Do vậy, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống tổ chức Công đoàn, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Công đoàn, là yêu cầu đòi hỏi sự đóng góp tích cực của mỗi cán bộ, đoàn viên Công đoàn. Quán triệt ý nghĩa và tác dụng quan trọng của công tác xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, trong nhiệm kỳ 5 năm (2003 – 2008), Công đoàn Điện lực Việt Nam đã chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, coi công tác xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động Công đoàn, hướng mạnh về cơ sở, chỉ đạo xây dựng tiêu chuẩn và tổ chức chấm điểm Công đoàn vững mạnh ở các cấp Công đoàn trong toàn Ngành đem lại hiệu quả thiết thực.
Trên cơ sở tiêu chuẩn chung của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quy định trong Nghị quyết 3B/NQ-TLĐ, Thông tri hướng dẫn số 02/TT-TLĐ, Thông tư số 01/TT-TLĐ, từ năm 2000 cho đến nay, công đoàn Điện lực Việt Nam đã cụ thể hóa và xây dựng thành các nội dung, thông số phù hợp với tình hình đặc điểm của ngành Điện trong từng giai đoạn, đồng thời chỉ đạo Công đoàn các công ty, cơ sở xây dựng tiêu chuẩn chấm điểm Công đoàn vững mạnh cho các đơn vị, bộ phận trực thuộc.
Hàng năm, các nội dung, tiêu chí xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh đều được thảo luận, rút kinh nghiệm qua tổng kết đánh giá của năm trước để bổ sung, sửa đổi cho sát với thực tế của Công đoàn các đơn vị. Các cuộc Hội thảo đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp từ các cán bộ Công đoàn chủ chốt để hoàn chỉnh và ban hành tiêu chuẩn xây dựng và chấm điểm Công đoàn vững mạnh cho từng năm. Từ một bảng điểm chung cho các Công đoàn trực thuộc công đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2005 đã xây dựng được 7 bảng tiêu chuẩn chấm điểm cho các khối: Ban QLDA, Tư vấn XD Điện, khối Nhà máy điện, khối Truyền tải điện, khối Điện lực, khối Trường học và phụ trợ. Đến tháng 5 năm 2007, sau nhiều lần thảo luận đã thu gọn thành 3 bảng tiêu chuẩn chấm điểm cho các khối có chung đặc điểm như: Khối các công ty Nhà nước (gồm các doanh nghiệp Nhà nước, công ty TNHH 1 TV); Khối các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 TV trở lên, DN có vốn đầu tư nước ngoài; Khối các đơn vị sự nghiệp (gồm các Trường đào tạo, các ban QLDA và các đơn vị phụ trợ). Nội dung các tiêu chuẩn đều được xây dựng chi tiết thành các hạng mục, các tiêu chí với thang điểm tính đến một chữ số thập phân, khi chấm điểm có tính đến hai chữ số thập phân. Nhờ vậy, kết quả chấm điểm phản ánh khá chính xác các mặt hoạt động Công đoàn và sự bình xét thi đua hàng năm có thể nói là "Tâm phục, khẩu phục".
Để các nội dung xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh sát với thực tiễn, định kỳ hàng năm công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức các đoàn đi khảo sát, đánh giá, chấm điểm đối với Công đoàn các công ty, cơ sở trực thuộc. Công đoàn các đơn vị định kỳ theo quý hoặc 6 tháng kiểm tra chấm điểm các Công đoàn cơ sở hoặc bộ phận. Hình thức tổ chức qua các năm đều có rút kinh nghiệm: hoặc tổ chức thành các đoàn, các nhóm chấm điểm, hoặc chấm chéo giữa các đơn vị trong khối, hoặc các đơn vị tự chấm rồi Công đoàn cấp trên chấm phúc tra,... nhìn chung mỗi cách thức tổ chức chấm điểm đều có ưu và nhược điểm. Song thành công chung nhất của công tác chấm điểm là đánh giá được kết quả hoạt động Công đoàn các đơn vị ngày càng sát thực hơn. Qua chấm điểm các đơn vị đã có điều kiện trao đổi và học hỏi lẫn nhau những nội dung cần thiết trong hoạt động Công đoàn. Kết quả chấm điểm Công đoàn vững mạnh là căn cứ quan trọng trong việc xếp loại và bình bầu khen thưởng cuối năm, đồng thời cũng là một dịp để Công đoàn các cấp tự rà soát lại những mặt làm được và chưa làm được để điều chỉnh sau mỗi lần kiểm tra chấm điểm.
Những Công đoàn tiêu biểu nhiều năm liền đạt được danh hiệu vững mạnh xuất sắc là: Công đoàn các công ty Điện lực 2, 3; CĐ công ty Truyền tải Điện 1, 2; CĐ công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa, Phả Lại; CĐ công ty Thuỷ điện Ialy, Hòa Bình,... Quá trình tổ chức chấm điểm Công đoàn vững mạnh đã giúp cho hoạt động Công đoàn ở các đơn vị ngày một nâng cao và đi vào nền nếp. Trên các mặt hoạt động, đã bám sát tiêu chuẩn xây dựng Công đoàn vững mạnh để đổi mới về nội dung, hình thức và biện pháp thực hiện. Đó là : Công tác tham gia quản lý đã được thực hiện qua các phong trào thi đua, phong trào tiết kiệm, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến và hợp lý hóa sản xuất, phong trào an toàn vệ sinh lao động ; Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được chú trọng thông qua việc tổ chức Đại hội CNVC, Hội nghị người lao động, hội nghị cán bộ công chức, việc ký kết TưLĐTT và HĐLĐ cá nhân, xây dựng các nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp. Các chế độ chính sách đối với người lao động được thực hiện khá tốt ở hầu hết các đơn vị trong Ngành. Công tác kiểm tra, giám sát của các ban TTND được đề cao, các nội dung liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động đều được định kỳ kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm. Công đoàn phối hợp với chuyên môn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần CNVCLĐ, làm tốt công tác từ thiện xã hội, tạo nên sự gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp và thể hiện tấm lòng. Thương người như thể thương thân, hòa nhập với cộng đồng. Công tác tuyên truyền, vận động CNVC - LĐ đã có những nội dung cụ thể trong từng thời kỳ, Công đoàn phối hợp chuyên môn tập trung tuyên truyền phổ biến các chính sách, chế độ về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp. Công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ công đoàn và người lao động được quan tâm thực hiện tốt hơn. Các hoạt động nghiệp vụ Công đoàn như hệ thống sổ sách, cập nhật thông tin, bảng biểu báo cáo, chế độ sinh hoạt,... đã dần đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả của thông tin hai chiều trong công tác chỉ đạo và triển khai các mặt hoạt động Công đoàn.Kết quả xây dựng tiêu chuẩn và tổ chức chấm điểm Công đoàn vững mạnh 5 năm qua đã giúp cho Công đoàn các đơn vị không chỉ ngày càng hoàn thiện, chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức và biện pháp hoạt động phù hợp với hướng dẫn chung và tình hình cụ thể của từng đơn vị, mà còn tạo sự phối hợp chặt chẽ với chuyên môn động viên CNVCLĐ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống của người lao động. Quá trình tổ chức chấm điểm Công đoàn vững mạnh hàng năm giữa các đơn vị có tác dụng tạo điều kiện để cán bộ Công đoàn trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về nghiệp vụ, suy tôn và học tập các điển hình tiên tiến, là động cơ thúc đẩy Công đoàn các đơn vị phấn đấu vươn lên đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh, vững mạnh xuất sắc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Tập đoàn và công đoàn Điện lực Việt Nam.