Hệ thống điện mặt trời áp mái góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Nam Anh.
Lợi ích lớn
Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu hướng mà ngày càng được quan tâm tại các chương trình nghị sự của các quốc gia trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động triển khai một cách bài bản các cam kết quốc tế. Đó là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) hướng tới Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Đặc biệt ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII). Tại Quy hoạch điện VIII, Chính phủ khuyến khích phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, để nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ hóa thạch. Đối với điện mặt trời mái nhà, Quy hoạch điện VIII cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Nói về ưu thế “xanh hóa” năng lượng trong sản xuất với giải pháp điện mặt trời áp mái đem lại, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn điện ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh, hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất.
Ông Phòng cho biết, hiện Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, đây cũng chính là cơ sở đưa Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Tại EU và một số quốc gia khác, sản phẩm, hàng hóa khi nhập khẩu vào các thị trường này nếu muốn được hưởng cơ chế ưu đãi buộc phải có chứng chỉ xanh.
“Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) chủ động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh mà còn là điều kiện không thể thiếu trong quá trình hội nhập quốc tế” - ông Phòng nói.
Tạo cơ chế cho “xanh hóa” năng lượng
Mặc dù mang lại lợi ích lớn, song theo các chuyên gia và cộng đồng DN hiện nay, việc lắp đặt cũng như sử dụng điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa có phương án để triển khai phát triển. Đồng thời các DN sản xuất đang mong muốn thực hiện xanh hóa, có chứng chỉ xanh khi xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đầu tư, lắp đặt, sử dụng.
Chỉ ra những khó khăn, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết, lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các khu, cụm công nghiệp mang lại lợi ích to lớn. Nhiều đơn vị triển khai điện mặt trời mái nhà đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng so với sử dụng điện hệ thống. Tuy nhiên, sau Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương đang đề xuất chỉ ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại hộ dân, công sở; chưa khuyến khích các cơ sở khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ điện lớn như các DN, bao gồm DN trong khu công nghiệp lớn.
Cũng theo bà Anh Thu, chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời mái nhà vì thế có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, bao gồm cả quy định cụ thể về điện mặt trời mái nhà, hành lang pháp lý cũng như hoàn thiện chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức có chức năng chuyên kinh doanh đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Thiếu những quy định này khiến các chủ đầu tư khó có thể trực tiếp triển khai lắp đặt, giảm đi khả năng phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp rất phù hợp với chủ trương của nhà nước, giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tái tạo, phù hợp định hướng phát triển của ngành từ “nhanh” sang “bền vững”. Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm, cũng cho biết, còn một số khó khăn. Cụ thể cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho DN, khu công nghiệp chưa rõ ràng, DN lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh” - ông Cẩm chia sẻ và cho biết hiện chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà. Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. Điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản tự tiêu.
Nói về ưu thế “xanh hóa” năng lượng trong sản xuất với giải pháp điện mặt trời áp mái đem lại, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn điện ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh, hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất.
Link gốc