35 năm – CPMB phát triển cùng ngành Điện Việt Nam

Thứ sáu, 7/7/2023 | 10:16 GMT+7
Ban Quản lý công trình điện (nay là Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung - CPMB) được thành lập theo Quyết định số 842/NL-TCCB ngày 07-07-1988 của Bộ trưởng Bộ Năng lượng trên cơ sở Ban Quản lý nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ trực thuộc Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực Miền Trung) vào thời điểm quân dân cả nước đã đi được một nửa chặng đường của đường hướng mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986 -1990) đã vạch ra, cũng là thời điểm ngành Điện lực Việt Nam đi được một nửa chặng đường thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 1986-1990 (gọi tắt là Tổng sơ đồ II).

Những khởi đầu thuận lợi kết hợp tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề, năng động, sáng tạo của tập thể CPMB và sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, đã giúp cho CPMB trưởng thành nhanh chóng và vững vàng. 

Bài I: Giai đoạn 1988 – 1994. Xoá đói điện cho miền Trung

Đường lối đổi mới đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đã thực sự trở thành hiệu lệnh cho quân và dân cả nước tiến lên trong sự nghiệp cải cách, mở cửa và đổi mới, trong đó có ngành Điện lực Việt Nam. Ngày 19-5-1987, Liên Xô và Việt Nam ký Hiệp định Hợp tác chế tạo thiết bị điện 35kV trở xuống. Đây là hiệp định có ý nghĩa to lớn: Lần đầu tiên Liên Xô cung cấp cho Việt Nam một khối lượng vật tư, nguyên vật liệu điện, thiết bị kỹ thuật điện để Việt Nam chế tạo các máy biến áp, sản xuất dây nhôm, các vật tư, phụ tùng…phục vụ yêu cầu xây dựng lưới điện phân phối và điện khí hoá nông thôn. Ngày 06-11-1979, Công trình Thuỷ điện Hoà Bình khởi công xây dựng và theo kế hoạch tiến độ sẽ hoàn thành đưa vào vận hành Tổ máy 1 vào cuối năm 1988. Đây là cơ hội để ngành Điện thực hiện giải pháp xoá đói điện cho miền Trung.

Trở lại những năm đầu thập niên 80 của Thế kỷ 20, đất nước ta vô cùng khó khăn. Cuộc chống Mỹ cứu nước vĩ đại vừa thắng lợi, chưa bao lâu lại xảy ra chiến tranh biên giới. Quân dân ta phải đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Đời sống nhân dân mỗi ngày một khó khăn. Khúc ruột miền Trung là vùng chiến tranh suốt 30 năm nên không có công trình điện qui mô lớn nào được xây dựng mà chỉ có các cơ sở điện lực nhỏ bé, phân tán phục vụ ánh sáng đô thị và nhu cầu quân sự. Nên từ năm 1975 đến năm 1985, việc cung cấp điện ở miền Trung vô cùng khó khăn, luôn phải chống đỡ với tình hình thiếu điện ngày càng nghiêm trọng. Giai đoạn này, đã xây dựng đưa vào hoạt động nhà máy điện Đồng Hới (công suất 14kW), còn lại tập trung tiếp nhận, lắp đặt các tổ máy phát điện Diesel được Bộ Điện Than điều động từ miền Nam ra, miền Bắc vào, phục hồi các nhà máy hỏng hiện có, nhưng cũng đủ để thay thế cho các máy phát đã hỏng phải thanh lý qua các năm. Các nguồn điện như nhiệt điện Bồng Sơn (công suất 20kW), chuẩn bị xây dựng rồi hủy bỏ; nhiệt điện Đà Nẵng (công suất 120kW) khởi công sau 4 năm cũng chỉ mới san ủi xong mặt bằng rồi cũng hủy bỏ. Những người làm điện ở miền Trung đã bỏ ra nhiều công sức, vất vả, gian khổ nhưng trong 13 năm dài phấn đấu vẫn chưa đưa miền Trung thoát ra khỏi tình trạng thiếu điện, thậm chí tình trạng thiếu điện ngày càng trở nên gay gắt hơn và kéo dài. Trước nỗi bức xúc đó, ngành Điện đã tổ chức Hội nghị với Chủ tịch các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên kiến nghị lên Bộ Năng lượng, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), đề nghị giải quyết nhanh chóng các phương án cung cấp điện trước mắt cũng như lâu dài cho miền Trung. 

Tháng 6-1986 tại Đà Nẵng, Lãnh đạo Bộ Năng Lượng đã họp khẩn cấp với Lãnh đạo Công ty Điện lực 3, Công ty Xây lắp đường dây & trạm 5 (sau đó hợp nhất với Công ty xây lắp đường dây & trạm 3 thành Công ty xây lắp điện 3 tháng 2-1988) và Ban Quản lý nhà máy nhiệt điện Cầu Đỏ để giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng khẩn cấp các công trình trạm biến áp và Hệ thống truyền tải điện 110-220kV tuyến Vinh – Quảng Ngãi để truyền tải điện từ nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào miền Trung. Năm 1987, các công trình trạm biến áp và đường dây tải điện 110-220kV tuyến Vinh - Đồng Hới - Đà Nẵng lần lượt được khởi công xây dựng.

Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung được thành lập ngày 7-7-1988, theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Năng lượng trên cơ sở Ban Quản lý nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ trực thuộc Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực Miền Trung) thực hiện nhiệm vụ chính là đại diện Công ty Điện lực 3 quản lý dự án đầu tư xây dựng khẩn cấp các công trình trạm biến áp và đường dây tải điện 110 – 220kV tuyến Vinh – Quảng Ngãi vào vận hành để truyền tải điện từ nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, vật tư thết bị được cung cấp chủ yếu thông qua Hiệp định vay nợ Liên Xô-Việt Nam và quản lý điều hành các dự án phát triển lưới điện từ 35kV, 110kV và 220kV khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Vào thời điểm những năm 80 của Thế kỷ 20, với hơn 600km đường dây từ Vinh (Nghệ An) vào đến Quảng Ngãi, đi qua 8 tỉnh mền Trung, công trình phải băng qua các khu vực có địa hình phức tạp và hiểm trở, rừng nguyên sinh, đèo cao, suối sâu, vượt sông rộng, qua nhiều vùng đồng lầy cát chảy với khí hậu khắc nghiệt, nhiều nơi còn bom mìn để lại trong chiến tranh. Song với nhiệm vụ được giao và nhận thức được vai trò, vị trí của mình trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đứng trước nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội, Lãnh đạo Ban Quản lý các công trình điện cùng với CBCNV không quản ngại khó khăn, năng động sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, đưa điện lưới quốc gia vào miền Trung nhằm phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất và  ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân: Ngày 31-7-1990, điện lưới quốc gia vào đến trạm 110kV Xuân Hà, Đà Nẵng; tháng 12-1991, điện lưới quốc gia vào đến Quảng Ngãi khi trạm 110kV Quảng Ngãi chính thức vận hành ngày 26-1-1992.

Kể từ năm 1991, thời điểm Ban Quản lý công trình điện được thành lập trên cơ sở tách ra từ Sở Truyền tải Điện 1 về thuộc Công ty Điện lực 3, đặc biệt từ sau khi Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 đi vào vận hành, hệ thống lưới điện Miền Trung chuyển biến nhanh chóng, đánh đấu một bước phát triển của lưới điện miền Trung. Giai đoạn này, việc cung cấp điện năng để phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung (12 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và vùng Tây Nguyên) trước đây, chủ yếu dựa vào nguồn điện Diezel và một số nhà máy thuỷ điện nhỏ nằm rải rác ở các tỉnh, nay đã chuyển tải với sản lượng khoảng 300 triệu kWh qua Hệ thống đường dây 110-220kV Vinh - Quảng Ngãi và các trạm biến áp. Đằng sau những con số này là những dự cảm lớn lao về sứ mệnh và những thách thức đối với Ban Quản lý công trình điện.

Lưới điện phân phối 35kV do Ban Quản lý công trình điện quản lý dự án:

Đường dây 35kV Quảng Hòa – Minh Cầm và TBA 35kV Minh Cầm, đóng điện năm 1994; Đường dây 35kV Cam Lộ - Khe Sanh và TBA 35kV Khe Sanh, đóng điện năm 1994; Trạm biến áp 35kV Mỹ Chánh đóng điện năm 1994; Đường dây 35kV Huế - Tân Mỹ và TBA 35kV Tân Mỹ, đóng điện năm 1994; Đường dây Ái Nghĩa – Nông Sơn và TBA 35kV Nông Sơn, đóng điện năm 1994; Trạm biến áp 35kV Quế Trung đóng điện năm 1994; Đường dây 35kV Tam Kỳ - Thăng Bình và TBA 35kV Thăng Bình, đóng điện năm 1994; Trạm biến áp 35kV Tam Kỳ đóng điện năm 1994; Trạm biến áp 35kV Núi Thành, đóng điện năm 1994; Đường dây 35kV Núi Bút – Sông Vệ, đóng điện năm 1994; Đường dây 35kV Mộ Đức – Đức Phổ và TBA 35kV Đức Phổ, đóng điện năm 1994; Trạm biến áp 35kV Mộ Đức, đóng điện năm 1994; Trạm biến áp 35kV Biển Hồ, đóng điện năm 1994; Trạm biến áp 35kV Pleiku, đóng điện năm 1994; Đường dây 35kV Di Linh – Biển Hồ - Kon Tum và TBA 35kV Kon Tum, đóng điện năm 1994; Đường dây 35kV Pleiku – Chư Sê và Trạm biến áp 35kV Chư Sê, đóng điện năm 1994…

 

Thanh Mai