yếu kém của thủy điện, bảo đảm hiệu quả nền kinh tế, môi trường và an toàn.
“Vấn đề liên quan đến thủy điện thuộc trách nhiệm nhiều bộ, ngành. Chúng ta cần hết sức công bằng và nhìn nhận từ hai phía để thông tin cho nhân dân hiểu, qua đó người dân giám sát quy trình vận hành hồ chứa, vận hành thủy điện một cách an toàn hơn nữa.” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định
Trong đợt lũ lịch sử tháng 11/2013 vừa qua tại miền Trung - Tây Nguyên, ngoài hồ Sông Tranh 2 đã cắt/giảm được 63% lưu lượng nước lũ với dung tích 117 triệu m³ thì hồ thủy điện Đắc Mi 4 cắt được tổng lưu lượng nước về hạ du 45,62 triệu m³ (chiếm 18,84% tổng lượng nước lũ). Hồ thủy điện sông Ba Hạ cắt giảm 34 triệu m³ (chiếm 6,7% tổng lưu lượng nước lũ); Hồ thủy điện Ka Nak cắt giảm được 13,7 triệu m³ (chiếm 9,9% tổng lưu lượng nước lũ về hồ); Hồ thủy điện An Khê cắt giảm được 9,6% lưu lượng đỉnh lũ.