Sự kiện

VBF 2013: Cần đưa giá điện về sát với thị trường

Thứ năm, 5/12/2013 | 08:46 GMT+7
Biện pháp căn cơ để giải bài toán căng thẳng về cung ứng điện, cải thiện tình hình tài chính cho EVN và có thể thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào các dự án điện chính là đảm bảo cơ chế cho giá bán điện theo sát thị trường, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo và điện hạt nhân.



Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các Bộ trưởng, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chủ trì VBF 2013 ngày 3/12/2013. Ảnh: NK
    
Giá bán điện cần sát với thị trường

Ông Preben Hjortlund - Chủ tịch Phòng Thương mại  châu Âu tại Việt  Nam (EuroCham) tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Business Forum - VBF) thường niên 2013 trong báo cáo mang tên “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: Từ chương trình tới hành động” đề cập đến vấn đề đảm bảo giá bán điện đủ bù đắp chi phí thực tế (bao gồm cả chi phí hoạt động và đầu tư) của nhà sản xuất, nhà cung cấp.

Cụ thể, ông Preben Hjortlund cho rằng từ ngày 1/1/2013, Pháp lệnh Giá đã được thay thế bằng Luật Giá 2012. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Việt nam trong việc loại bỏ các biện pháp bình ổn giá không thực tế hoặc mâu thuẫn với cam kết WTO của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều quan ngại vẫn tồn tại trong một số ngành cụ thể khi giá không phản ánh đúng chi phí hoạt động.

Điển hình là giá năng lượng bị giữ cố định ở mức thấp đã khiến ngành điện phải bán điện dưới giá thành sản xuất và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gặp khó khăn trong việc duy trì vốn để tái đầu tư và phát triển. Về cơ bản, theo Chủ tịch EuroCham thì Chính phủ nên triển khai một khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho cơ chế mua điện từ người sử dụng (Feed - in - Tariff).  
 
Một loạt các ý kiến của các chuyên gia đầu ngành của các nhóm công tác khác nhau thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thì cần đưa nhiều nguồn lực thị trường hơn vào ngành điện để có thể thu hút đầu tư phát triển nguồn điện mới. Thậm chí nên chuyển đổi trợ giá từ xăng dầu tiêu dùng cho xe máy và xe ôtô sang cung ứng điện, đặc biệt giá ưu đãi theo chính sách đối với nguồn năng lượng thay thế, sẽ là một phần giải pháp. Việt Nam cần sử dụng các mỏ dầu và phát triển công nghệ năng lượng gió, mặt trời và các công nghệ thay thế khác. Một số ý kiến khác cho rằng, nguồn năng lượng thay thế tiềm năng nhất cho Việt Nam tại giai đoạn này trong quá trình phát triển là khí đốt thiên nhiên, dễ dàng đảm bảo an toàn năng lượng trong nước và đốt sạch hơn than đá.
 


Dự án kéo cáp ngầm 110kV vượt biển ra huyện đảo Phú Quốc đặt mục tiêu công ích, an sinh xã hội lên đầu. Ảnh: Ngọc Thọ

Năng lượng tái tạo và điện hạt nhân là giải pháp

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết thông tin rằng có một thực tế là qua 2 năm triển khai thực hiện Tổng Sơ đồ Điện VII, việc xây dựng các nguồn điện tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam về cơ bản là phù hợp với tiến độ đề ra. Riêng tiến độ xây dựng các nguồn điện tại miền Nam bị chậm và có nguy cơ là tiếp tục chậm do một số lý do và thiếu vốn đầu tư, khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính yếu.

Ông  Terry Mahony - Nhóm Công tác Thị trường Vốn của VBF thì cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nguồn năng lượng điện từ gió (phong điện) lớn nhất trong khối ASEAN do Việt Nam nằm trong những luồng gió mạnh và ổn định. Quy hoạch điện VII đặt mục tiêu phát triển năng lượng phong điện đạt 1000MW vào năm 2020 nhưng thực tế, việc xây dựng và phát triển các nhà máy phong điện chậm chạm hơn nhiều so với dự kiện với tổng số lượng phong điện đã hoạt động mới chỉ đạt 46MW.   

Cũng chính vì việc EVN đang phải gánh chịu một khoản lỗ lớn vì giá bán điện trong thời gian dài dưới giá thành nên các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng khó có thể chấp nhận cho EVN mua điện từ các dự án phong điện trừ khi có một bảo đảm từ Chính phủ. Còn những công ty chuyên về phong điện có uy tín và năng lực tài chính chưa có điều kiện và cơ hội xâm nhập thị trường Việt Nam.

Ông Sigmund Strømme - Chủ  tịch Phòng Thương mại Bắc Âu khuyến nghị rằng, tiềm năng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời ở Việt Nam rất cao và các nước Bắc Âu không xa lạ gì với ngành công nghiệp này. Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống phải mất nhiều năm để phát triển và chưa có hệ thống mới nào thì sự phát triển của năng lượng gió và mặt trời có thể mang lại 1.000 MW trong vài năm với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, theo vị  Chủ  tịch Phòng Thương mại Bắc Âu trước khi hiện thực hóa, Việt Nam cần cải thiện hơn môi trường kinh doanh cũng như thể chế bằng việc tăng cường cơ chế chính sách và quy định đảm bảo sự phát triển của các dự án điện gió và mặt trời.
 
Được thành lập sau Hội nghị Tư vấn Nhóm các nhà Tài trợ cho Việt Nam (CG) tại Tokyo năm 1997, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là một trong những dự án đối thoại Nhà nước – Doanh nghiệp đầu tiên mà Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)/Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cũng là một trong những Diễn đàn đối thoai công - tư thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại. Trải qua hơn một thập kỷ, Diễn đàn đã thiết lập những kênh đối thoại thường xuyên giữa khối doanh nghiệp tư nhân và Chính phủ và được thừa nhận có vai trò rất tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.


Trần Ngọc Thọ