Sự kiện

Công đoàn Công ty Điện lực Bình Định: Chỗ dựa vững chắc của người lao động

Thứ tư, 17/7/2013 | 15:05 GMT+7
Đã hơn 38 năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc, Công đoàn Điện lực Bình Định luôn sát cánh với chính quyền cùng cấp, thực hiện chức năng của mình và đã có bề dày lịch sử 38 năm đáng tự hào.

Từ giai đoạn Công đoàn… tiếp quản: 4/1975

14 giờ ngày 31/3/1975, sau trận đánh “giáp lá cà” giữa bộ đội ta và đoàn xe mở đường máu của ngụy quân từ Tây Nguyên rút chạy trên đường 19 xuống biển Quy Nhơn, Thị xã Quy Nhơn hoàn toàn giải phóng!. Đoàn tiếp quản do Liên hiệp Công đoàn Tỉnh cử đồng chí Võ Hồng làm trưởng đoàn về tiếp quản Ty Điện lực Quy Nhơn và Khu Điện lực miền Trung. Đêm 31/3/1975, toàn thị xã Quy Nhơn chìm trong bóng tối. -“ Lẽ nào cách mạng về lại không có điện ?” Đó là suy nghĩ của anh Nguyễn Thế Mỹ và đội công nhân tình nguyện gồm Hà Xuân Ba, Phạm Châu… Cùng thống nhất hành động: đến nhà từng công nhân và cán bộ kỹ thuật nhà máy điện Diesel vận động họ tiếp tục về vị trí công tác, khôi phục lại nguồn và lưới điện cho địa phương.

Một số cán bộ kỹ thuật và công nhân đã di tản, số còn lại ngần ngại không đến, nhưng với sự vận động nhiệt tình của Đội công nhân tình nguyện do Nguyễn Thế Mỹ dẫn đầu đã thuyết phục được đa số đội hình vận hành được nguồn điện sau tiếp quản.

8 giờ 30 sáng ngày 01/4/1975, tiếng máy phát điện Diesel đã vang lên, chỉ trừ những khu vực bị rã lưới do chiến sự, toàn thị xã Quy Nhơn bất ngờ có điện!

Nguyễn Thế Mỹ được bầu làm Chủ tịch Công đoàn lâm thời với nhiệm vụ: cùng với Ban tiếp quản vận động cán bộ, công nhân bảo quản, khôi phục nhà máy phát điện Diesel và chăm lo đời sống cho người lao động của ngành Điện ở Bình Định.

Khi tiếp quản nguồn và lưới điện của nhà máy điện tại thị xã Quy Nhơn, sau đó là Quãng Ngãi, 2 nhà máy chỉ có 14 tổ máy phát điện bằng Diesel với tổng công suất lắp đặt 14.600kW, còn lưới điện thì quá cũ nát. CBCNV phải vừa tích cực sửa chữa phục hồi để vừa đưa vào sử dụng lại và vận hành được tổng sản lượng điện 14 triệu kWh/năm.

Trong những ngày hoạt động Công đoàn đầu tiên ấy, giữa bề bộn công tác chuyên môn khôi phục nguồn và lưới điện cho các phụ tải quan trọng của chính quyền cách mạng và phục vụ đời sống nhân dân, chức năng nhiệm vụ của Công đoàn Điện lực tuy chưa hoàn thiện nhưng đã góp phần đáp ứng đúng nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Công đoàn đã có sự phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo “Nhà máy đèn Quy Nhơn” tổ chức ngay đợt thi đua đầu tiên với mục tiêu: “Bảo dưỡng nguồn, lưới điện, thu hồi các thiết bị kỹ thuật và phụ tùng nhà máy”. Trong đợt thi đua này, Công đoàn đã hiến kế khai thác, bảo quản 100.000 lít dầu Diesel và 10.000 lít nhớt từ kho nhiên liệu dùng phát điện của ngụy quyền, không để bị thất thoát hoặc cháy nổ do chưa ai quản lý. Giá trị đem lại tiết kiệm cho nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Trong thời kỳ hoạt động này, Công đoàn cũng mang đậm dấu ấn chức năng “tổ ấm”, chăm lo đời sống cho người lao động với việc đề xuất mua 6 căn hộ tập thể tại các khu vực công tác để cán bộ, công nhân mới về có nơi ăn chốn ở ổn định công tác.
 


Công đoàn Công ty Điện lực Bình Định đón nhận Huân Chương Lao động hạng Ba năm 2009.

Đến hoạt động của Công đoàn ngành Điện Nghĩa Bình

Ngày 08/12/1976, Sở Quản lý và phân phối điện Nghĩa Bình được thành lập theo quyết định số: 3793/QĐ-TCCB-3, trực thuộc Công ty Điện lực Miền Trung trên cơ sở sáp nhập 2 nhà máy điện Quy Nhơn và Quảng Ngãi.

Sở quản lý và phân phối điện Nghĩa Bình đã từng bước tổ chức sản xuất, nâng công suất cấp điện tăng trưởng dần. Năm 1980: tổng sản lượng điện cả tỉnh là 23,33 triệu kWh và đến năm 1985 đã đạt con số: 47,75 triệu kWh - tăng 3,39 lần so với năm 1975.

Đồng chí Võ Thu và đồng chí Lê Hiếu lần lượt là Chủ tịch Công đoàn Sở Quản lý và phân phối điện Nghĩa Bình trong giai đoạn từ 5/1977 đến tháng 5/1987.

Trong giai đoạn này, Công đoàn đã cùng với chuyên môn cùng cấp tổ chức nhiều phong trào thi đua khắc phục khó khăn khôi phục nguồn, lưới điện ở 2 địa bàn Quy Nhơn - Quảng Ngãi và các địa phương cách xa 180 km. Với khẩu hiệu “nguồn điện là mạch máu của tổ quốc”, từng giọt dầu Diesel được chắt chiu, tiết kiệm để phát điện phục vụ các nhiệm vụ chính trị, khôi phục sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Hai công trình lớn mà công đoàn đã động viên CBCNV ngành Điện chuẩn bị ráo riết để phục vụ xây dựng, mang lại dấu ấn sâu sắc của giai cấp công nhân trong giai đoạn này là công trình Đại thủy nông Thạch Nham tại Quảng Ngãi và công trình Thủy điện Vĩnh Sơn tại Bình Định.

…và Công đoàn Sở Điện lực Bình Định ra đời

Thời điểm năm 1989, sau khi tách 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, Sở Điện lực Bình Định được thành lập, lúc bấy giờ sản lượng điện cung cấp riêng cho tỉnh Bình Định đã lên đến 73,33 triệu kWh.

Ngày 08/3/1996, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã ban hành quyết định số 259/ĐVN-TCCB-LĐ về việc đổi tên Sở Điện lực Bình Định thành Điện lực Bình Định, trực thuộc Công ty Điện lực 3.

Ban chấp hành Công đoàn Sở Điện lực Bình Định sau đó là Điện lực Bình Định được bầu do Đồng chí Nguyễn Phong Ba làm Chủ tịch từ năm 1986. Đến năm 2006, một BCH Công đoàn mới, trẻ trung năng động và đầy nhiệt huyết đã được bầu lên kế tục sự nghiệp Công đoàn do đồng chí Nguyễn Hữu Hà làm Chủ tịch đến nay.

Hoạt động Công đoàn trong giai đoạn này thực sự thể hiện sức phấn đấu không mệt mỏi của công nhân lao động vì dòng điện quê hương. Giai đoạn chuyển từ phương thức cấp điện Diessel sang nhận điện lưới quốc gia – chấm dứt thời kỳ “khát điện” triền miên tại vùng lõm miền Trung. Một không khí thi đua tưng bừng, hồ hởi bao trùm trên toàn tỉnh với phong trào kéo điện về địa phương, “nhà nhà làm điện, người người làm điện”. Nông thôn Bình Định đã bừng sáng với những khởi sắc về kinh tế - dân sinh. Mọi hoạt động của Công đoàn cũng hướng về phong trào thi đua chung của cả tỉnh và Công đoàn Công ty Điện lực 3 để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của ngành Điện. Điện lực Bình Định liên tục phát triển về quy mô nguồn, lưới điện, đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn này đã xây dựng được 208km đường dây 35kV; 1.628,7km đường dây 22kV, lưới điện 0,4kV dài 667km đưa điện quốc gia về 151/155 xã. Chỉ còn xã đảo Nhơn Châu, thuộc thành phố Quy Nhơn đang được cấp điện bằng Diesel tại chỗ; còn 3 xã vùng cao, vùng sâu An Toàn, An Vinh ở huyện An Lão , xã Canh Liên ở huyện Vân Canh đang tham gia dự án Điện khí hóa nông thôn “RE II” và có điện quốc gia vào cuối năm 2010.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 9 trạm biến áp 110kV, 1 TBA 220kV- nhiều nhất trong các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; 9 trạm biến áp trung gian 35/22/0,4kV và 2.241 TBA phân phối, với tổng dung lượng trên 450.000kVA.

Một đặc điểm lớn có tác động đến sức vượt khó của Công đoàn trong giai đoạn này là ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện năng, ngành Điện còn tham gia công tác dịch vụ viễn thông công cộng, một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ nhiều cơ hội những cũng tiềm ẩn không nhỏ những thách thức khó khăn với sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường. Công đoàn đã vận động đoàn viên của mình tham gia nhiệt tình, sáng tạo vào lĩnh vực này và cũng đã đáp ứng được nhiệm vụ kế hoạch được giao.

Công đoàn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới

Sau 3 năm hoạt động với vị thế mới, Công đoàn Công ty Điện lực Bình Định trực thuộc Công đoàn Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã có bước phát triển mới với việc xây dựng đội ngũ đoàn viên trưởng thành, từng bước đáp ứng mọi vị trí công tác trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng.

Đến nay, toàn Công ty có 781 CNVCLĐ, trong đó có 122 CNVC-LĐ nữ, chiếm tỷ lệ 15,58 %. Trình độ trên Đại học: 16 người, Đại học kỹ thuật: 155 người, cử nhân kinh tế: 56 người, Đại học chuyên môn khác: 12 người; cao đẳng: 33 người; Trung cấp: 207 người, Công nhân kỹ thuật: 302 người; Cử nhân và cao cấp chính trị: 01 người, Trung cấp lý luận chính trị: 39 người.

Công đoàn đã phát huy truyền thống vượt khó nhất là trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, BCH đã cùng với chuyên môn cùng cấp, đưa ra nhiều giải pháp sát, đúng tạo sức vươn mới, bảo đảm việc làm và đời sống; từng bước giải quyết tư tưởng, nguyện vọng của CNVC-LĐ trong Công ty: Không có người mất việc làm nhất là sau khi bàn giao lĩnh vực kinh doanh viễn thông. 6 tháng đầu năm 2013, thu nhập bình quân đạt 7,3 triệu đồng/ người/ tháng.

Hướng về kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2013), chúng ta không quên nhìn lại 1 chặng đường đầy gian khó, rất đáng tự hào của Công đoàn Điện lực Bình Định từ ngày tiếp quản dòng điện quê hương. Hiện nay, nhiều đồng chí cán bộ, đoàn viên Công đoàn tiên phong từ thời tiếp quản 4/1975 đã lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng như Nguyễn Thế Mỹ, Võ Thu, Lê Hiếu… Nhưng tinh thần và khí phách Công đoàn của một thời gian khó còn vang mãi bên cạnh những nỗ lực của chúng ta hôm nay. Tinh thần và bản lĩnh ấy luôn là hành trang để thế hệ đoàn viên Công đoàn Công ty Điện lực Bình Định giương cao ngọn cờ tiên phong đi tới, góp phần thắng lợi vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên quê hương Bình Định.
 
Theo: Tạp chí Công Thương