Sức bật sau khủng hoảng từ đầu tư bền vững

Thứ ba, 30/6/2020 | 15:04 GMT+7
Khi nền kinh tế gần như tê liệt vì đại dịch, ngành sản xuất thiết yếu như điện năng được Chính phủ sát sao chỉ đạo nhằm phục vụ cho an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội. 
suc bat sau khung hoang tu dau tu ben vung
Cụm nhà máy điện mặt trời của BIM tại Ninh Thuận sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm, phục vụ gần 200.000 hộ dân, giảm thải gần 304.400 tấn CO2 mỗi năm.

Lúc này, sách lược đầu tư vào năng lượng sạch của một số doanh nghiệp lớn đã cho thấy tầm nhìn dài hạn.

Năng lượng tái tạo là một ngành đầu tư bền vững, đang thu hút sự chú ý rất nhiều nhà đầu tư. Đây là xu hướng khách quan, đặc biệt phù hợp với các nước đang phát triển phải đối mặt với thực hiện tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, giảm thải khí nhà kính.
 
Năng lượng tái tạo tại Việt Nam được các nhà đầu tư quan tâm nhờ vào những lợi thế tự nhiên, cộng với sự phát triển của công nghệ cũng như chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này của Chính phủ. Theo khảo sát cuối năm 2019 của Grant Thorton, năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nhà nước, cũng như tư nhân trong và ngoài nước đã xúc tiến xây dựng nhiều dự án, đưa tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo được tăng lên nhanh chóng.
 
Ông Nguyễn Hải Vinh - Phó Tổng giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo BIM - cho biết: "BIM Group có chiến lược phát triển để trở thành nhà đầu tư hàng đầu về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Một trong những mảng kinh doanh lớn hiện nay của BIM Group là nông nghiệp thực phẩm. Đây là các ngành có thể kết hợp tương đối tốt với năng lượng tái tạo. Ví dụ chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện dự án điện gió trên đồng muối tại Ninh Thuận. Việc triển khai này sẽ đảm bảo tối ưu hóa được các nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng đất và các tài nguyên.”
 
Với công suất đã đưa vào hoạt động trên 330 MWp, BIM Group cũng là một trong các doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu sản xuất năng lượng sạch hiện nay cùng với Trung Nam, TTC, EVN, Công Lý và Sao Mai. Tổng công suất nguồn điện của các doanh nghiệp quốc nội này gồm điện mặt trời và điện gió là trên 2.300 MW. Trong đó, 2.164,52 MW điện mặt trời và 139,15 MW điện gió, chiếm 49% tổng công suất điện mặt trời, điện gió toàn quốc và chiếm 27,6% tổng nguồn năng lượng tái tạo.
 
Tại Diễn đàn “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức” tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: phát triển năng lượng sạch có vị trí đặc biệt quan trọng. Từ con số 0, đến nay điện mặt trời đã có công suất hơn 5.000 MW và điện gió gần 1.000 MW, góp phần giúp ngành năng lượng Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho năng lượng sản xuất kinh doanh, đời sống, đóng góp an ninh quốc phòng.
 
Khủng hoảng do đại dịch Covid-19 tạo ra phép thử đối với tất cả hệ thống. Tuy vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định về một sự hồi sinh nhưng là một trong những đất nước đầu tiên trên thế giới có thể mở cửa sau đại dịch, đón nhận dòng đầu tư từ nước ngoài, chúng ta nhìn thấy được hiệu quả từ việc ban hành các cơ chế, chính sách, cải cách môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư bền vững đối với nền kinh tế. Còn đối với doanh nghiệp, tầm nhìn nội tại khi đầu tư bền vững vào năng lượng tái tạo đang chứng tỏ là quyết sách đúng đắn.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương