AIG lỗ kỷ lục, Dow Jones mất mốc 7.000 điểm

Thứ ba, 3/3/2009 | 15:44 GMT+7
Ngày 2/3, Phố Wall lâm vào cảnh khốn khó với phiên bán tháo cổ phiếu trên diện rộng sau khi AIG công bố lỗ gần 62 tỷ USD.
Hôm thứ Hai, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ngành sản xuất trong tháng 2/2009 đã tăng lên 35,8 điểm - tăng cao hơn so với mức dự báo 33,8 điểm của giới phân tích, từ 33,6 điểm trong tháng 1/2009. Chỉ số này ở dưới ngưỡng 50 điểm thì được cho là tăng trưởng âm.
 
Trong ngày 2/3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 1/2009 đã tăng 0,6% - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2008, sau khi giảm 1% trong tháng 12/2008. Trong khi đó, thu nhập của người dân đã tăng 0,4% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 5/2008, sau khi giảm 0,2% trong tháng 12/2008.
 
Dow Jones mất mốc 7.000 điểm, S&P 500 về 700 điểm
 
Ngày 2/3, American International Group (AIG) đã công bố lỗ 61,7 tỷ USD, tương đương 22,95 USD/cổ phiếu trong quý 4/2008 - mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử. Tính trung bình, mỗi ngày AIG thua lỗ 679,2 triệu USD, tương đương với mức lỗ 7.757 USD/giây.
 
Như vậy, trong năm 2008, tập đoàn bảo hiểm đang hoạt động trên 130 quốc gia, AIG đã thua lỗ 99,29 tỷ USD. Cũng theo thông tin mới nhất, AIG đang tìm kiếm khoản hỗ trợ 30 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ, sau khi đã nhận hỗ trợ 150 tỷ USD từ ngân sách Mỹ.
 
Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu AIG vẫn đứng giá so với phiên trước đó, đạt 0,42 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường đạt 1,13 tỷ USD.
 
Liên quan đến ngành công nghiệp ôtô ở Mỹ, các hãng sản xuất ôtô vừa công bố doanh số bán xe trong tháng 2/2009 tại thị trường Mỹ giảm 9,57 triệu đơn vị, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982.
 
Theo ước tính, doanh số bán xe của General Motors, Ford, Chrysler có thể giảm trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh số bán xe của Toyota, Honda, Nissan có thể giảm từ 30-40%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu của General Motors (GM) đã giảm 10,67% xuống 2,01 USD/cổ phiếu, cổ phiếu của Ford hạ 6% xuống 1,88 USD/cổ phiếu.
 
Chứng khoán Mỹ lại xuống ngưỡng thấp nhất trong 12 năm qua do lo ngại về những điều tồi tệ hơn sẽ đến với hệ thống tài chính, sau khi AIG công bố mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hình của các doanh nghiệp Mỹ.
 
Chỉ số Dow Jones đã nhanh chóng xuyên thủng ngưỡng 7.000 điểm ngay từ khi thị trường mở cửa và khép lại ngày giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/1997.
 
Cả 30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones đều đồng loạt mất điểm, trong đó cổ phiếu McDonalds giảm ít nhất với 0,77% và cổ phiếu của Citigroup lại giảm mạnh nhất với biên độ 20%.
 
Trong khi đó, việc bán tháo cổ phiếu tài chính, năng lượng và công nghiệp cũng đẩy chỉ số S&P 500 có lúc xuống dưới 700 điểm trước khi khép lại ngày giao dịch ở ngưỡng 700 điểm.
 
Như vậy, kể từ đầu năm 2009 đến nay, chỉ số Dow Jones đã mất gần 23% và chỉ số S&P 500 giảm hơn 22%.
 
Lo ngại mức thua lỗ lớn của AIG sẽ tạo nên những hệ lụy theo sau, giới đầu tư đã ào ạt bán cổ phiếu khối tài chính khiến chỉ số S&P Tài chính mất 6,8%, trong đó cổ phiếu của Goldman Sachs hạ 5,3%, cổ phiếu của Morgan Stanley trượt 8,1%, cổ phiếu của Bank of America mất 8,1%, cổ phiếu của JPMorgan Chase trượt 7,4%, cổ phiếu của Wells Fargo xuống 10,41%...
 
Cổ phiếu khối năng lượng cũng sụt giảm mạnh sau khi giá dầu giảm 10,3%, trong đó cổ phiếu Chevron hạ 5,1%, cổ phiếu Exxon Mobil hạ 4,4%.
 
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 2/3: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 299,64 điểm, tương đương -4,24%, chốt ở mức 6.763,29.
 
Chỉ số Nasdaq phiên này mất 54,99 điểm, tương đương -3,99%, chốt ở mức 1.322,85.
 
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 34,27 điểm, tương đương -4,66%, đóng cửa ở mức 700,82.
 
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,98 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 15 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,31 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 8 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.
 
Chứng khoán châu Âu sụt giảm từ 3,5-5,3%
 
Ngày 2/3, Ngân hàng lớn nhất châu Âu, HSBC đã công bố việc phát hành 5,1 tỷ cổ phiếu với giá 254 pence/cổ phiếu, để thu về 12,5 tỷ Bảng Anh (17,7 tỷ USD) nhằm cân đối bảng kế toán, sau khi công bố lợi nhuận giảm hơn một nửa và nợ xấu đang gia tăng ở Mỹ.
 
Trước thông tin này, cổ phiếu của HSBC niêm yết tại thị trường Hồng Kông đã phải tạm ngừng giao dịch. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, cổ phiếu HSBC đã mất 18,8% giá trị.
 
Chứng khoán châu Âu đã giảm mạnh phiên đầu tuần vì sự sụt giảm của cổ phiếu khối ngân hàng, sau khi AIG công bố lỗ nặng và HSBC công bố phát hành cổ phiếu tăng vốn.
 
Chỉ số FTSEurofirst 300 của châu Âu đã giảm 5,2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2003.
 
Cổ phiếu khối ngân hàng và năng lượng đã dẫn đầu về biên độ giảm điểm, trong đó cổ phiếu Standard Chartered hạ 11,6%, cổ phiếu Lloyds trượt 15,3%, BNP Paribas mất 9,3%...; cổ phiếu các hãng năng lượng như BP, Royal Dutch Shell, BG Group, Tullow Oil, Total và StatoilHydro giảm từ 3,6-5,8%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE của Anh giảm 204,26 điểm, tương đương -5,33%, chốt ở mức 3.625,83. Khối lượng giao dịch đạt 2,1 tỷ cổ phiếu.
 
Chỉ số DAX của Đức hạ 3,48%, khối lượng giao dịch đạt 29 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 4,48%, khối lượng giao dịch đạt 187 triệu cổ phiếu.
 
Chứng khoán châu Á đồng loạt sụt giảm mạnh
 
Thông tin GDP của Mỹ đã giảm 6,2% trong quý 4/2008 đã tạo nên những lo ngại mới đối với giới đầu tư chứng khoán châu Á.
 
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Citigroup lên 36%, hay thông tin AIG đang cầu viện thêm 30 tỷ USD từ Chính phủ nước này, cũng tạo nên những lo ngại về triển vọng chung của khối ngân hàng châu Á.
 
Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã giảm 3,4% xuống còn 72,65 điểm, giảm 19% so với đầu năm 2009.
 
Các thị trường Hàn Quốc, Nhật, Hồng Kông, Singapore đều giảm trên 3,7% trong khi thị trường Trung Quốc dù lên điểm nhưng chỉ duy trì ở biên độ tăng 0,5%.
 
Đáng chú ý là cổ phiếu HSBC giao dịch tại Hồng Kông phải đã tạm ngừng giao dịch sau khi hãng công bố việc tăng vốn hơn gần 18 tỷ USD thông qua việc phát hành cổ phiếu và cắt giảm 6.100 việc làm.
 
Chứng khoán Nhật đã sụt giảm mạnh phiên đầu tuần của tháng 3. Cổ phiếu khối ngân hàng sụt giảm do lo ngại triển vọng u ám khối tài chính Mỹ, trong khi nhiều cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn cũng giảm điểm với biên độ lớn trước lo ngại về suy thoái trầm trọng của kinh tế Mỹ.
 
Chỉ số khối ngân hàng ở Nhật đã giảm 4,3%, trong đó cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group hạ 6,8%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group mất 5,7%, cổ phiếu Mizuho Financial Group giảm 3,7%.
 
Trong khi đó, cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn cũng mất điểm với biên độ lớn, trong đó cổ phiếu Toyota hạ 3,5%, cổ phiếu Honda trượt 3,1%, cổ phiếu Canon hạ 4,9%, cổ phiếu Sony xuống 0,5%.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 288,27 điểm, tương đương -3,81%, chốt ở mức 7.280,15. Khối lượng giao dịch đạt 1,7 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiển giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.
 
Chuyển qua thị trường khác, Bộ Kinh tế và Tri thức Hàn Quốc vừa cho biết, xuất khẩu của nước này trong tháng 2/2009 đã giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước, xuống 25,8 tỷ USD. Trong tháng 1/2009, xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 33,8%.
 
Trong tháng 2, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật giảm 19,4%, sang Mỹ giảm 2,5%, sang châu Âu giảm 5,7%. Ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 3,3%.
 
Nhập khẩu trong tháng 2 đã giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 22,6 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đạt 3,2 tỷ USD trong tháng 2/2009.
 
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số KOSPI đã sụt giảm 4,16% xuống 1.018,81.
 
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan mất 2,88%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 3,76%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 3,86%. Chỉ số BSE của Ấn Độ tăng xuống 2,81%. Chỉ số ASX của Australia giảm 2,82%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lên 0,51%.
Theo: VnEconomy