Tính cách người dân Cà Mau lại càng thân tình hơn, mang đậm nét của đồng bằng Nam Bộ: cần cù, hiền lành, phóng khoáng, cởi mở và giàu lòng mến khách. Là một tỉnh nằm cuối cực Nam của Tổ quốc, có vị trí địa lý với nhiều sông ngòi chằng chịt, dân cư ở thưa thớt, sinh sống không tập trung... Bên cạnh đó, đời sống dân cư ở mức độ thấp, còn nhiều hộ nghèo, từ đó công tác đầu tư phát triển điện gặp không ít khó khăn.
Với quyết tâm đưa điện đến vùng nông thôn “nhanh nhất, sớm nhất”, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vùng sâu, vùng xa. Nhiều công trình tuyến đường dây được xây dựng xuyên qua các khu rừng ngập mặn và đến nay toàn tỉnh đã phát triển được gần 87% số hộ dùng điện với trên 218.000 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Đến những người thợ điện Đất mũi, mới chứng kiến được nỗi gian nan của họ. Anh Nguyễn Minh Bằng, công nhân Tổ Điện Hòn Đá Bạc thuộc Chi nhánh điện Trần Văn Thời cho biết: Tổ điện chỉ có 5 công nhân, nhưng quản lý gần 150 km đường dây trung hạ thế và hơn 3.500 khách hàng, mọi hoạt động quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện, kinh doanh điện của Tổ đều phải nhờ đến 2 chiếc xuồng máy lưu thông trên các tuyến sông, rạch. Các anh em công nhân ngoài chuyên môn ra, đều phải biết điều khiển lái xuồng máy, tắc ráng.
Đến Tổ điện Đất Mũi thuộc Chi nhánh điện Ngọc Hiển, anh Lương Hoàng Giang - Tổ trưởng Tổ điện chia sẽ tâm sự: “Công nhân mỗi khi đi xử lý sự cố, duy nhất chỉ có sào cách điện là sình, đất không bám vào”. Với tuyến đường dây trung thế có những đoạn xuyên qua những khu rừng ngập mặn dài trên 5 km, mỗi lần xảy ra sự cố anh em công nhân phải luồn lách dọc theo khu rừng tối tăm, âm u, nhưng bằng mọi cách phải tái lập điện kịp thời cho người dân đất mũi và những khi thời tiết bất thường, bão, gió lốc... anh em công nhân phải đeo bám, ứng trực từng gốc trụ điện, chờ để tái lập điện.Nói về công tác quản lý vận hành lưới điện ông Huỳnh Hữu Quang - Phó Giám Đốc Điện lực Cà Mau cho biết: Là một tỉnh với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chiếm đến 80%, tuyến đường bộ chính Quốc lộ 1 dài hơn 60 km, việc sinh sống và đi lại của người dân ở đây hầu hết là phương tiện giao thông đường thủy, bởi giao thông không thuận tiện, thường xuyên gặp thiên tai: bão, gió lốc do gần khu vực biển, nên công tác quản lý vận hành lưới điện cũng gặp không ít khó khăn.
Trong những năm qua Điện lực Cà Mau luôn quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp lưới điện, từng bước chuẩn hóa dần và tăng cường thiết bị dây dẫn, đổi mới các thiết bị đóng cắt nhằm ngăn ngừa và cô lập các sự cố hiện hữu; tăng cường các thiết bị điều áp, tụ bù ứng động, để nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng. Thực hiện tốt công tác phát triển lưới điện, làm tốt công tác dịch vụ khách hàng, Điện lực Cà Mau đã không ngừng nâng cao uy tín của ngành điện, làm cho người dân thay đổi cách nhìn nhận khi nói đến phong cách phục vụ của ngành điện, thấu hiểu và đồng cảm cùng ngành điện trong những lúc khó khăn. Những tấm huân chương lao động: Hạng Ba năm 1995 và Hạng Nhì năm 2001, đó là minh chứng cho sự kiên trì, nổ lực, vượt khó phấn đấu vươn lên của những người thợ điện đất mũi thân yêu.
Chia tay Đất mũi thân yêu, nhìn đường dây điện trung thế giăng ngang, chạy dọc, để khi gió đông vào phát ra những bản nhạc hòa tấu thanh bình. Sóng biển êm ái vỗ vào bờ như lời ru non nước rất đổi tự hào mấy ngàn năm lịch sử. Đó chính là những con người thợ điện đất mũi kiên trung luôn vững vàng vượt lên mọi thử thách.