Xây dựng lưới điện truyền tải đạt trình độ tiên tiến trên thế giới: 7 giải pháp và 3 điều kiện cơ bản

Thứ sáu, 29/6/2018 | 08:38 GMT+7
Để hoàn thành tốt sứ mệnh đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đã chỉ rõ, đến năm 2020 lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1; Khắc phục được tình trạng quá tải, nghẽn mạch. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Xây dựng lưới điện truyền tải linh hoạt, hiện đại với đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, công nghệ GIS, cáp ngầm; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới trên lưới điện truyền tải. Đồng thời, vươn lên là một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu trong khu vực ASEAN vào năm 2020. Đến năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện...). Phóng viên đã phỏng vấn ông Tạ Việt Hùng - Trường Ban kỹ thuật Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) về các giải pháp để triển khai thực hiện nhằm đạt được các yêu cầu này. 
 
PV. Thưa ông, xin ông cho biết với sự ra đời và đi vào hoạt động của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), việc đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đã được thực hiện như thế nào trong 10 năm qua ?
 
Ông Tạ Việt Hùng: Việc đầu tư phát triển lưới điện truyền tải trong giai đoạn 10 năm vừa qua, kể từ khi thành lập Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) vào tháng 7/2018 đến nay, có thể khẳng định lưới truyền tải điện quốc gia đã có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô lưới điện. Cụ thể, số trạm biến áp (TBA) đã tăng hơn 2 lần; Tổng dung lượng máy biến áp (MBA) tăng 3,72 lần; Tổng số km đường dây tăng 2,2 lần; Sản lượng điện truyền tải tăng trưởng bình quân 10,95%/năm. Lưới điện các miền và hệ thống đường trục 500kV Bắc- Nam liên tục được đầu tư, mở rộng. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài trục xương sống 500kV Bắc- Nam với 2 mạch ĐZ 400kV từ Nho Quan đến Pleiku và Pleiku 2; 4 mạch ĐZ 500kV từ Pleiku, Pleiku 2 đến Tân Định, Cầu Bông, lưới điện 500kV miền Bắc và miền Nam đã khép kín được các mạch vòng tại các miền, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và vận hành an toàn, ổn định hệ thống. Cho đến thời điểm này, lưới 500kV đã hoàn thành được 2 mạch vòng rất quan trọng để đảm bảo cho điện miền Nam mà cụ thể là đối với khu vực TP Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bình Dương là những khu vực kinh tế rất năng động của miền Nam và ngoài Bắc đối với Thủ đô Hà Nội và các vùng phụ cận.
 
Đối với lưới điện 220kV cũng đã được đầu tư đảm bảo đáp ứng 2 nhiệm vụ là truyền tải công suất  của các nguồn đấu nối vào lưới 220kV và cung cấp phụ tải cho từng khu vực.
 
Điều đáng nói là việc đấu nối giải tỏa nguồn từ các nhà máy điện lớn của miền Bắc vào cho miền Nam thì NPT luôn đảm bảo được tiến độ phát của các nguồn khi kết nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. 
 
Riêng đối với việc đảm bảo cấp điện miền Nam, trong nhiều năm trở lại đây do các nguồn điện miền Nam của các nhà đầu tư bên ngoài như BOT hay các nhà máy điện do Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư không đảm bảo tiến độ nên miền Nam phải thường xuyên nhận điện từ miền Bắc và miền Trung. Tỉ lệ truyền tải cung cấp điện cho miền Nam qua các ĐZ 500kV và 220kV Trung - Nam liên tục ở mức cao, trung bình chiếm từ 17 đến 25% sản lượng tiêu thụ điện của miền Nam.
 
PV. Thưa ông, NPT xác định đâu là trọng tâm đầu tư phát triển trong giai đoạn tới để có thể trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu trong khu vực ASEAN vào năm 2020 cũng như tiến tới đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện ?
 
Ông Tạ Việt Hùng: Trọng tâm đầu tư phát triển trong thời gian tới theo mục tiêu chiến lược mà Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đề ra, đó là trở thành một trong bốn tổ chức Truyền tải điện hàng đầu ASEAN vào năm 2020, đến năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện. 
 
Hiện nay về quy mô lưới điện truyền tải quốc gia đã nằm trong top 4 của ASEAN và tương đương top 10 châu Á. Tuy nhiên về trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, vận hành lưới điện vẫn còn một khoảng cách tương đối với các nước hàng đầu khu vực. Để phát triển bền vững lưới điện truyền tải, cũng như đạt được mục tiêu này, NPT đã đề ra 7 nhóm giải pháp lớn để triển khai thực hiện, bao gồm nhóm giải pháp vận hành an toàn các đường dây và trạm biến áp. Hai là đầu tư mở rộng kết hợp với cải tạo, nâng cấp, đầu tư chiều sâu để Việt Nam có một hệ thống lưới điện truyền tải hiện đại và thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, liên kết với lưới điện truyền tải các nước trong khu vực. Ba là, đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động của EVNNPT. Bốn là, xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch; tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu EVNNPT và đề án đổi mới tổ chức và quản lý của các đơn vị giai đoạn từ nay đến 2025 có xét đến 2040. Năm là, thực hiện tin học hóa các lĩnh vực quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý và tăng năng suất lao động. Sáu là, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, ứng dụng công nghệ 4.0. Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung phục vụ công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.
 
Cụ thể một số nhóm giải pháp lớn như về khoa học công nghệ cũng được xây dựng theo các mốc trong Chiến lược, đến năm 2020 sẽ phải tạo lập được hệ thống truyền tải điện thông minh; Đến năm 2025 phải phát triển được hệ thống truyền tải điện thông minh và đến năm 2030 phải hoàn thiện được hệ thống truyền tải điện thông minh. Đối với giải pháp trong đầu tư xây dựng, trong giai đoạn đến năm 2020, NPT sẽ tập trung vào xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ hiện đại, bước đầu phát triển lưới điện thông minh. Giai đoạn đến năm 2025 sẽ phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại và đến năm 2030 thì phải phát triển hoàn thiện hệ thống điện quốc gia hiện đại cũng như là hoàn thiện hệ thống lưới điện thông minh. Đối với giải pháp quản lý vận hành, trong giai đoạn đầu sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện, từng bước ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mới trong vận hành lưới điện, từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý vận hành và thí nghiệm, sửa chữa. Đến giai đoạn thứ 2 (2025) sẽ hình thành đội ngũ quản lý, vận hành chuyên nghiệp. Về giải pháp phát triển nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp để hướng tới việc quản trị chuyên nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu, tương ứng với tầm của khu vực Châu Á và thế giới theo Chiến lược phát triển của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.
 
PV. Thưa ông, hiện đại nghĩa là phải gắn với công nghệ với chất lượng nguồn nhân lực trong điều kiện của cuộc CMCN 4.0 đang phát triển. NPT thực hiện yêu cầu này như thế nào, thưa ông ?
 
Ông Tạ Việt Hùng: Đúng là hiện đại bao giờ cũng phải gắn với chất lượng nguồn nhân lực. Nếu nói về công nghệ thì hiện nay trên hệ thống lưới điện quốc gia tôi có thể nói rằng thiết bị sử dụng trên lưới điện truyền tải đã tương đương với các công nghệ truyền tải điện trên thế giới cả về thiết bị nhất thứ và nhị thứ. Tuy nhiên phần ứng dụng công nghệ mới trong điều khiển, giám sát, quản lý tài sản vẫn còn hạn chế.
 
Về chất lượng nguồn nhân lực, NPT đã xây dựng được đội ngũ công nhân kỹ thuật và thí nghiệm bảo dưỡng cơ bản đáp ứng được với yêu cầu quản lý vận hành lưới điện. Tuy nhiên đối với nguồn nhân lực chất lượng cao như đội ngũ chuyên gia kỹ thuật thì rõ ràng ở thời điểm này đang còn thiếu. Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đang triển khai kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu. Có được nguồn nhân lực chất lượng cao này mới đảm bảo được việc ứng dụng công nghệ mới cũng như những tiến bộ của khoa học công nghệ, của những thành tựu của cuộc CMCN4.0 vào trong lĩnh vực truyền tải. 
 
PV. Vậy phải cần những điều kiện, cơ chế chính sách gì để thực hiện và đạt được những mục tiêu đề ra ?
 
Ông Tạ Việt Hùng: Theo tôi cần có 3 điều kiện cơ bản. Thứ nhất vẫn phải là chất lượng nguồn nhân lực. Phải đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong các lĩnh vực hoạt động và phải vươn ra ngang tầm thế giới thì mới đòi hỏi được là hệ thống lưới điện truyền tải ngang tầm với các nước khu vực và trên thế giới. Thứ 2 là phải ứng dụng thành công KHCN, đặc biệt các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 trong quản lý vận hành, quan lý tài sản và quản trị doanh nghiệp. Và, yêu cầu thứ 3 là phải đảm bảo các công trình, dự án đầu tư đúng tiến độ đề ra, kể cả các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng như các dự án đầu tư ứng dụng KHCN và công nghệ mới. 
 
PV. Xin trân trọng cảm ơn ông !
 
Nguyên Long/Icon.com.vn