Trong những năm qua, EVNNPT xác định vấn đề bảo đảm nguồn vốn cho phát triển lưới điện truyền tải là vô cùng quan trọng cho phát triển bền vững của EVNNPT.
EVNNPT ra đời, thể hiện tính chủ động, quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của Điện lực Việt Nam trong việc từng bước tái cơ cấu ngành Điện, trong đó mục tiêu của EVNNPT là đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam. Vì vậy, vấn đề bảo đảm nguồn vốn cho phát triển lưới điện truyền tải là vô cùng quan trọng cho phát triển bền vững của EVNNPT.
Vượt qua thách thức
Ở vào thời điểm mới thành lập, EVNNPT đã phải đối mặt với thử thách cam go về nguồn vốn do ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu; sự thay đổi chính sách của Nhà nước để chống lạm phát đang ở mức rất cao; tình trạng quá tải của lưới điện truyền tải khi khả năng truyền dẫn của lưới điện luôn thấp hơn công suất nguồn điện cũng như tăng trưởng phụ tải. Thiếu vốn đầu tư ở vào thời điểm này không chỉ cho đầu tư phát triển lưới điện mà cho cả vận hành dẫn đến EVNNPT gặp rất nhiều khó khăn trong công tác sản xuất kinh doanh, hàng loạt công trình lưới điện truyền tải có nguy cơ bị chậm tiến độ. Vốn lúc này chính là “nút thắt” trọng yếu phải tháo gỡ.
Tại thời điểm cuối năm 2008, tổng tài sản của EVNNPT chỉ có 26.796 tỷ VNĐ, vốn điều lệ chỉ có 7.200 tỷ đồng. Vốn khấu hao 2.200 tỷ đồng/năm, chỉ đảm bảo cho trả nợ gốc và lãi vay, EVNNPT không đủ vốn đối ứng cho đầu tư phát triển. Đến cuối năm 2011 hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng cao, đạt 4,73 lần, nếu tính cả lỗ chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ được vào giá thành thì hệ số này lên đến 8,77 lần, vượt xa quy định là dưới 3 lần.
Thách thức về thu xếp vốn đối với EVNNPT còn phải lưu ý đến lựa chọn công nghệ truyền tải. Đầu tư theo chiều sâu bằng công nghệ hiện đại, năng suất lao động cao, nhưng phải có bước đi thích hợp, không chỉ tương thích với kết cấu hạ tầng của lưới điện với phương thức vận hành truyền thống, mà còn không làm ảnh hưởng đột biến tới giá điện chung.
Đối mặt với những khó khăn, thách thức trên, tập thể Lãnh đạo và CBCNV EVNNPT đã nỗ lực từng bước tháo gỡ khó khăn bằng các giải pháp thực hiện cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch hàng năm và trung hạn, phân bổ hợp lý vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên; tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết; chỉ đạo các đơn vị khẩn trương lập dự án, sớm đưa công trình vào triển khai; đẩy nhanh tiến độ thanh quyết toán các công trình; rà soát, đánh giá và sửa đổi, bổ sung quy chế phân cấp quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư phù hợp với tình hình thực tế; tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt với các giải pháp huy động vốn, đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để tăng năng lực tài chính của EVNNPT như tăng vốn điều lệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong EVNNPT.
EVNNPT đã chủ động thu xếp nhiều nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài.
Nhờ vậy, sau 15 năm thành lập (2008 – 2023), năng lực tài chính của EVNNPT đã được nâng cao, lưới điện truyền tải đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và ngày càng được nâng cao về chất lượng, công nghệ. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của EVNNPT đã đạt 83.519 tỷ đồng (tăng 3,12 lần so với thời điểm thành lập), vốn điều lệ đã đạt 25.013 tỷ đồng (tăng 3,47 lần), EVNNPT đã quản lý vận hành 28.882 km đường dây truyền tải điện (10.118 km đường dây 500 kV, 18.764 km đường dây 220 kV), tăng 2,6 lần so với ngày đầu thành lập, tổng dung lượng máy biến áp là 120.125 MVA (46.650 MVA dung lượng MBA 500 kV, 69.375 MVA dung lượng MBA 220 kV, 4.100 MVA dung lượng MBA 110 kV), tăng 3,34 lần so với ngày đầu thành lập.
Hệ thống truyền tải điện Quốc gia đã vươn tới các tỉnh, thành phố trong cả nước và kết nối với lưới điện truyền tải điện các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại, như: Các đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm 220kV, trạm GIS 220kV, trạm biến áp không người trực, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online, hệ thống SCADA…
Sau 4 năm đầu thành lập hầu như không có lợi nhuận thì bắt đầu từ năm 2012, hoạt động của EVNNPT đã có lợi nhuận, năm sau cao hơn năm trước, từ đó góp phần trích lập các quỹ cho đầu tư phát triển và cải thiện đời sống của CBCNV, các chỉ tiêu tài chính cũng dần được cải thiện, đáp ứng các yêu cầu theo quy định hiện hành và các yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn. Qua các năm, hệ số bảo toàn vốn luôn lớn hơn 1 lần; khả năng thanh toán ngắn hạn luôn lớn hơn 1 lần; Hệ số nợ phải trả trên vốn sở hữu luôn nhỏ hơn 3 lần, tỷ lệ tự đầu tư luôn đạt trên 30%.
Đến nay, hệ thống điện truyền tải do EVNNPT quản lý đã đứng thứ 3 trong các nước ASEAN; đứng thứ 8/12 tổ chức truyền tải điện của châu Á về chiều dài đường dây; đứng thứ tư các nước ASEAN và đứng thứ 11/24 tổ chức truyền tải điện của Châu Á về dung lượng máy biến áp.
Chủ động xây dựng kế hoạch vay vốn dài hạn
Việc thu xếp đủ vốn giúp EVNNPT hoàn thành tiến độ các công trình truyền tải điện được giao.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), EVNNPT được giao nhiều dự án quan trọng về phát triển lưới điện truyền tải, trong đó có nhiều công trình cấp điện cho miền Nam, công trình giải tỏa công suất các nhà máy điện. Theo đó, bình quân hàng năm, EVNNPT phải đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng cho phát triển lưới điện truyền tải quốc gia. Để thực hiện nhiệm vụ đó, EVNNPT đã tích cực chủ động tìm kiếm, làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để thu xếp vốn cho các dự án. Tuy nhiên, công tác thu xếp vốn của EVNNPT gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi trong suốt một thời gian dài, giá truyền tải điện chỉ đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất hợp lý tối thiểu, không đủ lợi nhuận để đầu tư phát triển. Do đó, EVNNPT không đủ vốn đối ứng để tham gia các dự án lưới điện truyền tải dẫn đến tài sản của EVNNPT chủ yếu hình thành từ vốn vay, khả năng tự chủ về tài chính thấp. Chính vì vậy, EVNNPT gặp phải khó khăn khi các ngân hàng yêu cầu chứng minh nguồn vốn tự có của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài có thời gian đàm phán kéo dài và để giải ngân được nguồn vốn này (trung bình 20 tháng làm thủ tục) thì phải hoàn thiện nhiều thủ tục vay chặt chẽ, liên quan đến sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, do đó đối với các dự án cấp bách khó sử dụng nguồn vốn này.
Đứng trước tình hình này, EVNNPT đã chủ động vận động, thuyết phục và xây dựng kế hoạch vay vốn dài hạn với các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn vay ODA có ưu điểm là thời gian vay dài, lãi suất thấp cho các dự án lưới điện truyền tải; triển khai các hình thức thu xếp vốn nhanh gọn về về thủ tục và yêu cầu của phía cho vay. Kết quả, EVNNPT đã có được nhiều nhà tài trợ uy tín trên thế giới như: Ngân hàng thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW; Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Ngoài ra công tác vay vốn nước ngoài theo hình thức Nexi untied cũng được EVNNPT triển khai thực hiện. Lũy kế 15 năm, tổng giá ký kết cho vay từ các nguồn vốn nước ngoài này đạt gần 3 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng đầu tư của EVNNPT cho hệ thống truyền tải điện giai đoạn 2008 - 2022.
Đối với nguồn vốn vay trong nước, trong 15 năm qua EVNNPT đã ký hợp đồng vay vốn cho gần 300 dự án với tổng giá trị 53.800 tỷ đồng, đáp ứng kịp thời đủ vốn và đảm bảo tiến độ cho dự án. Trong công tác thu xếp vốn, EVNNPT luôn là đơn vị đi đầu trong EVN trong triển khai công tác thu xếp vốn như: Năm 2014 phát hành thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất huy động thấp; triển khai công tác xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp; triển khai công tác thu xếp vốn vay nước ngoài theo hình thức không có bảo lãnh Chính phủ.
Để đảm bảo cho kế hoạch đầu tư giai đoạn 2023-2025 cũng như giai đoạn sau 2025 thì giai đoạn 2023-2025 EVNNPT có kế hoạch thu xếp vốn cho 171 dự án với tổng mức đầu tư là 166,8 nghìn tỷ đồng, giá trị thu xếp vốn vay là 103,3 nghìn tỷ đồng. Với khối lượng thu xếp vốn như vậy, EVNNPT sẽ tiếp tục vận động và sử dụng nguồn vốn vay ODA từ các nhà tài trợ truyền thống, vốn vay ưu đãi nước ngoài với lãi suất thấp; duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức tín dụng đa phương, song phương truyền thống của EVNNPT; đa dạng hóa các hình thức thu xếp vốn trong đó có hình thức vay nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ; đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành trong việc xác định thẩm quyền phê duyệt các khoản vay nước ngoài của EVNNPT; cải cách các thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian thu xếp, hoàn thiện và ký kết các thỏa thuận hợp tác, hiệp định vay... nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và tăng hiệu quả dự án; xây dựng và trình duyệt giá truyền tải điện có lợi nhuận hợp lý để tăng năng lực đầu tư lưới truyền tải điện.
Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, EVNNPT đảm bảo sẽ thu xếp đủ vốn cho phát triển lưới truyền tải điện trong thời gian tới, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đảng, Chính phủ và EVN giao.