Tin trong nước

Xây dựng các kịch bản ứng phó trước mùa mưa bão năm 2022

Thứ hai, 28/3/2022 | 20:55 GMT+7
Ngày 28/3, tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – Ngô Sơn Hải chủ trì cuộc họp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn bàn giải pháp chủ động ứng phó trước mưa bão năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
 

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
 
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo số lượng cơn bão, áp thấp trong năm 2022 hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 4-6 cơn), ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ trong khoảng thời gian từ tháng 7-9 và ở khu vực Trung Bộ từ tháng 9-11/2022. Ngoài ra, xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
 
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn đập, hồ chứa, an toàn cho hạ du, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các đơn vị thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và của Tập đoàn về công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).
 
Thực hiện đúng, đầy đủ các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương và Tập đoàn về công tác PCTT&TKCN; kịp thời ban hành Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo các đơn vị ứng phó với các sự kiện thiên tai.
 
Kiện toàn Ban Chỉ huy và rà soát, hiệu chỉnh quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và quy định của Tập đoàn về công tác PCTT&TKCN; bồi dưỡng, huấn luyện kỹ năng và tổ chức kế hoạch ứng cứu khẩn cấp cho các thành viên Ban Chỉ huy, Đội xung kích và cho tất cả các cán bộ công nhân viên làm công tác PCTT&TKCN.
 
Xây dựng và tổ chức diễn tập phương án PCTT&TKCN (bao gồm cả phương án ứng cứu thông tin), lưu ý công tác phối hợp, huy động lực lượng của các đơn vị trên địa bàn, địa bàn lân cận và tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ (nếu có); hoàn thành diễn tập trước mùa mưa bão ít nhất là 15 ngày.
 
Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông báo chí để thường xuyên cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác trước, trong và sau thiên tai. Rà soát, hoàn thiện, ký kết quy chế, thỏa thuận hoặc biên bản phối hợp giữa các Tổng công ty, giữa các đơn vị đóng trên địa bàn hoặc khu vực để kịp thời hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Động viên, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác này sau mỗi sự kiện thiên tai lớn.
 
Thực hiện phân tích một số sự cố điển hình, sự cố lớn do thiên tai gây ra để có giải pháp phòng ngừa trong các sự kiện thiên tai tương tự; thống kê, đánh giá sơ bộ thiệt hại đảm bảo tính khách quan, minh bạch; phản ánh sát thực tế về mức độ sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan đến hoạt động phân tích, thống kê, đánh giá sự cố, thiệt hại.
Kim Thái