Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và quy mô
Từ con số 0, chỉ sau vài năm, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kinh ngạc. Thông tin từ ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tại “Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020: Phát triển năng lượng sạch – Xu thế và thách thức”, hiện nay Việt Nam có 92 dự án điện mặt trời đã vào vận hành thương mại với tổng công suất hơn 4.693MW và có thêm 135 dự án được bổ sung vào quy hoạch với công suất 13.000MWp (khoảng 10.000MW).
Cùng với sự gia tăng về số lượng dự án, quy mô của mỗi dự án cũng tăng ấn tượng. Từ hai nhà máy điện mặt trời đầu tiên: Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân (Mộ Đức, Quảng Ngãi) công suất 19,2MW, Nhà máy điện mặt trời Tuy Phong (Tuy Phong, Bình Thuận) công suất 30MW, đến nay, hàng loạt dự án quy mô hàng trăm MW với trị giá hàng nghìn tỉ đồng đã và đang được xây dựng. Một số dự án điện năng lượng mặt trời quy mô lớn có thể kể đến như: cụm 3 nhà máy điện mặt trời công suất 330MW tại Phước Minh, Thuận Nam, Ninh Thuận; cụm công trình nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng – Tây Ninh (trong đó nhà máy Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 có tổng công suất 420MW, Dầu Tiếng 3 có công suất 150MW); tổ hợp điện gió và điện mặt trời Trung Nam (Ninh Thuận) tổng công suất 360MW; Nhà máy điện năng lượng mặt trời Hồng Phong 325MWp (Bình Thuận); cụm nhà máy điện mặt trời BIM (Ninh Thuận) tổng công suất 330MWp; dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ (Bình Định – đã khởi công xây dựng) tổng công suất 330MW…
Bên cạnh các nhà máy điện mặt trời, điện mặt trời áp mái cũng đang phát triển nhanh chóng, hiện chiếm 11% tổng công suất điện mặt trời trên lưới. Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế từ năm 2017 đến ngày 26/5/2020, trên cả nước đã có 27.996 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái, trong đó có 22.900 khách hàng hộ gia đình và 5.096 khách hàng doanh nghiệp, cho tổng công suất 578MW.
Thuận lợi song cũng nhiều thách thức
Sự phát triển vượt bậc của điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam vài năm qua là kết quả của sự tổng hòa nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi, xu thế phát triển của thế giới, một nguyên nhân chính thúc đẩy nhà đầu tư rót vốn vào các dự án điện mặt trời là chính sách khuyến khích của Nhà nước, đặc biệt là chính sách giá bán điện mặt trời (giá FIT và hiện tại là FIT 2).
Điện năng lượng mặt trời Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức đang đặt ra với các nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời. Chẳng hạn như, biểu giá điện mặt trời FIT 2 theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 nhưng thời hạn áp dụng chỉ đến ngày 31/12/2020. Để kịp thời hạn hưởng giá FIT 2, các nhà đầu tư phải “chạy đua” với thời gian, càng áp lực hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Hay sự đồng bộ giữa tốc độ triển khai các dự án điện mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung với sự phát triển của lưới điện quốc gia.
Tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, nhiều nhà đầu tư Việt cũng rất quan tâm đến thị trường năng lượng sạch do nhu cầu năng lượng điện trong nước rất cao (hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu hàng tỉ kWh và dự kiến sẽ thiếu khoảng 41,7 tỉ kWh trong giai đoạn 2021-2025). Nếu vượt qua được các thách thức trên, tin rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều dự án điện năng lượng mặt trời quy mô lớn được đầu tư, giúp phát triển ngành năng lượng tái tạo và giảm áp lực thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Link gốc