Định Bình chỉ là địa danh 1 thôn thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh của tỉnh Bình Định, song bà con các dân tộc BaNa ở Định Bình nói riêng và cả Huyện Vĩnh Thạnh nói chung rất đỗi tự hào với “Thương hiệu Định Bình” của quê hương Tà Loc, Tà Lec. Tiếng lành đồn xa, bởi tại cái thôn nhỏ này đã làm được việc “tày đình”: Đắp đập, ngăn dòng đón “cái nước” của suối LơPin chảy vào Sông Kôn, tích vào hồ hơn 200 triệu m3 để xây dựng 1 tổ hợp thuỷ nông, thuỷ điện “ầm ào” tuôn chảy dòng nước mát, làm xanh lại những cánh đồng 2 bờ sông Kôn và bổ sung vào lưới điện quốc gia 6,6 MW điện năng quý báu giữa mùa “khát điện” này.
Trần Xuân Toàn tâm sự: “Hồi đầu năm 2005, khi nhận nhiệm vụ mới, bản thân tôi rất bỡ ngỡ, chưa hình dung được hết quy mô, quá trình xây dựng và hoạt động của Nhà máy thuỷ điện Định Bình như thế nào, chỉ có cái “tâm” và sự quyết đoán. Sau gần 3 năm lăn lộn trên công trường xây dựng Nhà máy, với những nỗ lực không ngừng của tập thể, hoạt động SXKD của Thuỷ điện Định Bình đã đạt hiệu quả cao ngay từ khi vận hành. Đến giờ, tôi nhận ra ý nghĩa của sự “đồng bộ” và “đồng thuận” có tác dụng lớn lao đến như thế nào trong xây dựng thuỷ điện. Từ đó, đảm bảo cho việc điều hành một khối lượng công việc đồ sộ trong thời gian ngắn nhất đạt hiệu quả cao nhất để có thành quả hôm nay”.
Minh họa cho những điều mà “Anh Ba Định Bình” tâm sự là toàn cảnh công trình thuỷ nông, thuỷ điện Định Bình hiện ra trong cơn mưa đầu mùa. Dòng nước trắng xoá tung lên từ sau cửa xả của nhà máy thuỷ điện đang vận hành đạt công suất 5,2 MW. Công trường xây dựng hồ đang đi vào giai đoạn hoàn thiện để nâng khả năng tích nước của hồ lên 215 triệu m3, đồng nghĩa với việc nâng công suất điện năng lên thanh cái nhà máy đúng với thiết kế ban đầu: 6,6 MW. Hệ thống 2 tuốc bin phát điện và các thiết bị điện tử quản lý điều hành được lắp đặt hoàn chỉnh, chính xác, kỹ thuật đồng bộ, đưa điện qua máy biến áp để lên thanh cái nhà máy: Hoành tráng, gọn gàng và đẹp, toàn khu vực nhà máy được đặt trong không gian “Xanh, sạch, đẹp” bởi những bồn hoa, cây cảnh từ bàn tay của đội ngũ công nhân trẻ tạo nên.
Anh kể chính xác những cái mốc đáng nhớ của toàn bộ công trình: Ngày 25/7/2004: Khởi công Nhà máy và đào hố móng đợt 1; Ngày 5/10/2005 Đại hội thành lập Công ty cổ phần Thuỷ điện Định Bình; Ngày 24/10/2006 đào hố móng đợt 2 và bắt đầu triển khai thi công Nhà máy; Ngày 28/12/2007 hoà lưới tổ máy số 1. Ngày 16/1/2008 hoàn thành chạy nghiệm thu 72 giờ tổ máy số 2…Để đạt được tiến độ đó, anh cho rằng công tác tổ chức, con người phải đạt cho được sự “đồng thuận” cần thiết. Không chỉ biết làm việc theo mệnh lệnh, mà phải thông qua trao đổi, tranh luận để tìm cách khắc phục những khó khăn diễn ra trên công trường , thống nhất được phương án tối ưu cho thi công.
Bí quyết để tạo ra được một đội hình quản lý “đồng bộ” và “đồng thuận” như vậy theo Trần Xuân Toàn là do sự xếp đặt cán bộ theo nhiệm vụ, chức trách như của một đội bóng chuyên nghiệp. Anh tâm sự: Trong giai đoạn thi công, Phó Giám đốc, điều hành kỹ thuật chịu trách nhiệm “tiền đạo”; Bộ phận kế toán là “thủ môn”, không để xảy ra “lọt lưới” bất cứ sai sót nào trong quản lý tài chính. Còn Giám đốc, Tổ chức giữ vai trò là “tiền vệ” trong toàn bộ công trình, 18 Công nhân kỹ thuật vận hành được anh “chăm sóc” từ đầu vào đến đầu ra trong khâu đào tạo - bây giờ đảm nhiệm những vị trí hợp lý trong “đội bóng vận hành” Nhà máy. Anh tự hào và yên tâm về năng lực chuyên môn và nhiệt huyết của đội ngũ công nhân trẻ này, bởi anh đã theo sát, nắm bắt trình độ, hoàn cảnh từng người. Mỗi kỳ thi sát hạch chuyên môn hoặc thi tốt nghiệp, Anh Ba Định Bình đều có mặt tại trường để phối hợp cùng nhà trường phân loại chính xác từng học viên được gửi đến đào tạo.
Cái “được” mà Anh Ba Định Bình đã có trong tay không dừng lại ở hiệu quả kinh tế phát huy được từ tổ hợp công trình thuỷ nông, thuỷ điện hôm nay. Nhìn xa hơn nữa, đó là những tiềm năng thuỷ điện vừa và nhỏ của địa phương đang kêu gọi người “đánh thức”, thôi thúc anh cùng đồng nghiệp vươn tới, xây dựng những công trình như Định Bình trong tương lai.