Sự kiện

Áp giá điện thị trường là hoàn toàn hợp lý

Thứ tư, 9/2/2011 | 14:49 GMT+7

Để tạo ra 1 USD (GDP) Việt Nam sử dụng hơn 1kWh điện, trong khi đó các nước trong khu vực chỉ sử dụng khoảng 0,2kWh điện.

Phải công nhận trong những năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng trong đầu tư phát triển điện nhưng so yêu cầu còn thiếu. Làm thế nào để đến năm 2015 đảm bảo huy động được 50.000 MW công suất điện phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà hiện nay chỉ huy động được khoảng 20.900 MW công suất.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại phiên trả lời chất vấn Đại biểu Quốc Hội trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã chỉ ra 5 nguyên nhân gây thiếu điện: vốn, vấn đề giải phóng mặt bằng, giá điện, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu, ý thức tiết kiệm điện của người dân.

Một trong những giải pháp đưa ra để khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay là Chính phủ cho áp giá điện theo giá thị trường. Vậy áp giá điện thị trường liệu có tác động mạnh đến mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính Phủ hay thực sự thúc đẩy ngành điện phát triển?

Áp giá điện thị trường là hoàn toàn hợp lý

Thứ nhất, về lạm phát: rõ ràng việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, tuy nhiên theo nhận xét của nhiều chuyên gia, việc tăng giá điện chỉ ảnh hưởng đến CPI một lần. Bởi lẽ, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì, giữ giá các dịch vụ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong thời gian dài, trợ giá kinh nhiên, đi theo vết xe đổ của nhiều quốc gia khác, đến một thời điểm ngân sách cạn kiệt, Ngân hàng nhà nước phải in tiền ra cho chính phủ để chính phủ trợ giá. Kết quả cuối cùng lạm phát còn cao hơn.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Chương trình đào tạo Chính sách công Fulbright: Nếu chúng ta điều chỉnh giá điện theo giá thị trường,và kết hợp với chính sách tiền tệ thắt chặt tác động tăng giá sẽ là tác động 1 lần.

Thứ 2, trong những năm trước chúng ta có thể nói là giá các dịch vụ hạ tầng thiết yếu của chúng ta bằng các nước trên thế giới, nhưng bây giờ giá điện của Việt Nam đã thấp hơn và không đủ trang trải.

Giá điện Việt Nam hiện nay là 5,2 cent bình quân (tính theo USD), so với các nước trong khu vực thì Thái Lan là 8,5 cent, Singapo là 13,5cent và Malaixia là 7,6 cent, Indonexia là 8 cent. Như vậy, giá điện Việt Nam hiện nay nằm trong nhóm các nước có giá thấp và chính sự không hấp dẫn của giá điện này làm cho việc huy động vốn cho các công trình đặc biệt là các công trình của tư nhân, kể cả trong và ngoài nước kém hấp dẫn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu vốn cho đầu tư.

Giá sản xuất điện ra 1Kw điện trung bình từ 7 đến 12 Cent, nhưng giá bán trung bình chỉ 5,2 Cent/kwh. Với giá bán điện này, các nhà sản xuất điện không thể bù đắp được chi phí, rất khó nói đến bài toán lãi. Do đó, rất khó cho các nhà đầu tư đầu tư vào sản xuất điện.

Nhiều ý kiến phản đối tăng giá điện cho rằng, ngành điện đang có lãi, tại sao phải tăng giá? Ở đây chúng ta phải công bằng mà nói, doanh nghiệp điện có lãi nhờ chi phí đầu tư, coi như không tính chi phí đầu tư, khấu hao đã hết. Doanh nghiệp ngành điện có lãi nhưng lãi giảm dần. Đây có thể xem là động cơ ngành điện không đầu tư, gây ra tình trạng thiếu điện.

Tăng giá điện sẽ tao ra cuộc cách mạng về đầu tư công nghệ máy móc?

Một trong 5 nguyên nhân thiếu điện, theo Phó Thủ tướng là về ý thức tiết kiệm cũng như trình độ công nghệ của Việt Nam khi sử dụng điện còn rất lạc hậu. CafeF đã có nhiều cuộc trao đổi và tìm hiểu, nhiều ý kiến cho rằng công nghệ là nguyên nhân gây ra lãng phí điện đến 90%. Theo tính toán của CafeF để tạo ra 1 USD (GDP) Việt Nam sử dụng hơn 1kwh điện, trong khi đó các nước trong khu vực chỉ sử dụng khoảng 0,2kwh điện để tạo ra 1 USD (GDP) – sử dụng số liệu của World Bank để tính toán.

Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Việt Nam đang sử dụng hơn 20% so với các nước trong khu vực về điện và năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP. Điều này thể hiện, trong những năm qua tỷ lệ đàn hồi giữa GDP và về nhu cầu điện Việt Nam thường tăng gấp 2 lần. Trong khi đó các quốc gia khác khoảng 1,1, quốc gia khác trong cùng trình độ phát triển của mình người ta cũng chỉ đến 1,6; 1,7.

Như vậy, hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam chưa tốt và ý thức tiết kiệm điện cũng chưa tốt. Rõ ràng trong điều kiện hiện nay nếu không tiết kiệm điện, không sử dụng điện một cách hiệu quả Việt Nam sẽ không đủ điện.

Việc áp giá điện theo thị trường, sẽ hạn chế người dân sử dụng điện, sử dụng điện vào những mục tiêu chưa thật sự cần thiết. Bởi nếu như hiện nay, người nghèo cũng đang dùng điện đáp ứng các nhu cầu như những người cực giàu có thể xem là một lãng phí. Đồng thời, giá điện tăng buộc các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng hơn.

Theo: CafeF