Xây dựng trạm biến áp không người trực: Còn nhiều thách thức

Thứ hai, 12/1/2015 | 13:57 GMT+7
Một trong những ưu điểm của trạm biến áp (TBA) không người trực là tăng cường khả năng truyền tải và độ an toàn, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia. Mặc dù việc nghiên cứu để áp dụng khá lâu nhưng đến nay, việc triển khai TBA không người trực vẫn còn nhiều thách thức.

Giải pháp tối ưu cho hệ thống điện

Hiện EVN có khoảng trên dưới 590 TBA ở các cấp điện áp từ 110-500kV và con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Trước đây, chức năng điều khiển từ xa, giám sát các TBA chỉ giới hạn ở khả năng thao tác đơn giản như đóng cắt máy, còn lại các thao tác vận hành khác đều thực hiện thủ công trên thiết bị. Nghĩa là thiết bị không đồng bộ, không có hệ thống tích hợp thông tin và xử lý cảnh báo chung.

Theo ông Phan Lê Vinh - Trưởng ban Kỹ thuật Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các TBA không người trực là giải pháp tối ưu cho hệ thống điện vì nó được quản lý vận hành tự động, nâng cao năng suất lao động, giảm tối đa nhân lực; giảm thiểu đầu tư cáp, các thiết bị trung gian, nâng cao độ tin cậy làm việc chính xác của thiết bị, bảo đảm cung cấp điện an toàn liên tục, giải quyết được vấn đề quá tải; giảm thiểu sự cố do thao tác nhầm của người vận hành, nâng cao mức độ an toàn cho người vận hành và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường điện. Theo tính toán, mỗi TBA hiện nay trung bình có 10 người trực, với mức lương bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, nếu triển khai TBA không người trực cho toàn hệ thống, mỗi năm, EVN sẽ tiết kiệm khoảng 495 tỷ đồng chi phí tiền lương.

Tính ưu việt của TBA không người trực đã rõ ràng nhưng đến nay, các đơn vị trực thuộc EVN mới đang trong quá trình chuẩn bị hoặc triển khai một phần. Duy chỉ có Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang triển khai hệ thống giám sát điều khiển, thu thập dữ liệu và quản lý điện năng (scada) và TBA 110kV không người trực ở 21 tỉnh phía Nam nhưng dự kiến đến quý 4/2016 mới hoàn thành.

Những thách thức không nhỏ

Dù chưa có số liệu chi tiết nhưng để xây dựng một TBA không người trực cần đầu tư khoảng 2,3 tỷ đồng, bao gồm các thiết bị tín hiệu để điều khiển từ xa cho cả 110kV và 22kV; hệ thống video giám sát; nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy; cải tạo, nâng cấp kiến trúc, thiết bị và đào tạo nhân viên. Đối với dự án TBA không người trực do EVNSPC đang triển khai, ít nhất cũng cần 1,2 tỷ đồng/trạm để đầu tư thêm hệ thống video giám sát từ xa, phòng cháy chữa cháy và cải tạo trạm. Việc cải tạo, chuyển đổi các trạm có người trực sang TBA không người trực cũng rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Như vậy, để triển khai ở tất cả các đơn vị, ngành điện sẽ cần số vốn hàng nghìn tỷ đồng nữa. Đây cũng là thách thức của ngành điện khi nguồn tài chính còn gặp khó khăn. Mặt khác, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động dôi dư từ các TBA không người trực không hề đơn giản, nhất là ngành điện đang phải chịu sức ép tăng năng suất lao động.

Một thách thức nữa đó là vấn đề bảo vệ và an ninh mạng. Vì hệ thống vận hành tự động, giám sát từ xa nên bắt buộc phải có sự trợ giúp của công nghệ thông tin, mạng internet. Trên thực tế, hệ thống lưới điện cao áp và siêu cao áp ở Việt Nam trải dài, địa hình phức tạp. Các TBA cách xa nhau nên sẽ ảnh hưởng tới khả năng vận hành TBA không người trực nếu xảy ra sự cố như phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt, phá hoại.

Xây dựng các TBA không người trực, hoặc ít người trực là hướng đi tất yếu nhằm thực hiện lộ trình lưới điện thông minh. Tuy nhiên để đẩy nhanh tiến độ, phát huy những ưu điểm hạn chế khuyết điểm của loại TBA này đòi hỏi ngành điện phải nỗ lực rất nhiều khi áp dụng cho phù hợp và hiệu quả.
 
Theo: Công Thương