Lễ Khánh Dự án cáp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm ngày 28/9. Ảnh: Ngọc Hà
Phát biểu tại Lễ Khánh Dự án cáp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm ngày 28-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Đưa điện ra huyện đảo Lý Sơn là dự án quan trọng để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân huyện đảo và đảm bảo quốc phòng an ninh cho Tổ quốc. Thủ tướng đánh giá cao Chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn cùng hợp lực, dốc sức để công trình hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng, bảo đảm chất lượng, vận hành an toàn, hiệu quả và mong rằng chính quyền, nhân dân Lý Sơn phát huy hiệu quả từ dự án, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.
Nói đến Lý Sơn, tôi vẫn thường mường tượng thấy hình ảnh về một hòn đảo nhỏ, một trong những hòn đảo tiền tiêu thuộc tỉnh Quảng Ngãi nằm chơi vơi ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ bốn bề sóng nước mênh mông. Địa danh ấy, tôi đã nhiều lần dò tìm trên bản đồ hành chính, đã từng ước ao được đến thăm dẫu chỉ một lần. Và cơ may ấy đã đến...
Chúng tôi ra với Lý Sơn vào một ngày cuối tháng 9, một ngày biển lặng. Chuyến tàu rời cảng Sa Kỳ vào 2 giờ chiều, nắng chói chang, gió biển mát rượi, mặn mòi. Con tàu lướt êm trên mặt nước trong veo. Sau cuộc hành trình hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đặt chân lên đất Lý Sơn.
Huyện đảo Lý Sơn sầm uất và đông đúc chẳng khác gì một thị trấn nơi đất liền. Cũng những dãy phố dọc ngang với đường thảm nhựa trải dài. Cũng những căn nhà san sát kiên cố, khang trang. Đây đó đã mọc thêm vài Nhà nghỉ cao tầng theo lối kiến trúc hiện đại, nghe bà con dân đảo nói, được khởi công xây dựng cùng thời điểm đưa điện lưới quốc gia ra đảo. Có khác chăng chỉ bởi khung cảnh ấy được đặt sát bờ biển, nơi những con sóng quanh năm ào ạt vỗ trắng bờ. Bằng sự hồ hởi và những cái nắm tay thân tình, nhân dân huyện đảo Lý Sơn đã tạo cho chúng tôi những ấn tượng đầu tiên khó quên về một cuộc đón tiếp thật cởi mở, chân tình, xoá nhoà cảm giác bỡ ngỡ của những vị khách ra với đảo.
Huyện đảo Lý Sơn về đêm. Ảnh: Ngọc Hà
Huyện Lý Sơn, còn gọi là Cù Lao Ré, là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1992 và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó. Lý Sơn, chỉ là tên riêng của 2 hòn đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh (huyện lỵ - Đảo lớn), An Hải(Đảo lớn) và An Bình (đảo Bé). Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm. Các mạch nước ngầm nóng, dưới chân núi lửa, cung cấp nhiệt năng để sản xuất điện phục vụ sinh hoạt cho Lý Sơn. Có thể ví quần đảo Lý Sơn như một bức thành vững chãi trấn giữ phía biển Đông Bắc của Tổ quốc mà tạo hoá đã ưu ái ban cho chúng ta.
Ngược dòng lịch sử, các dấu vết khảo cổ từ thời văn hóa Sa Huỳnh có từ sớm hơn 200 năm trước công nguyên đã được tìm thấy trên đảo. Đảo Lý Sơn còn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Về mặt quốc phòng, là chốt tiền tiêu thuộc vành đai bảo vệ phía Đông của Tổ quốc. Ý nghĩa tiền tiêu của Lý Sơn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được lịch sử khẳng định. Đội Hoàng sa kiêm quản Bắc Hải được thành lập thời nhà Nguyễn, hàng năm xuất phát từ Lý Sơn thực hiện nhiệm vụ được Triều đình giao phó: đo đạc địa hình, bảo vệ và cắm mốc chủ quyền, quản lý các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về mặt kinh tế, Lý Sơn nằm án ngữ một trong những con đường lớn nhất vươn ra biển Đông từ cảng Dung Quất của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung; có điều kiện kết nối giao thông - vận tải hàng hải với cả hai cảng biển: Cảng biển nước sâu khu công nghiệp Dung Quất và cảng Sa Kỳ; có tiềm năng rất lớn về đánh bắt, dịch vụ hải sản, du lịch và trồng trọt. Về ý nghĩa lịch sử và văn hóa, Lý Sơn lưu giữ quá trình phát triển lâu dài của các cộng đồng dân cư, tiếp biến từ nền văn hóa Sa Huỳnh cổ xưa từ 3000 năm trước, đến văn hóa Chăm Pa những thế kỷ đầu Công nguyên và văn hóa cộng đồng người Việt khai khẩn lập nghiệp từ cuối thế kỷ XVI.
Đảo Lý Sơn không có mùi mặn mòi đặc trưng của biển cả như ở Phú Quốc, Phan Thiết mà đi đâu trên đảo cũng có mùi thơm hăng, ngan ngát của tỏi, của hành tím. Cái mùi không thể trộn lẫn vào đâu được. Ở đảo, núi non chiếm diện tích chủ yếu, đất đai ít nên người dân xứ đảo khai thác tối đa, tỏi và hành được trồng ở khắp nơi. Cả đảo diện tích trồng tỏi chiếm gần 300 ha. Trên đảo không chỉ thấy những ruộng tỏi bao la mà bất cứ chỗ nào cũng được tận dụng triệt để, một rẻo đất cũng được quây lại thành những mảnh vườn xinh xinh trồng tỏi; từng vạt đất nhỏ quanh nhà cũng trở thành những vườn tỏi được người dân lấy đá dựng quanh thành bờ rào để đất cát khỏi bị “trôi” theo gió biển, tạo cảnh quan lạ mắt và khá đẹp.
Dù hành, tỏi có làm "cay mắt" người nông dân mưa nắng, dãi dầu nhưng cũng nhờ hành, tỏi mà cuộc sống của người dân được cải thiện, con em được cắp sách đến trường. Với diện tích khoảng 10 km2, bao đời qua, về cơ bản đời sống người dân đảo Lý Sơn gắn liền với biển. Thế nhưng, Lý Sơn nổi tiếng với sản phẩm nông nghiệp hàng đầu là tỏi chứ không phải sản phẩm của biển như nước mắm, tôm khô… Nghề nông ở Lý Sơn không trồng lúa mà chủ yếu là trồng tỏi. Nhân dân Lý Sơn còn tận dụng đất để trồng hành, trồng bắp, trồng đậu, trồng mè… Các loại cây này thì xoay vòng nhiều vụ, song hiệu quả kinh tế thấp chả ăn thua.
Cùng với những khó khăn chung như tất cả những vùng đảo khác của Tổ quốc, Lý Sơn gặp khó khăn lớn về điện. Từ tháng 7-1999, tại 2 xã An Vĩnh và An Hải thuộc đảo Lớn đã có điện được cung cấp từ tổ máy phát điện 340 kW chạy bằng dầu diesel và 2 trạm biến áp phụ tải 160 kVA do UBND huyện Lý Sơn quản lý. Lúc đầu, mỗi xã được dùng điện luân phiên đêm có, đêm không, mỗi đêm có điện từ 4 – 5 tiếng. Đến đầu năm 2002, địa phương bàn giao lại cho ngành Điện quản lý. Sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực Miền Trung) đã chủ trương lắp đặt bổ sung 8 tổ máy phát điện, công suất khả dụng 3.000 kW, cải tạo nâng cấp 9,6 km đường dây trung áp, 18,7 km đường dây hạ áp, 14 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 3.520 kVA để cấp điện cho nhân dân 2 xã trên đảo Lớn. Mặc dù được UBND tỉnh Quảng Ngãi và ngành điện quan tâm đầu tư nguồn điện, nhưng cũng chỉ cung cấp 6 giờ/ngày vào ban đêm, chủ yếu phục vụ ánh sáng sinh hoạt; điện phục vụ các nhu cầu phát triển sản xuất, du lịch, an ninh quốc phòng trên đảo rất hạn chế.
Đã có nhiều phương án cấp điện cho đảo Lý Sơn được nghiên cứu và cân nhắc lựa chọn: Cấp điện bằng nguồn nhiệt điện, bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cấp điện từ hệ thống điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Sau quá trình xem xét, phương án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển được đánh giá là phương án đảm bảo nguồn điện ổn định lâu dài và khả thi nhất.
Lý Sơn được ban tặng một vẻ đẹp hoang sơ độc đáo. Nước biển nơi đây luôn xanh trong, những gành đá vàng rực, những rạn san hô đẹp đẽ ẩn dưới làn nước trong vắt, những sườn núi thoai thoải trầm mặc... Và đặc biệt ấn tượng là loài hoa mang sắc trắng pha tím đến nao lòng, khiêm nhường chỉ nở về đêm, mỗi lần chỉ nở một bông và cứ thế kế tiếp nhau khoe sắc, đó là cây bàng vuông. Bàng vuông Lý Sơn cứ xanh ngăn ngắt giữa nắng và gió mặn mòi. Và từ cánh hoa nở về đêm đó, khi thành quả rồi rụng xuống và quánh lại một màu nâu lẫn với đất mẹ, ẩn tàng trong đó một sức sống mãnh liệt. Hơn cả một loài cây, bàng vuông cùng với phong ba đã trở thành biểu tượng về sự kiên cường nhưng thầm lặng của người dân biển đảo Lý Sơn.
Cũng như người dân biển đảo, bàng vuông thích bó bện mà không ưa sự chia lìa, tan đàn xẻ nghé. Người xưa hay vận cái câu “cùng hội cùng thuyền” để nói về sự đoàn kết, bó bện. Nhưng chắc rằng, không ai thấm cái phương ngôn ấy bằng những người làm nghề đi biển. Khi đứng nhìn ngắm cây bàng vuông, loài cây gợi lên trong tôi về sức sống, sức bám trụ mãnh liệt trên một hòn đảo giữa bát ngát sóng gió trùng khơi. Tự dưng tôi lại nhớ đến tên của một phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc với chủ đề: “Giữ đảo bình yên”, đó là một phong trào đã và đang được nhân dân Lý Sơn thực hiện rất tích cực và hiệu quả. Hoá ra ở nơi đây, khát vọng hoà bình và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ đã ăn sâu vào ý thức của mỗi con người, mà nó dường như còn hoá thành bản năng của của cả một loài thực vật trong cái thế đứng vững vàng dường ấy.
Thời gian ở Lý Sơn không nhiều để có thể tìm hiểu cặn kẽ và sâu sắc tất cả, nhưng cũng đủ để tôi có một cái nhìn bao quát và rõ nét thêm về một vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Tạm biệt Lý Sơn, khi con tàu quay mũi, tôi còn kịp nhìn thấy những nụ cười hiền hậu vẫn tươi rói trên nét mặt rạng ngời của người dân đảo trong ngày đầu tiên đón dòng điện quốc gia. Những lá cờ đỏ sao vàng trên các nóc nhà vẫn tung bay phấp phới, kiêu hãnh và kiên trung như đất và người Lý Sơn - huyện đảo tiền tiêu vững vàng nơi đầu sóng./.