TTĐ Biển Hồ (Gia Lai) dùng UAV kiểm tra ĐZ.
Để đảm bảo cho người lao động quản lý, vận hành tuyến đường dây được nhanh chóng, chính xác, giảm thời gian thao tác khi đi kiểm tra tuyến, các đơn vị đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ.
Trao đổi với phóng viên, anh Lê Duy Tác, công nhân đội truyền tải điện Bảo Lộc – Truyền tải điện Lâm Đồng cho hay, anh em công nhân được trang bị các thiết bị bay không người lái (UAV) có gắn camera cảm biến nhiệt, ghi nhận hình ảnh để có thể quan sát các điểm, vị trí trên cột ở khoảng cách gần nên việc kiểm tra được chính xác và rút ngắn hơn. Đặc biệt là khi đi những vị trí cột bị khuất, khó tiếp cận bằng cách đo đứng dưới mặt đất, hoặc không có vị trí đo thuận lợi.
Sử dụng UAV gắn camera cảm biến nhiệt giúp cho những người công nhân nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố phát nhiệt cao. Từ đó, lên kế hoạch theo dõi, thay thế, ngăn chăn kịp thời nguy cơ gây sự cố do đứt dây, gãy sứ, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục.
Công nhân TTĐ Đắk Nông đo phát nhiệt.
Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Phó giám đốc Truyền tải điện Đắk Nông, với địa hình khó khăn đồi núi hiểm trở, nhiều vị trí, đường dây truyền tải vận hành nằm ở các khu vực xung yếu rất khó để người công nhân có thể tiếp cận, kiểm tra. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ, sử dụng UAV gắn camera cảm biến nhiệt giúp cho công nhân nhanh chóng tiếp cận phần tử cần kiểm tra, rút ngắn thời gian kiểm tra nâng cao năng suất lao động.
Riêng năm 2023, nhờ sử dụng công nghệ này, Truyền tải điện Đắk Nông đã phát hiện và xử lý kịp thời các điểm tiếp xúc phát nhiệt cao, nguy cơ ảnh hưởng tới truyền tải điện trên đường dây 220 kV Đắk Hòa – Đắk Nông; phát hiện và thay thế các chuỗi cách điện composite bị chênh lệch nhiệt độ trên chuỗi gồm đường dây 500 kV Pleiku 2 - Chơn Thành/Xuân Thiện - Chơn Thành, đường dây 500 kV Pleiku - Đắk Nông.
Ngoài việc sử dụng UAV phục vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải, các đơn vị thành viên của Công ty Truyền tải điện 3 cũng đã lắp đặt hệ thống camera AI tại nhiều vị trí xung yếu, thực hiện theo dõi giám sát lưới điện, qua đó tiết kiệm nhiều nhân lực và nâng cao hiệu quả trong việc kiểm tra, giám sát.
TTĐ Biển Hồ (Gia Lai) dùng UAV kiểm tra ĐZ.
Tại Truyền tải điện Gia Lai, đơn vị này đã lắp đặt các camera xử lý hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo trên đỉnh cột đường dây tại một số vị trí đặc biệt. Đồng thời để kiểm tra dọc tuyến đường dây, đơn vị này cũng hoàn thành việc sử dụng thiết bị bay không người lái để quét và dựng bản đồ 3D của đường dây ngoài thực địa. Sau đó, tạo đường bay tự động trên bản đồ 3D đã xây dựng và đưa vào cho các thiết bị bay khác để bay tự động kiểm tra lưới điện truyền tải với độ chính xác cao.
Ông Hà Thanh Xuân, Phó giám đốc Truyền tải điện Gia Lai cho hay, giải pháp này giúp tạo đường bay tự động mà người công nhân không cần ra hiện trường như trước đây. Ngoài ra, người công nhân có thể thay đổi linh hoạt đường bay kiểm tra theo ý muốn thông qua bản đồ 3D mà không cần đến hiện trường; từ đó bay tự động rất chính xác trong các lần kiểm tra theo định kỳ. Ngoài ra, mô hình bản đồ 3D cũng giúp đơn vị giám sát hành lang, xử lý dữ liệu đo đạc.
TTĐ Biển Hồ (Gia Lai) dùng UAV kiểm tra ĐZ.
Không chỉ Gia Lai mà các đội truyền tải điện tại Đắk Nông, Lâm Đồng và trong cả PTC3 đều đang chú trọng vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, các ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý vận hành, qua đó tiết kiệm nhiều thời gian, nhân công so với kiểm tra phương pháp thủ công, thiết thực nâng cao hiệu quả và tăng năng suất lao động.
Công nhân Phạm Quang Thảnh, đội truyền tải điện Biển Hồ - Gia Lai cho biết, để lên đến điểm cột, có vị trí cách đội hơn 100 km, anh em phải đi từ tờ mờ sáng và mất cả ngày để kiểm tra. Nhưng nhờ công nghệ UAV, đặc biệt sau khi ứng dụng vẽ bản đồ 3D, người công nhân chỉ cần đặt lịch trình bay tự động, kiểm tra tự động cho thiết bị bay, thời gian kiểm tra rút ngắn chỉ còn 1-2 tiếng đồng hồ, giảm hao tổn sức lực nhưng tăng năng suất lao động là hiệu quả thực.
Thực tế cho thấy, tại các truyền tải điện đều đang ứng dụng các phần mềm dùng chung trong quản trị doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) như toàn bộ văn bản đều được ký số và chuyển theo đường D-Office; các phần mềm trong đầu tư xây dựng, quản lý sửa chữa lớn, sữa chữa thường xuyên, quản lý tài sản….
TTĐ Gia Lai dùng UAV kiểm tra ĐZ.
Tại các trạm biến áp đã ứng dụng các phần mềm PMIS, Istation, giám sát dầu online, Quản lý thí nghiệm, FL, máy soi phát nhiệt... để nâng cao chất lượng quản lý đánh giá, kiểm soát thiết bị, từ đó chủ động trong mọi phương thức vận hành hệ thống điện, theo dõi và xử lý nhanh mọi bất thường trong quá trình vận hành để giữ cho lưới truyền tải điện được vận hành an toàn, ổn định.
Ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) cho biết, toàn đơn vị xác định ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào quản lý vận hành, đầu tư xây dựng có ý nghĩa quyết định đến hoạt động của đơn vị.
Vì vậy, PTC3 đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu, đảm bảo dữ liệu đúng, đầy đủ trên hệ thống; hoàn thành chuyển đổi các trạm biến áp (TBA) 220 kV sang chế độ không người trực theo kế hoạch; ứng dụng AI trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh. Các dữ liệu được thu thập đầy đủ, chính xác, sẵn sàng cho việc ứng dụng các công nghệ Big data, trí tuệ nhân tạo.
Kiểm tra thiết bị tại TBA 500kV Di Linh.
Bên cạnh đó, dọc tuyến đường dây, các đơn vị đã ứng dụng thiết bị bay UAV, lắp đặt camera sử dụng năng lượng mặt trời tại các vị trí xung yếu đường dây truyền tải, bản đồ địa lý GIS... đặc biệt đối với các đường dây thường xuyên vận hành đầy tải, quá tải đã ứng dụng các thiết bị bay UAV có trang bị camera nhiệt có khả năng soi phát nhiệt trong quản lý vận hành các đường dây này.
“Chúng tôi luôn ý thức việc sáng tạo, đẩy mạnh khoa học công nghệ, quản lý vận hành được tốt hơn và tạo thuận lợi cho người lao động hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, đơn vị đảm bảo nhiệm vụ truyền tải điện thông suốt trên trục Bắc Nam, đồng thời giải tỏa các nguồn năng lượng trọng điểm quan trọng trong khu vực như các nhà máy thủy điện khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện BOT Vân Phong… và các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực”, ông Đinh Văn Cường nói.
TTĐ Bảo Lộc vận hành thiết bị UAV kiểm tra ĐZ.
Có thể nói, khi nhu cầu phụ tải, truyền tải điện tăng cao, nhất là các tháng mùa khô được đánh giá là giai đoạn căng thẳng trong cung cấp điện thì sự đóng góp của khoa học kỹ thuật, sử dụng các công nghệ mới trong quản lý, vận hành đã giúp dòng điện được truyền đi một cách thông suốt, an toàn, liên tục, với chất lượng ngày một nâng cao, đặc biệt tại khu vực do PTC3 quản lý có địa hình phức tạp, luôn chịu tác động lớn bởi thời tiết nắng nóng, mưa bão, lũ, giông sét, nước biển…