Theo ông Phúc, sở dĩ EVN phải xin cơ chế đặc biệt cho Dự án là do Dự án này đã được Công ty Viễn thông Điện lực và Công ty VSLN-International ký hợp đồng nguyên tắc hợp tác từ đầu tháng 4 nhưng trong quá trình đàm phán hợp đồng lần cuối, hai bên đã gặp phải một số vướng mắc do có sự không tương thích giữa thủ tục đầu tư giữa Việt Nam và Xinggapo; khiến việc triển khai các bước tiếp theo cũng bị chậm lại. Nếu được Chính phủ sớm phê duyệt, việc triển khai đầu tư xây dựng sẽ chỉ mất khoảng 1 năm. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, Công ty Viễn thông Điện lực và đối tác VSLN-International (Công ty hiện sở hữu tuyến cáp quang biển bao phủ toàn Châu Âu và là một trong những nhà khai thác cáp quang biển lớn nhất thế giới) sẽ đem đến cho các khách hàng một hệ thống hạ tầng ổn định với chất lượng dịch vụ được cung cấp tốt hơn.
Ông Phúc cũng cho biết, Tuyến cáp quang biển IA sử dụng công nghệ quang ghép phân chia theo bước sóng mật độ cao DWMA với tổng chiều dài của hệ thống cáp lên tới 6.800 km. Hệ thống cáp này kết nối điểm cập bờ tại Xingapo, Việt Nam, Philippin, Hồng Công, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Guam. Hệ thống này cũng được kết nối chuyển tiếp tới Mỹ thông qua hệ thống cáp sẵn có của TGN-P tại Nhật Bản và có kết nối chuyển tiếp tới Tây Âu thông qua hệ thống cáp sẵn có của TIC tại Xingapo. Dung lượng ban đầu của tuyến cáp quang biển này là 320 Gbps và sẽ nâng cấp lên 5,6 Tbps.
Dự kiến, điểm cập bờ của tuyến cáp quang biển tại Việt Nam là Vũng Tàu và hệ thống này sẽ được đưa vào khai thác trong quí I/2008./.