Hệ thống bơm nước năng lượng mặt trời dùng để tưới cho trang trại do Vũ Phong Solar thi công tại Đồng Nai
Từ những hệ thống quy mô nhỏ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt
Nếu cách đây khoảng chục năm, điện mặt trời hầu như còn xa lạ với đông đảo người dân thì vài năm trở lại đây, cùng sự tăng trưởng “nóng” của điện năng lượng mặt trời và sự phổ biến thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về nguồn năng lượng sạch này, số người quan tâm và đầu tư điện mặt trời đã tăng lên đáng kể. Hệ thống điện mặt trời “đua nhau” mọc lên trên mái nhà của các hộ gia đình, từ khu vực miền Nam quanh năm chan hòa ánh nắng – điều kiện cực kỳ thuận lợi để phát triển điện mặt trời – đến khu vực miền Bắc ít thuận lợi hơn do có tổng số giờ nắng thấp hơn; từ các hệ thống công suất nhỏ chỉ 3-5kWp chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt đến các hệ thống lớn hơn để vừa dùng vừa bán điện dư.
Ông Vũ Long tại Bạc Liêu – chia sẻ: “Đầu năm 2019, thấy một người bà con lắp đặt điện mặt trời hiệu quả, tôi cũng lắp hệ thống 3kWp. Lúc đó tôi nghĩ mình lắp như vậy là nhiều rồi, chủ yếu để đỡ tiền điện mỗi tháng thôi, dù gì mái nhà cũng bỏ không, đâu xài. Nhưng sử dụng rồi mới thấy nhiều lợi ích của điện mặt trời nên tôi quyết định lắp thêm gần hết mái, giờ công suất hệ thống là 10kWp. Nhà mát hơn, điện vừa dùng vừa bán, cũng là ủng hộ chính sách của Nhà nước”.
Điện năng lượng mặt trời phục vụ hoạt động sản xuất
Không chỉ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, nhiều người dân còn tận dụng nguồn năng lượng sạch vô tận để phục vụ hoạt động sản xuất. Các mô hình sử dụng điện năng lượng mặt trời cho hoạt động sản xuất khá đa dạng, như: hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái cung cấp điện cho các trang trại chăn nuôi gà, vịt…; điện mặt trời để chạy máy sục oxy, máy quạt nước bề mặt cho các ao nuôi tôm; máy bơm nước năng lượng mặt trời phục vụ công tác tưới tiêu cho các nông trại trồng trọt…
Hệ thống điện mặt trời tạo ra điện năng phục vụ hoạt động sản xuất, hạn chế lấy điện từ lưới điện quốc gia, giúp bà con tiết giảm chi phí điện, tăng thêm lợi nhuận. Ngoài ra, bà con còn có thêm một nguồn thu từ bán điện dư. Hiện nay, các mô hình lắp đặt điện mặt trời phục vụ sản xuất đang ngày càng được nhân rộng, không chỉ mang lại lợi ích cho người nông dân mà còn góp phần giảm áp lực điện cho địa phương.
Và thắp sáng những con đường quê
Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều địa phương triển khai lắp đèn đường năng lượng mặt trời, giúp người dân đi lại thuận tiện, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. Nhiều con đường liên thôn liên ấp, liên xã trước đây chưa được lắp hệ thống chiếu sáng, người dân rất e ngại việc đi lại vào buổi tối. Sau khi lắp các trạm đèn năng lượng mặt trời, bà con thoải mái an tâm đi lại.
Ông Võ Văn Lai (ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) kể: “Đoạn đường trước nhà tôi trước kia tối om, nay sáng choang nhờ có đèn. Bà con rất vui và an tâm. Cái thuận lợi nữa là đèn đường sử dụng bằng năng lượng mặt trời nên bà con không phải đóng tiền điện hàng tháng”. (Thông tin trích dẫn từ Báo Bạc Liêu)
Vũ Phong Solar cũng đã từng thi công lắp đặt nhiều công trình đèn đường năng lượng mặt trời, trạm sạc điện năng lượng mặt trời tại các tỉnh thành. Đèn năng lượng mặt trời có rất nhiều ưu điểm như: tuyệt đối an toàn; không cần đường dây điện kết nối các trụ; đèn LED có độ bền cao, chiếu sáng rộng hơn và sáng hơn; đèn hoạt động thông minh, có thể tự động bật vào ban đêm, tắt vào ban ngày nhờ cảm biến ánh sáng mặt trời hoặc tự động bật tắt vào giờ được cài đặt, có thể chủ động giảm ½ công suất để tiết kiệm điện khi không đủ điện…
Điện năng lượng mặt trời đang ngày càng trở nên thân thuộc với bà con nông dân. Đây là một điều đáng mừng vì nó chứng tỏ nguồn năng lượng tái tạo sạch, thân thiện với môi trường đã, đang được người dân đánh giá cao và đầu tư phát triển. Điều này cũng phù hợp với định hướng, chính sách của Nhà nước và xu hướng chung về phát triển năng lượng trên toàn cầu.
Link gốc