Ðiện 3 pha an toàn cho nghề nuôi tôm

Thứ tư, 5/10/2022 | 13:18 GMT+7
Hầu hết các vùng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều đảm bảo đủ điện 3 pha. Ðây là kết quả cho thấy sự nỗ lực không ngừng của các sở ngành, đơn vị có liên quan, đặc biệt là ngành điện.
 
Nhờ sự quan tâm đầu tư, hiện nay hầu hết các vùng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ điện 3 pha phục vụ nghề nuôi tôm.
 
Hiện nay, diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đạt trên 6.632 ha với 8.194 hộ nuôi. Trong đó, tôm siêu thâm canh 4.202 ha, còn lại là tôm thâm canh. Mặc dù diện tích chưa thật sự quá lớn nhưng lại nằm rải rác ở nhiều nơi khiến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là điện 3 pha phục vụ nghề nuôi gặp rất nhiều khó khăn và nguồn vốn đầu tư lớn.
 
Còn nhớ giai đoạn năm 2018, khi diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, ngoài vấn đề quy hoạch thì tình trạng thiếu điện 3 pha phục vụ nghề nuôi cũng như sử dụng điện thiếu an toàn trở thành dòng thời sự nóng của tỉnh. Trong giai đoạn này, có thời điểm tồn tại hơn 3.494 hộ đang sử dụng điện phục vụ nghề nuôi tôm chung với điện sinh hoạt, thiếu an toàn. Theo đó, nguồn vốn cần trong thời điểm này là gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư lưới điện trung áp, lưới điện hạ áp và các trạm biến áp cấp điện cho các khu nuôi tôm công nghiệp.
 
Xác định điện 3 pha là nhân tố quan trọng góp phần quyết định thành công nghề nuôi, UBND tỉnh cũng như Công ty Ðiện lực tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển lưới điện tại các vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn.
 
Theo đó, thời gian qua, hàng năm Công ty Ðiện lực Cà Mau đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển hạ tầng lưới điện phục vụ nghề nuôi tôm. Tiêu biểu trong năm 2022, Tổng Công ty Ðiện lực miền Nam bố trí 429,6 tỷ đồng đầu tư cấp điện trên địa bàn tỉnh để đóng điện 10 công trình lưới điện phân phối 22kV.
 
Ðể đảm bảo nguồn điện đáp ứng nhu cầu của người dân nói chung và người nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, ngành điện tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đầu tư phát triển lưới điện trung áp, lưới điện hạ áp và các trạm biến áp cấp điện cho các khu nuôi tôm công nghiệp cũng như các nhà máy chế biến.
 
Ông Nguyễn Văn Ðô, Giám đốc Sở Công thương, nhận định, hiện nay số diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh hầu hết đã được bố trí đủ điện 3 pha để phục vụ nghề nuôi cho bà con. Nhờ đó đã góp phần nâng dần năng suất, hiệu quả của mô hình.
 
Những nỗ lực trong đầu tư nâng cấp lưới điện thời gian qua không chỉ góp phần đưa nghề nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phát triển ổn định, mà còn đảm bảo cấp điện an toàn liên tục phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðến thời điểm hiện tại, Công ty Ðiện lực Cà Mau đang quản lý vận hành 1 trạm biến áp 220/110kV với 2 máy tổng dung lượng 500MVA; 10 trạm biến áp 110/22kV với 16 máy, cùng với đó là 18 tuyến đường dây cao thế với chiều dài hơn 255 km; chiều dài đường dây trung thế hơn 5.477 km; chiều dài đường dây hạ thế hơn 7.403 km và 9.895 trạm biến áp, cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác.
 
Với sự phát triển đồng bộ của nguồn điện 3 pha, giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi, khoa học - kỹ thuật… đã góp phần đưa ngành tôm của tỉnh ngày một phát triển, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm vượt mốc 1 tỷ USD và đang tiếp tục trên đà phát triển.
 
Theo: Báo Cà Mau