Kỷ niệm 20 năm Đường dây 500kV Bắc Nam

Trạm biến áp 500kV Pleiku: 20 năm một chặng đường

Thứ ba, 22/4/2014 | 10:55 GMT+7
Năm tháng qua đi, những mái tóc xanh ngày nào giờ đã điểm hoa râm, những thiết bị cùng công nghệ lắp đặt ban đầu giờ đã già cỗi, lạc hậu và đã được thay thế bởi các thiết bị mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại.


Toàn cảnh TBA 500kV Pleiku
 
Nhưng dường như trong những con người ấy vẫn căng tràn bầu nhiệt huyết, yêu ngành, yêu nghề, không có chỗ cho sự mệt mỏi, lạc hậu. Trong hai mươi năm qua, tập thể CBCNV của TBA 500kV Pleiku đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách, khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp của mình, vươn lên làm chủ toàn bộ các thiết, bị công nghệ mới, đưa TBA 500kV Pleiku phát triển thành một trạm lớn, một điểm nút quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế nước ta.

20 năm nhìn lại

Ngày 12 tháng 5 năm 1994 tại TBA 500kV Pleiku, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê…Bộ Năng lượng tổ chức lễ “Mừng đóng điện đường dây 500 kV qua trạm biến áp 500 kV Pleiku”.

Khi được sự đồng ý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, điều độ viên của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phát lệnh đóng điện qua TBA 500kV Pleiku với cấp điện áp 500kV. Trong những phút giây chờ đợi, đón dòng điện siêu cao áp đầu tiên của nước ta chảy qua trạm, không khí tại phòng điều khiển lặng im phăng phắc, tất cả mọi thành viên có mặt tại trạm lúc bấy giờ, từ các chuyên gia nước ngoài,  lãnh đạo Bộ Năng lượng,  ngành điện, xây lắp và toàn bộ CBCNV trạm, ai nấy đều chung một cảm xúc “rất hồi hộp”. Một số đồng chí bên Xí nghiệp lắp máy 45-3 và Trung tâm thí nghiệm điện (các đơn vị chịu trách nhiệm lắp đặt và thí nghiệm thiết bị trạm) có thoáng chút lo lắng, căng thẳng để rồi tất cả đều vỡ òa trong vang dậy tiếng vỗ tay, những vòng tay ôm chặt, những tiếng chúc mừng trong nụ cười vui tươi khi tiếng “rào” của dòng điện siêu cao áp được phóng vào trạm. TBA 500kV Pleiku được đóng điện  thành công  với cấp điện áp 500kV đã đánh dấu một mốc son lịch sử của TBA 500kV Pleiku cũng như của ngành điện Việt Nam.

Đây cũng là một bước đệm để đến thời điểm 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994 tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm 500kV Đà Nẵng qua đường dây 500kV, hai hệ thống điện Nam – Bắc được hòa chung trên hệ thống đường dây 500kV, nối liền hệ thống điện trên toàn quốc thành một khối thống nhất. Hệ thống điện siêu cao áp 500kV của Việt Nam và TBA 500kV Pleiku chính thức được đưa vào vận hành từ đây.

TBA 500kV Pleiku đóng chân trên địa bàn thị trấn Phú Hòa, huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai thuộc công trình đường dây 500kV ra đời khi cánh thợ điện chúng tôi mới ngoài hai mươi tuổi, sức trẻ tràn trề và luôn muốn chinh phục tất cả những khó khăn, thử thách để vươn tới đỉnh cao của tri thức.

Đối với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, ĐăkLăk và các tỉnh lân cận, việc đường dây siêu cao áp quốc gia và TBA 500kV Pleiku xây dựng trên địa phận của tỉnh là một sự kiện lịch sử, bởi đây là một đại công trình được nhà nước ta đầu tư xây dựng. Do mức độ quan trọng của công trình nên Đảng, Nhà nước và cả xã hội ta đặc biệt quan tâm. Khí thế hừng hực, sục sôi. Đi tới bất kể nơi đâu, gặp bất kể ai, từ người dân lao động bình thường đến các các cán bộ công chức đều nghe họ nhắc tới các từ “Đường dây 500kV”, “Đường dây siêu cao áp”, “Hệ thống điện siêu cao áp Quốc gia”.

Lớp thanh niên trẻ, không kể gái, trai tất cả nô nức xung phong ra các công trường xây dựng “Đường dây 500kV”. Trên công trường TBA 500kV Pleiku các thợ lành nghề, lão luyện, dày dạn kinh nghiệm của Tổng Công ty xây dựng Sông Đà, Xí nghiệp Lắp máy 45-3, những người thợ điện giàu kinh nghiệm và giỏi chuyên môn nhất của các Sở điện lực được điều đến phụ trách các công đoạn thi công công trình. Suốt cả quá trình thi công, trên công trường lúc nào cũng rộn rã tiếng máy chạy, tấp nập người qua lại, đất đá ngổn ngang, vật tư thiết bị liên tục được nhập về, tập kết thành các khối lớn. Lúc cao điểm có đến cả ngàn người và hàng trăm thiết bị máy móc công trình chuyên dụng làm việc, tung bụi, khói bốc lên cao. Trung đội Cảnh sát cơ động của Bộ Công an thường trực tại trạm, lực lượng an ninh kinh tế của tỉnh Gia Lai và tổ bảo vệ của trạm đã phải làm việc hết mình để bảo đảm sự an toàn của công trình. Các hạng mục công trình được triển khai thi công đồng loạt như một guồng máy lớn chạy hết công suất, chạy đua với thời gian, bất kể thời tiết nắng, mưa và tất cả đều vì “Dòng điện 500kV”. Danh tiếng công trình đã thu hút nhiều đoàn khách từ cấp trung ương, các cơ quan, ban ngành của các tỉnh và của địa phương thường xuyên đến tham quan. Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ.
 
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng điện hòa hệ thống điện Miền Nam ngày 27/05/1994.

Để việc đóng điện vận hành thành công TBA 500kV Pleiku, không gì tả hết được nỗi gian truân, vất vả của CBCNV trạm buổi ban đầu thiếu thốn mọi bề. Hầu hết CBCNV trạm khi đó đều ở ngoài Miền Bắc vào, một số ít ở khu vực Miền Trung lên, chưa quen với khí hậu nên ốm đau triền miên, mọi người phải gồng mình lên để thích nghi dần. Sợ nhất là căn bệnh sốt rét vẫn rình rập thường xuyên, những vốc thuốc queneel (Ký ninh) đều đặn một tháng một lần, mọi người phải uống để phòng nhưng vẫn không tránh khỏi bởi lũ muỗi đói đông và to như con ong rừng lúc nào cũng sẵng sàng xâu xé. Chợ và nhà ăn tập thể không có, tất cả CBCNV của trạm đều nhờ những người đi bán đồ ăn dạo, bữa có bữa không để mua thực phẩm rồi tự nấu ăn. Ngày đó cũng không có các phương tiện giải trí. Buổi giải trí duy nhất của CBCNV trạm là tối chủ nhật hàng tuần được xe của trạm (loại xe cứu thương của Liên Xô) chở xuống thị xã Pleiku cách đó gần hai mươi cây số để mua sắm hoặc uống cà phê đến 21 giờ lại phải về trạm.

Tuy nhiên, khó khăn không phải là duy nhất. Cái khắc nghiệt của thời tiết Tây Nguyên như càng làm tăng thêm nỗi khó khăn, vất vả của những thanh niên 20 tuổi. Những ngày mưa to không ra công trường được thì CBCNV trạm lại bò ra đọc, nghiên cứu thiết bị qua các bản vẽ, các trang catalo thiết bị của nhà cấp hàng. Ngày nắng như đổ lửa, công trường bụi mù mịt, không khí hanh khô cháy khát cổ họng, da nhuộm đen, mũi đặc kít bụi đất vẫn bám sát công trình không dời để vừa tìm hiểu, vừa làm quen với thiết bị, công nghệ, vừa giám sát việc lắp đặt “đặng sau này biết ngõ mà vận hành”. Chính vì vậy, mặc dù thiết bị và công nghệ hoàn toàn mới mẻ, nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, nên khi các thiết bị được lắp đặt đến đâu là đội ngũ kỹ thuật của trạm đều hiểu rõ và nắm chắc tất cả các tính năng kỹ thuật đến đó. Khi trạm được xây dựng xong, những người thợ điện trẻ đã làm chủ được tất cả các thiết bị cùng công nghệ trên toàn trạm, sẵn sàng cho việc vận hành khi thiết bị được mang điện.

Phát triển vươn lên

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, TBA 500kV Pleiku đã liên tục được nâng cấp, mở rộng. Đội ngũ cán bộ công nhân viên của trạm đã không ngừng trưởng thành, khẳng định trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp. Từ buổi ban đầu với mặt bằng xây dựng trạm chỉ có 6 hecta, 1 MBA 500kV, 1 MBA 220kV với tổng công suất 575MW, đường dây 500kV hai xuất tuyến và công suất truyền tải chỉ giới hạn 1000MW, đường dây 220, 110kV mỗi cấp cũng chỉ một một xuất tuyến. Hiện nay, mặt bằng xây dựng trạm đã lên tới hơn 20 hec ta, 3 MBA 500kV, 2 MBA 220 kV với tổng  công suất 1800MW, đường dây 500kV tám xuất tuyến và công suất truyền tải đã được nâng lên gấp đôi - 2000MW,  đường dây 220kV sáu xuất tuyến, 110kV ba  xuất tuyến. Trước đây, tất cả các công đoạn thi công lắp đặt thiết bị nhất thứ, đấu nối nhị thứ, trung tu, đại tu máy cắt 500, 220, 110kV đều phải nhờ chuyên gia nước ngoài đảm nhận thì hiện nay, lực lượng của trạm đã đảm đương với chất lượng và tiến độ không hề thua kém. Điều đặc biệt là trong các lần triển khai thi công nâng cấp, mở rộng, trạm vẫn được quản lý vận hành an toàn cung cấp điện liên tục cho phụ tải. Ngoài ra trạm còn quản lý kho vật tư Tây Nguyên của Công ty đặt tại trạm với hàng ngàn mã vật tư thiết bị, luôn sẵn sàng phục vụ cho thay thế, sửa chữa khi hệ thống điện xảy ra sự cố hay hư hỏng.

Suốt trong quá trình thi công cũng như quản lý vận hành, trạm đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và những biện pháp thi công ưu việt, rút ngắn thời gian thi công cũng như cắt điện, tiết kiệm nguyên vật liệu và nhân công, làm lợi cho ngành điện nói riêng và nhà nước nói chung hàng tỷ đồng.

Các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên của trạm đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình, đặc biệt chi bộ đảng luôn là hạt nhân trung tâm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn đơn vị, các đảng viên luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong hoạt động của đơn vị. Từ các tổ chức chính trị này, công tác tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ an toàn lưới điện được phát huy có hiệu quả, giữ vững cho dòng điện liên tục chảy đi muôn nơi, đem ánh sáng đến muôn nhà.

Chặng đường mới

Tuổi 20 của một đời người thật ngắn ngủi, nhưng với một thiết bị điện thì đây là tuổi lão hóa, sắp hết hạn sử dụng, chính vì vậy con đường tới của trạm có rất nhiều thử thách mới. Hiện nay, ngoài việc vẫn duy trì kiểm tra, giám sát chặt chẽ sự làm việc của các thiết bị này, đảm bảo xử lý kịp thời khi có bất cứ một trục trặc nào xảy ra nhằm ngăn ngừa sự cố không mong muốn thì CBCNV trạm cũng đang chờ cấp trên duyệt kế hoạch thay thế thiết bị mới. Sau đó sẽ tập trung rà soát, tư vấn chỉnh lại các bản vẽ thiết kế mạch nhị thứ, giám sát thi công công trình đường dây 500kV mạch 3 Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đúng tiến độ và đóng điện vận hành an toàn trong thời gian tới đây. Mục tiêu lâu dài và xuyên suốt đó là quản lý vận hành an toàn trạm, đảm bảo cho hệ thống điện làm việc ổn định, phục vụ kịp thời sự phát triển kinh tế chính trị, xã hội của đất nước cũng như vận hành an toàn hệ thống điện khi lưới điện Việt Nam kết nối với lưới điện các nước ASEAN.

Trong suốt 20 năm qua, với mỗi cán bộ, CNV trạm đều đã coi TBA 500kV Pleiku là một gia đình lớn của mình, mọi người đã sống, đã nỗ lực làm việc, gắn bó vì chính mình và vì sự phát triển của tập thể. Hai mươi năm gắn bó với ngôi nhà ấm áp này, những người thợ điện ấy với niềm tin chói sáng, những trái tim hồng đầy nhiệt huyết, luôn đập một nhịp chung, tự tin, không ngừng sáng tạo, sẽ viết thêm trang sử vàng của ngành điện Việt Nam.

Sản lượng điện năng truyền qua trạm:

Năm 2013: 22.224.818.190 kWh

Năm 2012: 20.600.914.090 kWh

Năm 2011: 20.789.914.021 kWh

Năm 2010: 22.252.626.305 kWh

Năm 2009: 18.739.635.504 kWh

Năm 2008: 17.149.581.150 kWh

Năm 2007: 16.839.638.704 kWh

Năm 2006: 16.190.380.550 kWh

Năm 2005: 16.738.040.038 kWh

Năm 2004: 12.438.560.500 kWh

Năm 2003: 11.755.696.778 kWh

Năm 2002: 10.029.825.282 kWh

Năm 2001:   7.194.800.221 kWh

Năm 2000:  4.883.470.118 kWh

Năm 1999:  3.812.393.600 kWh

Năm 1998:  3.716.678.192 kWh

Năm 1997:  1.886.716.800 kWh

Năm 1996:  2.141.335.800 kWh

Năm 1995:    668.190.400 kWh

Từ khi đóng điện đến 22/05/1995: 2.810.kWh

 
Theo: EVN NPT