Sự kiện

Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình: Điểm sáng trên đất Cố đô

Thứ năm, 14/8/2014 | 11:02 GMT+7
Sau những năm tháng vinh dự, tự hào là một trong 3 nguồn phát chủ yếu của lưới điện miền Bắc, có thời điểm, Nhiệt điện Ninh Bình đã phải đứng trước thử thách lớn do nhà máy có thể bị đóng cửa vì ô nhiễm môi trường …Tuy nhiên, ở giai đoạn nào, Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình luôn chứng tỏ bản lĩnh của một đơn vị biết đương đầu với khó khăn, linh hoạt, sáng tạo để tiến về phía trước.


Những năm tháng không quên

Với sự giúp đỡ của Trung Quốc, năm 1971 Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình được khởi công xây dựng tại thị xã Ninh Bình với thiết kế 4 tổ lò, máy, tổng công suất 100MW. Năm 1972, việc thi công xây dựng bị gián đoạn do cuộc không kích phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của đế quốc Mỹ. Sau Hiệp định Pari năm 1973, nhà máy tiếp tục được thi công.

Ngày 17/1/1974, Bộ trưởng Bộ Điện và Than- Nguyễn Hữu Mai đã ký quyết định thành lập Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình. 4 tháng sau đó, tổ lò máy số 1 của nhà máy đi vào vận hành, phát dòng điện đầu tiên hoà vào mạng lưới điện miền Bắc. Ngày 8/3/1976, tổ lò, máy số 4 (tổ lò máy cuối cùng của nhà máy) được hoàn thành và đưa vào vận hành đủ sản lượng sản xuất 100MW. Từ đây, lưới điện miền Bắc hàng năm có thêm sản lượng điện từ 550 đến 600 triệu kWh của Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình. Trong thời kỳ những năm 70, 80 của thế kỷ 20, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình là một trong 3 nguồn phát chủ yếu của lưới điện miền Bắc…

Để tóm tắt quá trình phát triển của Nhiệt điện Ninh Bình giai đoạn này, có thể chỉ bằng một vài dòng ngắn gọn như vậy.

Tuy nhiên, trong ký ức của những thế hệ cán bộ, công nhân viên (CBCNV) đã gắn bó với nhà máy từ những ngày đầu, đây là quãng thời gian không thể nào quên bởi nhà máy được xây dựng trong điều kiện đất nước còn muôn vàn khó khăn, nên việc bắt nhịp để hoàn thành tiến độ là cả một thách thức.

Niềm vui khởi công chưa nguội, CBCNV nhà máy lại phải hối hả sơ tán thiết bị để tránh sự không kích của Mỹ. Vừa lo bảo vệ sự sống vừa phải bảo toàn thiết bị quan trọng cho nhà máy, với nhiều CBCNV khi đó, một trong những hi vọng thường trực, đó là  chiến tranh sớm kết thúc để việc xây dựng nhà máy được tiếp tục.

Hiệp định Paris được ký kết, cùng với sự hân hoan của cả nước, CBCNV Nhiệt điện Ninh Bình đã huy động làm việc 3 ca liên tục, cả ngày cả đêm, không ngại khó khăn, gian khổ… Không biết bao nhiêu mồ hôi đã đổ để có hạnh phúc rạng ngời khi dòng điện đầu tiên của nhà máy hòa vào lưới điện của miền Bắc đúng dịp kỉ niệm 84 năm ngày sinh nhật Bác.

Gian nan, vất vả là thế, nhưng mỗi CBCNV Nhiệt điện Ninh Bình đều luôn nỗ lực, cố gắng với niềm tự hào được làm chủ một trong 3 nguồn phát điện chủ yếu của lưới điện miền Bắc, phục vụ cho công cuộc xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước…

Đối diện với thách thức

Sau 20 năm hoạt động sản xuất liên tục, nhưng lại không được đầu tư sửa chữa đúng mức nên đầu những năm 90 của thế kỉ trước, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế: Hiệu suất của nhà máy xuống thấp, hệ thống xử lý khói bụi công nghệ cũ lạc hậu khiến khu vực xung quanh nhà máy và một bộ phận dân cư khốn khổ vì ô nhiễm. Nhắc lại thời điểm đó, nhiều người đã gắn bó với Ninh Bình, đều không quên chi tiết Ninh Binh được mệnh danh là thị xã 4B (Bé, Buồn, Bụi, Bẩn), trong đó 2B (Bụi, Bẩn) chủ yếu là từ Nhiệt điện Ninh Bình…

Vào lúc cao điểm, năm 1995, Nhiệt điện Ninh Bình có lúc đã phải đứng trước nguy cơ bị đóng cửa. do những tai tiếng về vấn nạn ô nhiễm. Đi về đâu hơn 1.000 CBCNV? Sẽ ra sao khi vai trò quan trọng của Nhiệt điện Ninh Bình trong hệ thống lưới điện miền Bắc bị thiếu hụt?… Để tiếp tục được hoạt động, nhà máy đã chủ động, tích cực nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chuyên môn, để tìm cách khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường một cách khả thi nhất.

Theo đó, từ năm 1993, Nhiệt điện Ninh Bình đã thực hiện dự án đại tu phục hồi lại các thiết bị chính của lò, máy, điện với nguồn vốn gần 60 tỉ đồng nhằm cải thiện các chỉ tiêu kinh tế; từ năm 1996, bắt tay vào cải tạo môi trường bằng nhiều dự án với kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, quan trọng nhất là 2 dự án: “Khắc phục ô nhiễm môi trường khí quyển”, “Hệ thống tuần hoàn nước bãi xỉ” và ứng dụng thành công hệ thống vòi đốt UD của hãng Mitsubisi thay thế cho các bộ đốt cũ của các lò hơi …

Màu xanh đã xuất hiện nhiều hơn ở Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, không khí quanh khu vực nhà máy dần trong lành trở lại; năm 2000 cũng là năm đầu tiên sản lượng điện của Nhiệt điện Ninh Bình đạt 554 triệu kwh, cao nhất sau 17 năm nhà máy vận hành liên tiếp. Với những nỗ lực của mình, một  nhà máy nhiệt điện bụi, bẩn đã lùi vào quá khứ, Nhiệt điện Ninh Bình hôm nay đã khoác lên mình một tấm áo mới…

Trang mới cho tương lai

Năm 2005, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, Nhà máy Điện Ninh Bình chuyển thành Công ty Nhiệt điện Ninh Bình với chức năng hoạt động sản xuất, kinh doanh hạch toán độc lập, thực hiện nghĩa vụ thuế tại địa phương. Đồng thời với quá trình chuyển đổi này, từ năm 2005 đến năm 2007, công ty đã tiến hành cổ phần hóa thành công. Từ 1.350 người với 25 đơn vị năm 2000, sau khi cổ phần, công ty còn 1.018 người với 14 đơn vị, nhưng sản lượng điện lại tăng 1,35 lần.

Bước sang năm 2008, Công ty Nhiệt điện Ninh Bình chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với công ty khi mà kinh tế trong và ngoài nước đang ở giai đoạn mở đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, là đơn vị trưởng thành từ trong khó khăn, nên trong điều kiện mới, thêm một lần nữa tập thể lãnh đạo và người lao động trong công ty quyết tâm phấn đấu để hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh. Theo đó, ngay sau khi cổ phần, từ các phân xưởng đến các phòng ban, đâu đâu cũng hối hả thi đua để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của công việc. Kết thúc năm 2008, sản lượng điện của Nhiệt điện Ninh Bình đã tăng 112% so với năm 2007, suất sự cố giảm, tổng doanh thu đạt 457 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước tăng 72% so với kế hoạch. Tháng 8/2009, cổ phiếu của Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình đã được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam với mã giao dịch NBP.

Từ năm 2010-2013, kinh tế đất nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình. Bằng việc tiếp tục củng cố thiết bị, thi đua sản xuất đảm bảo phương thức, sản lượng, doanh thu theo kế hoạch của Đại hội đồng cổ đông thường niên giao hàng năm; đảm bảo hài hòa lợi ích của các cổ đông và quyền lợi của người lao động…. công ty vẫn lo đủ việc làm cho hơn 700 CBCNV của 13 đơn vị. Hơn thế, với truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, Nhiệt điện Ninh Bình đã thực sự trở thành điểm sáng của Ninh Bình trong hoạt động đóng góp chỉ tiêu ngân sách, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho CBCNV.

Với những thành tích đã đạt được, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2008); Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2013).
Theo: Công Thương