Nhìn khuôn mặt phúc hậu, nụ cười thật hiền, hiếm có người nào nghĩ rằng người phụ nữ gần 50 tuổi đã phải trải qua những tháng năm đầy gian nan, vất vả…
Chồng chị là công nhân quản lý vận hành của Điện lực Nghệ An, qua đời năm 1993 trong một vụ tai nạn giao thông, để lại chị với hai đứa con thơ dại. Khi lấy lại được thăng bằng sau cú sốc này cũng là lúc đứa con trai bé bỏng của chị rơi vào căn bệnh ngặt nghèo: Khớp tim. Với thu nhập ít ỏi của một nhân viên Sở Nông nghiệp, lại phải thường xuyên bế con đến bệnh viện, chị gần như kiệt quệ. Một thời gian sau đó, Điện lực Nghệ An mở rộng vòng tay nhân ái tiếp nhận chị vào làm việc, nối nghiệp người chồng quá cố. Mặc dù loại hình công việc khá mới mẻ ở một môi trường mới, nhưng với tấm bằng Trung cấp quản lý kinh tế, cộng vào đó là niềm say mê khám phá, không ngại gian khó, chị đã cố gắng học hỏi thêm ở đồng nghiệp và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hoàn cảnh éo le là vậy, nhưng chị vẫn tự nguyện đi thu tiền điện lưu động - một công việc hết sức vất vả, nguy hiểm. Nơi chị đến chính là mảnh đất chôn rau cắt rốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xã Kim Liên - Huyện Nam Đàn. Điểm thu tiền điện - một hội trường nhỏ mượn tạm của UBND xã nằm giữa đồng không mông quạnh, vắng vẻ, nguy cơ mất an ninh rất lớn. Không có két sắt, tiền điện thu được cất trong túi vải, chị phải rất cẩn thận. Chị từng tâm niệm: Phải lấy dân làm gốc, tạo mối quan hệ chặt chẽ với dân thì dân sẽ tạo điều kiện và bảo vệ cho mình.
Khách hàng của chị chủ yếu sống trên địa bàn nông thôn, sản lượng điện tiêu thụ ít nên cũng có khi họ sao nhãng việc nộp tiền. Một mình chị lại lặn lội tranh thủ xuống tận nhà dân, động viên khách hàng nộp tiền đúng hạn để quyết toán gọn trong tháng đó. Tiếp theo là khâu vận chuyển tiền thu được về nộp quỹ chi nhánh, nhưng chỉ đi bằng xe máy nên chị đã phải tìm ra nhiều mẹo giấu tiền bí mật và vận chuyển về đến chi nhánh một cách an toàn.
Năm 2004, Chi nhánh điện Nam Đàn được thành lập, với những kinh nghiệm tích luỹ được, chị lại là trụ cột chính trong công tác kinh doanh bán điện của chi nhánh điện non trẻ này.
Hai năm gần đây, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Điện lực Nghệ An “tất cả CBCNV đều kinh doanh viễn thông”, chị gánh vác thêm phần việc thu cước viễn thông. Nhờ có sự khéo léo, mềm mỏng, giao tiếp hòa nhã với khách hàng, chị luôn hoàn thành thu cước viễn thông đạt 100%. Trung bình mỗi tháng, tổng số tiền điện và cước viễn thông chị thu xấp xỉ hai trăm triệu đồng. Ngoài kỳ thu tiền, chị còn tranh thủ kiêm thêm việc kiểm tra lưới, ghi chỉ số công tơ...
Không chỉ giỏi giang trong công việc chuyên môn, chị còn là Tổ trưởng nữ công, uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn Chi nhánh năng nổ, nhiệt tình. Kết hợp cùng Công đoàn và Đoàn Thanh niên, chị đã định hướng cho tập thể Chi nhánh có những hoạt động bề nổi như phong trào văn nghệ, thể thao; quan tâm giúp đỡ những gia đình CBCNV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ có sự đóng góp của chị, Tổ nữ công gồm 20 chị em luôn đoàn kết và đạt danh hiệu là “Tổ nữ công xuất sắc”. Từ năm 2004 đến 2007, chị Nghĩa đều được Giám đốc và BCH Công đoàn Điện lực Nghệ An khen thưởng vì thành tích “Nữ CNVC giỏi việc nước, đảm việc nhà” và “thu ngân viên xuất sắc”.
Hiện tại, định kỳ hàng tháng chị vẫn phải đưa con trai đi chữa bệnh, nhưng tâm của chị không còn trĩu nặng, bởi cậu con trai đang chuẩn bị bước vào lớp 12 vượt lên bệnh tật, hằng năm đều đạt “Học sinh tiến tiến”. Cô con gái đầu không phụ lòng mẹ, đã trở thành sinh viên năm thứ hai Trường Cao đẳng Kinh tế Hà Nội.
Chị tâm sự: “Không chỉ riêng mình, mà tất cả thu ngân viên ngành Điện đều trải qua những khó khăn, trở ngại. Điện lực Nghệ An chính là mái ấm đã cưu mang gia đình tôi từ những ngày cơ cực nhất, bây giờ tôi muốn dành trọn tâm huyết của mình góp phần hoàn thành những chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của Điện lực Nghệ An”.