Với 714 tác phẩm dự thi của 195 tác giả đến từ 17 CĐ đơn vị trực thuộc CĐ EVN (143 bài viết, 283 bài thơ và 288 bức ảnh) được đánh giá là thành công rất lớn của cuộc thi.
Các đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có 226 tác phẩm của 31 tác giả, Tổng công ty Điện lực Miền Nam có 192 tác phẩm của 39 tác giả, Tổng công ty Điện lực Miền Trung có 148 tác phẩm của 60 tác giả, Công ty CP nhiệt điện Phả Lại có 42 tác phẩm của 3 tác giả… 39 tác phẩm dự thi có chất lượng và gửi về kịp thời đã được sử dụng đăng tải từ số Bản tin tháng 9/2013 - 8/2014. Số tác phẩm còn lại có chất lượng cao sẽ tiếp tục được sử dụng trong thời gian tới.
Nội dung cuộc thi phản ánh các hoạt động sản xuất – kinh doanh, chăm lo đời sống CNVC- LĐ, ghi nhận những bước phát triển, sáng tạo khoa học - kỹ thuật, nét đẹp các công trình… của ngành điện trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời khắc hoạ nét văn hoá của người thợ điện, những nhân tố điển hình trong CNVC-LĐ, những tập thể có nhiều thành tích xuất sắc, đã và đang đi đầu trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, trong phong trào CNVC-LĐ của ngành điện lực Việt Nam.
Kết quả cuộc thi Nét đẹp người thợ điện Việt Nam: Giải cá nhân gồm 3 giải nhất; 6 giải nhì; 9 giải ba và 15 giải khuyến khích; giải tập thể gồm 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba; 14 tập thể và cá nhân được CĐ EVN tặng bằng khen. |
Theo ông Trần Văn Ngọc - Chủ tịch CĐ EVN, điểm khó nhất của cuộc thi là các bài viết phải phản ánh người thật, việc thật, coi trọng yếu tố phát hiện những nét đẹp tiềm ẩn và việc làm thầm lặng của người thợ điện Việt Nam. Vì vậy, không có đất cho nghệ thuật hư cấu, rất dễ sa vào cách viết về gương “người tốt, việc tốt”. Thế nhưng, hình ảnh người thợ điện trên mọi lĩnh vực công tác đã được các tác giả không chuyên phản ánh từ những góc độ khác nhau một cách cụ thể trong từng họa tiết, có cả những góc khuất của tâm tư, nguyện vọng. Từ những bài viết về Thủy điện Sơn La “Đi trong mùa lũ quét” của Nguyễn Thị Tố Vân. Hoặc “Lặng thầm cho dòng sáng” của Hoàng Thị Kim Dung đưa chúng ta đi dọc tuyến đường Trường Sơn, đến huyện Giắng (Quảng Nam) để gặp gỡ những người thợ điện, cảm nhận công việc âm thầm, gian khổ của họ. Chúng ta cũng có thể đi theo “Tiếng gọi từ Na Hang” (Lê Duyên Hải) hoặc đến một địa chỉ biển đảo mà cả nước đang hướng tới chứng kiến “Chuyện làm điện ở vương quốc tỏi Lý Sơn” (Tăng Phan Lương). Điều thú vị là có người viết chuyên nghiệp lại được một người khác viết về mình trong “Ấn tượng về một cán bộ ngành điện” của Hoàng Hồng Nhung. Vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc thi, đây còn là sự gặp gỡ nhiều ý nghĩa của hai thế hệ ngành điện.
Đặc biệt, trong thơ điện lực nổi lên sự thật thà, mộc mạc và chân thật như chính tâm hồn người thợ điện. Thơ dự thi lần này, nhiều bài mang âm hưởng từ biển, như “Cánh thư từ đảo xa” của Nguyễn Đăng Thanh, “Chân dung người mẹ, nhìn từ biển” của Nguyễn Huy Thực. Truyền thống gia đình, niềm tự hào các thế hệ ngành điện tiếp nối cũng là một chủ đề được khai thác, làm nên nét đẹp truyền thống thợ điện Việt Nam.
Cũng theo ông Ngọc, có được sự thành công của cuộc thi là nhờ công đoàn các đơn vị đã chủ động, tích cực triển khai, phổ biến, phát động tới CNVC - LĐ, động viên, khen thưởng các cá nhân tích cực tham gia. Hầu hết các đơn vị tạo điều kiện cho tác giả khai thác tài liệu, tiếp xúc nhân vật, đi thực tế… Một số đơn vị còn tổ chức thi cấp cơ sở trước khi gửi tác phẩm dự thi. Mỗi người một góc nhìn, một lăng kính, đã khắc họa sinh động và đa dạng về cuộc sống, lao động, văn hóa của cán bộ, công nhân lao động ngành điện đang hàng ngày, hàng giờ giữ cho dòng điện quốc gia luôn ổn định, thắp sáng mọi buôn làng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các khuôn mặt đời thường của ngành điện được khắc họa; tình người, tình đồng đội, đồng nghiệp và đồng chí tạo nên những dấu ấn khó phai, nét đẹp của văn hóa truyền thống mang đặc trưng riêng của ngành điện. Cuộc thi đã tạo được sự lan tỏa rộng lớn và tác động về nhận thức văn hoá doanh nghiệp.