Đó là nội dung chính của Tọa đàm cho Tổng Công ty Truyền tải Quốc gia (EVNNPT) tổ chức vào chiều 25/4, tại thành phố Đà Nẵng, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1. Tham dự tọa đàm có các đồng chí lãnh đạo đã từng tham gia xây dựng và quản lý vận hành đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1.
Tọa đàm 20 năm đóng điện và vận hành đường dây 500kV Bắc Nam diễn ra chiều 25/4 tại Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Hà
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó Ban chỉ đạo xây dựng đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1 cho biết, đường dây 500kV Bắc Nam dài gần 1.500km, từ Hòa Bình vào Phú Lâm được khánh thành vào 27/5/1994. Người quyết định thi công đường dây này là Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một đường dây siêu cao áp này chỉ với thời gian 2 năm là một kỳ tích chưa từng có, trong khi thế giới đánh giá phải làm từ 8-10 năm.
Nguyên nhân đường dây thi công trong thời gian ngắn như vậy theo ông Ngãi là do ý chí của con người bên cạnh những quyết sách động viên hợp lý của Chính phủ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. “Hai năm đó để lại một lịch sử, một tác phẩm đỉnh cao của thời đại với sự tham gia của một tập thể lớn con người, từ nhân dân, quân đội, công an…. Nếu không có sức lực và trí tuệ con người thì không thể làm được”, ông Ngãi nói.
Phân tích ý nghĩa kinh tế, khoa học công nghệ của công trình đường dây 500kV mạch 1, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long cho rằng, đây là công trình đặt mốc lịch sử trong ngành truyền tải điện Việt Nam nói riêng và ngành điện nói chung. Bởi đường dây này kéo theo nhiều thành tựu quan trọng khác; trong đó, 3 hệ thống điện hoạt động riêng lẻ Bắc-Trung-Nam đã được hợp nhất thành một hệ thống điện toàn quốc như sự hợp nhất 3 miền Bắc-Trung-Nam. So với hiện nay có nhiều thiết bị sử dụng trên hệ thống tốt hơn nhưng khi xây dựng đường dây, lần đầu tiên chúng ta sử dụng các công nghệ như cáp quang, là tiền đề hợp nhất hệ thống công nghệ thông tin toàn quốc; các thiết bị kỹ thuật số, các thiết bị bảo vệ song song với nhau.
Đảm nhận thi công đèo Lò Xo là cung đoạn khó khăn nhất, ông Đậu Đức Khởi, Anh hùng lao động, nguyên Phó Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3 khẳng định: Khi thi công cung đoạn này, có 4 yếu tố để thi công thành công đèo Lò Xo. Đó là có cơ chế thưởng tốt, đủ vật liệu, có thiết kế kịp thời và lực lượng thi công chủ yếu là xe Reo, bà con gùi gánh.
Bác Trần Quốc Cương, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam chia sẻ, qua việc xây dựng đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1, những tính toán trong bài toán cấp điện cho miền Nam đã theo đúng thực tế.
Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia NPT tặng hoa các vị lão thành ngành điện có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng đường dây 500kV Bắc Nam. Ảnh: Ngọc Hà
EVNNPT cho biết, qua 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1, đến nay, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1600-1800MW với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm, cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi đường dây mạch 1 đưa vào vận hành.
Ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết, ngoài các công trình trọng điểm mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty đã triển khai thực hiện nhằm từng bước tối ưu hóa hệ thống truyền tải điện trong suốt 20 năm qua, EVNNPT cũng đang tập trung sức lực và trí tuệ để thi công và chuẩn bị đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước- Cầu Bông với tổng chiều dài là 445 km có ý nghĩa vô cùng quan trọng được xác định là đường dây 500kV mạch 3 của hệ thống lưới điện truyền tải Bắc – Nam. Qua đó tăng khả năng truyền tải đoạn từ Pleiku vào miền Nam lên 2.300MW ngay khi đưa vào vận hành. Làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500kV của Việt Nam với các nước trong khu vực./.
Mai Phương