Hướng tới Đại hội đảng bộ EVN lần thứ II

Xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại

Thứ hai, 8/6/2015 | 10:27 GMT+7
Đảng bộ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2010 - 2015 trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước có nhiều biến động phức tạp, đang dần phục hồi sau khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVN NPT. 


Công nhân Công ty Truyền tải điện 4 kiểm tra, vận hành điện tại trạm biến áp 220kV Trà Nóc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trong khi Hệ thống truyền tải điện thường xuyên quá tải; thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường; công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp nhiều vướng mắc; các chỉ tiêu tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng... cùng với đó là áp lực phải phát triển nhanh hệ thống truyền tải điện. Với mô hình tổ chức bộ máy đồng bộ từ tổ chức đảng, chuyên môn, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội xuyên suốt theo ngành dọc, Đảng ủy đã lãnh đạo EVN NPT tranh thủ thời cơ, nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức theo đúng mục tiêu Đại hội Đảng bộ EVN NPT lần thứ nhất đã đề ra. 
 
Vận hành an toàn, liên tục, ổn định
 
Trước nhiệm vụ chính trị được giao hết sức khó khăn, nặng nề, Đảng ủy EVN NPT đã thảo luận và ban hành Chương trình công tác toàn khóa, trong đó có các nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo như: Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề nhằm lãnh đạo có trọng điểm trong toàn Đảng bộ, theo đó, nâng cao chất lượng quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện; nâng cao hiệu quả trong công tác đấu thầu; xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững; tăng cường lãnh đạo công tác quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Căn cứ nhiệm vụ trọng tâm từng giai đoạn, Ban Thường vụ Đảng ủy đã lựa chọn, xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện 2 nghị quyết là: Đầu tư xây dựng để đảm bảo tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, cấp bách và công tác quản lý vận hành nhằm giảm sự cố và tổn thất điện năng. 
 
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và EVN. Hàng năm, Ban Chấp hành đều tổ chức hội nghị mở rộng nhằm tổng kết đánh giá toàn diện các mặt hoạt động, chỉ ra các hạn chế khuyết điểm, nguyên nhân, qua đó ban hành nghị quyết, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho  năm tiếp theo. Vì vậy, trong 5 năm qua, Hệ thống truyền tải điện quốc gia được vận hành an toàn, liên tục, ổn định, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Cụ thể,  Hệ thống truyền tải điện phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng, đã vươn tới 61/63 tỉnh, thành trên cả nước. Tính đến nay, EVN NPT quản lý  hơn 6.790 km đường dây trên không cấp điện áp 500 kV, tăng 80,68% so với đầu nhiệm kỳ; 13.407 km đường dây trên không cấp điện áp 220 kV, tăng 39,89%; 23 Trạm biến áp 500 kV với tổng dung lượng 22.350 MVA; 89 Trạm biến áp 220 kV với tổng dung lượng 34.251 MVA; dung lượng tụ bù 4.535 MVAr; dung lượng kháng bù ngang 3.751 MVAr. Đặc biệt, năm 2014 Tổng công ty đã chính thức đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm điều khiển xa đối với hai TBA 220 kV Mỹ Phước và Bến Tre; hoàn thành 2.530 công trình sửa chữa lớn với giá trị 1.445 tỷ đồng, từng bước đảm bảo chất lượng các thiết bị, góp phần đảm bảo vận hành an toàn Hệ thống truyền tải điện. Theo đó, đã truyền tải được 539,84 tỷ kWh, tăng bình quân 11,4%/năm, góp phần cùng EVN cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. 
 
Tỉ lệ tổn thất điện năng đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (2,5 - 3%). Xác định đây là chỉ tiêu có vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả hoạt động SXKD, EVN NPT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý kỹ thuật, vận hành, ĐTXD, chống quá tải,… Riêng năm 2013, 2014, do vận hành lưới truyền tải điện 500 kV Bắc - Trung, Trung - Nam luôn truyền tải cao để  khai thác hiệu quả các nguồn điện, nên tỉ lệ tổn thất điện năng cao hơn kế hoạch giao. 
 
Công tác giảm thiểu sự cố đã được EVN NPT quan tâm chỉ đạo hết sức quyết liệt và đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, như các biện pháp quản lý kỹ thuật, kỷ luật vận hành, tiếp tục áp dụng các biện pháp giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện và phối hợp tốt với chính quyền các địa phương trong việc xử lý vi phạm. Do vậy, mặc dù khối lượng quản lý lưới điện tăng nhanh nhưng số sự cố giảm theo từng năm. 
 
Đặc biệt, công tác đầu tư xây dựng đạt được kết quả đáng ghi nhận, với khối lượng lớn; các công trình trọng điểm, cấp bách đều được đưa vào vận hành kịp thời. Trong 5 năm, EVN NPT  đóng điện đưa vào vận hành 233 công trình, khởi công 181 công trình với tổng giá trị khối lượng thực hiện đạt 70.733 tỷ đồng (đầu tư thuần đạt 52.488 tỷ đồng). Điển hình, đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; nâng dung lượng tụ bù dọc toàn tuyến 500 kV Bắc Nam từ 1000 A lên 2000 A; đường dây 220 kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long,... đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam. Các công trình lưới điện đấu nối với các nguồn điện đã đưa vào vận hành đồng bộ với tiến độ phát điện, phát huy tối đa hiệu quả vận hành của các nhà máy, đó là: Đường dây 500 kV: Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, Sơn La - Hiệp Hòa, trạm 500 kV Sơn La, Hiệp Hòa đồng bộ với TĐ Sơn La; đường dây 500 kV Quảng Ninh - Mông Dương, Quảng Ninh - Hiệp Hòa, Quảng Ninh - Thường Tín, Trạm 500 kV Quảng Ninh đồng bộ với Trung tâm Nhiệt điện Quảng Ninh, Mông Dương; đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Song Mây, trạm 500 kV Vĩnh Tân, đường dây 220 kV Vĩnh Tân - Phan Thiết, Vĩnh Tân - Tháp Chàm, trạm 220 kV Tháp Chàm đồng bộ với Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; Trạm 500 kV Đăk Nông đồng bộ các nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, 4 và nhiều dự án lưới điện 220 kV đồng bộ với các nguồn điện khác như Bản Chát, Huội Quảng, Nho Quế 3, Nghi Sơn 1, Duyên Hải 2, Mạo Khê, Formosa Hà Tĩnh, Vũng Áng 1, Sê San 4A, A Lưới, Sêrêpok 4A, Đăk Rinh, Sông Bung 4...
 
Lưới điện 500 kV được phát triển mạnh, không những đóng vai trò liên kết các vùng, miền mà cũng đã hoàn thành khép kín các mạch vòng cấp điện đối với các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, qua đó đã góp phần nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện của Hệ thống truyền tải điện, như mạch vòng 500 kV Phú Lâm - Cầu Bông - Tân Định - Sông Mây - Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm khu vực miền Nam; mạch vòng Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan - Thường Tín - Quảng Ninh - Hiệp Hòa - Sơn La khu vực miền Bắc. Đã hoàn thành liên kết lưới điện miền Tây và miền Đông Nam bộ qua đường dây 500 kV Nhà Bè - Ô Môn và Phú Lâm - Ô Môn. Lưới điện 220 kV cũng được chú trọng đầu tư, nhờ đó đã đáp ứng kịp thời nguồn cung cấp điện cho sự phát triển của các địa phương, hoàn thành đưa vào vận hành các dự án phục vụ cung cấp điện cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như: các TBA 220 kV Vân Trì, Thành Công, các đường dây: 220 kV Vân Trì - Sóc Sơn, Vân Trì - Chèm, Hà Đông - Thành Công; xây mới và nâng công suất các trạm 220 kV giải quyết tình trạng quá tải các địa phương như: Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Thuận, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Châu Đốc...
 
Công tác tài chính, thu xếp vốn từng bước được cải thiện. Trong 5 năm, tổng doanh thu truyền tải điện của EVN NPT đạt 45.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 600 tỷ đồng, hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Công tác tài chính đã đạt được các thành tích nổi bật về công tác thu xếp vốn và quyết toán dự án hoàn thành. Theo đó, đã thu xếp vốn với tổng giá trị  70.650 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đầu tư. Năm 2014, lần đầu tiên EVN NPT đã phát hành thành công 1.500 tỷ đồng vốn trái phiếu với lãi biên 2,3%/năm, là lãi biên thấp nhất đối với các doanh nghiệp trong 5 năm gần đây; hoàn thành quyết toán 332 dự án với tổng giá trị phê duyệt là 42.292 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, đã xử lý dứt điểm các tồn tại trong công tác quyết toán từ trước đến nay, không còn dự án quá hạn quyết toán.
 
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được gắn với chương trình tối ưu hóa chi phí trong năm 2014; phòng, chống tham nhũng được duy trì  thông qua các biện pháp, như: Minh bạch trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, về tài sản, thu nhập…
 
Những bài học kinh nghiệm
 
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy EVN NPT  rút ra một số bài học kinh nghiệm: Trước hết, Ban Chấp hành Đảng bộ phải là tập thể đoàn kết, thống nhất, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; bám sát và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, cấp ủy các cấp, lãnh đạo và giải quyết đúng đắn các vấn đề về chiến lược, các nhiệm vụ cấp bách; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội; vận dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể của Tổng công ty, là cơ sở quan trọng để Đảng ủy lãnh đạo và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
 
Bên cạnh đó, phải quan tâm làm tốt công tác chính trị tư tưởng, kịp thời triển khai quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, CNVC, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động. Đồng thời thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời phát hiện xử lý những vấn đề nảy sinh; xây dựng đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, trong từng đảng bộ, chi bộ; giữ vững ổn định chính trị ở từng đơn vị; chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ. Tạo sự chuyển biến thực sự và đồng bộ trong công tác cán bộ trên tất cả các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và chính sách cán bộ. Đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, trọng dụng nhân tài; xác định đúng vai trò, vị trí, đặc điểm của từng tổ chức cơ sở đảng, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; xác định công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu, phân công cụ thể, đánh giá, động viên kịp thời. Trong hoạt động phải bám sát quy chế và thực hiện tốt các mối quan hệ phối hợp. Đồng thời, không ngừng tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; kiểm tra, giám sát, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, cơ quan và cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh.
 
Thanh Mai/Icon.com.vn