Công nhân EVNCPC bảo dưỡng lưới điện mặt trời trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo chuyên gia năng lượng - TS Nguyễn Thành Sơn, công nghệ sử dụng than sạch trên thế giới đã được ứng dụng nhiều thập niên trước. Nhiều nhà máy nhiệt điện than được Nga, Nhật xây dựng ngay trong các thành phố lớn. Các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường của Việt Nam được đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn cao của thế giới. Vấn đề là chúng ta có áp dụng hay không? Đầu tư công nghệ nào, tiêu chuẩn nào - phụ thuộc vào rất lớn vào trình độ và trách nhiệm của chủ đầu tư.
TS Nguyễn Thành Sơn cảnh báo, thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc thay thế công nghệ nhiệt điện đốt than thế hệ cũ (của một số nền kinh tế, trong đó có Trung Quốc) đang có làn sóng dịch chuyển theo hình thức đầu tư. Nếu không tỉnh táo, Việt Nam rất dễ rơi vào “bẫy” giá rẻ. Hậu quả của việc hồ hởi đón nhận công nghệ mía đường, hay hàng chục nhà máy xi măng lò đứng, hàng trăm lò cao gang thép thời gian qua vẫn đang rất thời sự và là cảnh báo nguy cơ tiếp tục trở thành “bải rác thải công nghiệp” cho Việt Nam.
Nhật Bản cách đây 20 năm đã đưa ra công nghệ đốt than, điều này làm lượng thải khí SO2, NOX thấp hẳn đi. Ngay tại Việt Nam, một số nhà máy nhiệt điện than đầu tư, sử dụng công nghệ lò sôi tuần hoàn (như nhà máy nhiệt điện Na Dương sử dụng công nghệ đốt than xấu nhất nhưng cho hiệu quả tốt nhất, cả về lợi ích kinh tế và môi trường hay nhà máy nhiệt điện Phả Lại đầu tư từ lâu nhưng cũng khá bài bản, đảm bảo.
Không chỉ lựa chọn công nghệ sản xuất điện, theo các chuyên gia đã đến lúc Việt Nam cần nghiêm khắc trong việc lựa chọn công nghệ sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm hơn - đó là nguyên tắc bắt buộc trong xây dựng chiến lược năng lượng quốc gia. Theo ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội, trong khi thế giới đang nỗ lực tìm các nguồn năng lượng sạch thay thế thì Việt Nam vẫn loay hoay với chuyện làm thế nào để đáp ứng năng lượng theo yêu cầu, đòi hỏi của nền kinh tế mà chưa nghĩ đến các giải pháp hữu hiệu hơn. Ông Phùng Văn Hùng cho rằng, nghĩ cách sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng quan trọng hơn coi trọng đầu tư bằng mọi giá.
"Chúng ta phải xây dựng một chiến lược năng lượng trong điều kiện công nghệ phát triển như vũ bão. Nên chăng chúng ta nghĩ đến sử dụng công nghệ trong việc sử dụng năng lượng, các cơ sở công nghiệp sử dụng tiết kiệm. Tổn thất của ta vẫn còn đang ở mức cao cũng là vấn đề đặt ra".
Mạnh mẽ hơn, TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng cho rằng, việc tính toán các kịch bản cung ứng năng lượng phải gắn với các kịch bản tăng trưởng kinh tế theo hướng tiêu dùng hiệu quả, cung cấp tới hạn chứ không phải đáp ứng bằng mọi giá, lấy năng lượng làm mục tiêu kêu gọi và thu hút đầu tư như hiện nay. Trong khi thủy điện đã tới hạn và khí hậu, thời tiết, biến đổi bất thường, việc đầu tư nhiệt điện than không chỉ vấn đề của công nghệ mà còn vấn đề của nguồn than. Sẽ nhập ở đâu với nhu cầu lên tới hàng trăm triệu tấn than và nhiều triệu tấn khí ? TS Đoàn Văn Bình khuyến nghị, hệ thống năng lượng phải được nhúng vào trong hệ thống kinh tế Việt Nam. Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đang đứng ở phía cung. Hiện nay cả nền kinh tế đang đè nặng lên ngành năng lượng. Nền kinh tế chỉ cần biết là năm nay, 5 năm tới phát triển kinh tế là 5% hay 7%, yêu cầu hết 200 triệu TOE năng lượng và yêu cầu là ngành năng lượng phải đáp ứng làm sao đủ 200 triệu TOE ấy. Tại sao chưa ai đặt vấn đề là ngành năng lượng giới hạn chỉ được 150 triệu TOE thôi, nền kinh tế phải lựa chọn thông minh như thế nào đó để có sự phát triển tốt nhất trong giới hạn nguồn cung chỉ có thế thôi. Trong bất cứ bài toán kinh tế nào người ta cũng phải đưa ra các ràng buộc, nhưng chúng ta có lẽ xét quá ít về sự ràng buộc của ngành năng lượng. Nếu tiếp tục nền kinh tế đè nặng như thế thì không thể nào đào bới đâu ra đủ năng lượng để đáp ứng cả. Tôi nghĩ tương lai của ngành năng lượng nếu cứ tiếp tục tiếp cận theo hướng như thế này thì tôi rất ít niềm tin là nó có thể thành công.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên một nguyên tắc thứ 3, hết sức quan trọng - quyết định căn bản việc lựa chọn công nghệ đầu tư, chất lượng đầu tư cũng như thay đổi ý thức tiêu dùng đó là phải tuân thủ nguyên tắc thị trường đối với vấn đề giá điện nói riêng và giá năng lượng nói chung.
"Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta chưa đưa được giá điện lên giá cạnh tranh? Đấy là bài toán tôi nghĩ là tới đây phải đặt trọng tâm để giải quyết? Vì sao? Nó phải có điểm tắc nghẽn về cơ chế ở trong này. Tại sao trong cấu trúc giá cả chúng ta tiến lên thị trường 30 năm rồi mà giá điện, giá năng lượng lại chưa thể cạnh tranh được ? Rõ ràng chúng ta phải tiếp cận bài toán chiến lược năng lượng từ góc độ thị trường chứ không đơn giản chỉ là từ góc độ thiết kế ra một hệ thống sản xuất hay trên một nền công nghệ nào đấy. Phải là cách tiếp cận thị trường".- TS Thiên quả quyết.
Theo tính toán của Bộ Công thương, nhu cầu năng lượng nói chung, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay khoảng (trên/dưới) 10%. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Mặc dù nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách theo 2 hướng tiếp cận là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, song yêu cầu đặt ra vẫn chưa thực hiện được.
Chúng tôi xin tóm lại 3 nguyên tắc căn bản theo khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế, đó là: Kiên quyết nói không với công nghệ lạc hậu trong đầu tư các dự án năng lượng; Nghiêm khắc trong việc lựa chọn công nghệ sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm; Và, phải tiếp cận bài toán chiến lược năng lượng từ góc độ thị trường - thay cho lời kết của loạt bài phân tích “Đi tìm giải pháp phát triển năng lượng quốc gia gắn với phát triển kinh tế và môi trường bền vững” tại đây !