Sự kiện

45 năm ngày thành lập Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC: Qua khó khăn, vẫn vững tay chèo

Thứ tư, 1/10/2014 | 10:40 GMT+7
Cách đây tròn 45 năm, ngày 6.10.1969, Côngty Điện lực (tiền thân của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) được thành lập theo Quyết định số 106/QĐ-TC của Bộ trưởng Bộ Điện và Than. Từ đó đến nay, Tổng Công ty tiếp tục sự nghiệp đổi mới, luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ ngày 21.12.1954: “Tăng năng suất lao động. Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện”.

Từ một Cục quản lý nhà nước chuyển sang hình thái sản xuất kinh doanh hạch toán độc lập, đồng thời làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện năng (phía Bắc), có thể nói đây là bước chuyển hóa quan trọng về cơ chế, tạo bước ngoặt đối với sự nghiệp phát triển ngành điện lực Việt Nam.

Bước ngoặt đổi mới

Từ những ngày đầu thành lập, trong bối cảnh nguồn và lưới điện với cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, trình độ tự động hóa thấp, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Công ty phải chỉ đạo khẩn trương khôi phục sản xuất, củng cố các mặt quản lý, sắp xếp lại tổ chức, chuẩn bị điều kiện vật chất - kỹ thuật để vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa xây dựng và mở rộng các công trình điện mới.

Trong những năm ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, nhiều nhà máy (NM) điện và các trạm biến áp đầu mối bị đánh phá ác liệt như: NM điện Vinh (Nghệ An), NM điện Thượng Lý (Hải Phòng), NM điện Uông Bí (Ninh Bình), Yên Phụ (Hà Nội), NM điện Thác Bà (Yên Bái), NM điện Thanh Hóa (Thanh Hóa),... Đặc biệt, trong tháng 6.1972, NM điện Uông Bí, NM điện Vinh bị đánh phá tới 6 lần. Cuối tháng 12.1972 lại diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt nhất trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”. Qua hai đợt đánh phá miền Bắc của Mỹ, các cơ sở của Công ty Điện lực đã phải đương đầu với 1.634 trận đánh phá, nhưng vẫn tập trung với tinh thần “vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu”.

Đến cuối năm 1973, đã đưa 12 lò hơi, 11 tổ máy vào vận hành, nâng công suất lên 231 MW, phục hồi được 186 km đường dây cao thế, toàn bộ đường dây hạ thế, 12 trạm biến áp 110 kV và các trạm trung gian, sản lượng điện được nâng cao, chất lượng điện được cải thiện rõ rệt.

Sau 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, 121 CB-CNV của Công ty đã anh dũng hy sinh vì dòng điện thân yêu. Đất nước thống nhất, Công ty đã lựa chọn cán bộ giỏi, công nhân viên có tay nghề cao, cử vào giúp đỡ khôi phục NM thủy điện Đa Nhim và đường dây 230 kV Đa Nhim - Sài Gòn; điều phối lực lượng hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt cho Công ty Điện lực miền Nam và Cty Điện lực miền Trung (tiền thân của Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung ngày nay).

Thực hiện Kế hoạch 5 năm 1976-1980, Công ty đã chỉ đạo sát sao việc khảo sát, thi công các NM nhiệt điện Phả Lại, thuỷ điện Hoà Bình; khôi phục, hoàn chỉnh các trạm 110 kV, xây mới đường dây 220 kV đầu tiên ở miền Bắc, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối, cải tạo lưới điện hạ thế của các thành phố lớn, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội. Đến cuối năm 1980, tổng cộng suất nguồn đạt 590,4 MW; đường dây điện các cấp điện áp từ 3kV đến 110kV có 9.286,5 km; tổng dung lượng máy biến áp các loại là 2.560 MVA, công suất sử dụng của công nghiệp trung ương tăng hơn 1,6 lần, của công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần; công suất sử dụng cho bơm thuỷ lợi tăng 1,2 lần.

Năm 1981, Bộ Điện lực được thành lập và Công ty Điện lực miền Bắc được điều chuyển về trực thuộc Bộ Điện lực và đổi thành Công ty Điện lực 1. Công ty bắt đầu tiếp nhận các lưới điện và các tổ chức quản lý lưới điện đấu nối với lưới điện quốc gia như Thái Bình, Hải Dương, Hà Tuyên… và các lưới điện phụ tải do các địa phương quản lý. Từ năm 1988-1990, tiếp nhận các tổ chức và lưới điện của các địa phương nằm ngoài hệ thống như Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu và tiếp nhận hầu hết các tổ chức quản lý điện của các huyện trên miền Bắc.

Năm 1987, Bộ Năng lượng được thành lập (trên cơ sở sáp nhập các Bộ Điện lực với Bộ Mỏ và Than). Công ty Điện lực 1 là đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Bộ Năng lượng. Thành tựu nổi bật của thời kỳ này được mở đầu bằng việc đưa 4 tổ máy (440 MW) của nhiệt điện Phả Lại vào vận hành, tránh được tình trạng “ăn đong” về công suất, nâng sản lượng điện lên hàng tỉ kWh (năm 1986, sản xuất đạt sản lượng 2,759 tỉ kWh, tăng hơn 7,06% so với năm 1985; năm 1987, đạt 3,064 tỉ kWh; năm 1988, sản xuất đạt 3,870 kWh…). Cuối tháng 12.1988, tổ máy 1 của NM Thuỷ điện Hoà Bình được đưa vào vận hành an toàn, liền sau đó hằng năm đưa thêm từ 1 đến 2 tổ máy khác vào hoạt động, tăng thêm 20% sản lượng điện, tạo sự chuyển biến về chất của hệ thống điện miền Bắc.

Năm 1990, Công ty đã đưa điện về phục vụ miền Trung, giải quyết phần lớn việc thiếu điện của khu vực này. Việc đưa vào vận hành đường dây 110 kV Thái Nguyên - Cao Bằng, trạm 110 kV Tuyên Quang (năm 1990), các đường dây Mộc Châu - Mai Châu, Cẩm Phả - Tiên Yên và trạm 110 kV Tiên Yên…, đã đưa điện lưới quốc gia (lưới 110 kV) đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Năm 1995, cùng với sự ra đời của TCty Điện lực VN (EVN), Công ty Điện lực 1 được chuyển về trực thuộc EVN. Công ty chuyển sang một giai đoạn mới, thực hiện cơ chế: Kinh doanh điện năng và phát triển lưới điện trên miền Bắc.

Tăng tốc

Giai đoạn 2000-2009, Công ty Điện lực 1 có tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt từ 10,3-13%, đã thực hiện đưa điện về 220/222 huyện (99%), 4.406/4605 xã (95,7%) và 5.128.715 số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia (93%). Năm 2007, Công ty được trao “Cúp vàng ISO” và ông Nguyễn Phúc Vinh - GĐ Công ty - được trao biểu tượng “Nhà quản lý giỏi năm 2007”. Năm 2010, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 1 và tiếp nhận trở lại các Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình.

Tổng Công ty được tổ chức theo hình thức Công ty TNHH MTV, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, đã đánh dấu sự chuyển biến lớn về sự phát triển của Tổng Công ty. Giai đoạn 2010-2014 có nhiều diễn biến khó khăn và phức tạp, bởi hậu quả thiên tai, sự tác động mạnh của suy thoái kinh tế trong nước và trên thế giới, giá cả leo thang... Dù vậy, với nhiều nỗ lực, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của Tổng Công ty vẫn giữ mức 11-12%; ổn định việc làm với thu nhập bình quân người lao động hằng năm tăng 7-8%.

Tổng Công ty cũng đã ưu tiên tập trung đầu tư các công trình trọng điểm cấp điện cho các KCN lớn tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh,... đồng thời chú trọng phát triển lưới điện nông thôn. Đến hết năm 2013, trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cung ứng điện, có 100% số huyện, 99% số xã, 96,9% số hộ dân có điện lưới quốc gia. Năm 2014 đã mang dấu ấn lịch sử lớn với việc xây đường dây cáp ngầm xuyên biển, đưa điện ra huyện đảo Cô Tô, sau một thời gian kỷ lục 345 ngày đêm lao động.

Song hành với công tác chuyên môn, Tổng Công ty luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ công tác giữa tổ chức đảng - chuyên môn - công đoàn gắn bó, đoàn kết, nhất trí cao và hiệu quả; chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của CBVC và người lao động. Với những cống hiến to lớn trong 45 năm qua, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều Cờ thi đua, Huy chương, Bằng khen của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Đó là niềm vinh dự và tự hào của hơn 28.000 người lao động trong toàn Tổng Công ty.
 
Theo: Lao động