Nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Sau khi Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua chủ trương dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (vào tháng 11/2016), Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) đã xác định Nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn này.
Có 3 lý do căn bản dẫn đến quyết định này. Lý do đầu tiên phải kể đến, đó là đảm bảo tính an toàn của hệ thống điện quốc gia trong việc đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng cho một đất nước đang phát triển gắn với việc vận hành an toàn của hệ thống. Khi nhu cầu sử dụng điện cho tăng trưởng kinh tế vẫn không ngừng tăng cao, việc đầu tư các nhà máy nhiệt điện than có công suất lớn để đáp ứng (lên tới hàng nghìn MW) dễ dàng hơn các nguồn năng lượng khác. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện năng lượng Việt Nam, nhiệt điện than đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bởi chi phí đầu tư hợp lý, quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa dễ dàng hơn các nguồn điện khác (như điện gió hay điện mặt trời). Giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản với Việt Nam trong giai đoạn này bởi rất khó tìm được nguồn thay thế hiệu quả hơn - khi mà các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác hết, khả năng mở rộng các nguồn thủy điện hiện hữu (như Hòa Bình, Ialy không nhiều), nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng cũng sẽ diễn ra sau 2025.
TS. Nguyễn Mạnh Hiến phân tích, nhiệt điện than 1 ngày có thể sản xuất liên tục 24/24h nhưng điện mặt trời thì chỉ khi nào có nắng mới có điện, mà nắng chỉ có ban ngày thôi. Miền Bắc có 2 mùa, mùa đông có khi cũng kém vì Nam bộ cũng không phải ngày nào cũng nắng, chỉ cần 1 đám mây che thì điện mặt trời cũng không thể sản xuất. Và như vậy người ta tính rằng hệ số mang tải của các nhà máy điện mặt trời chỉ là bằng 20%, các nhà máy điện gió là 30% - tức là khi làm việc được. Trong khi đó, hệ số mang tải của nhà máy nhiệt điện than là 70-80%. Tức là sản xuất lượng điện năng bao nhiêu – là bao nhiêu kWh đó của 1 nhà máy nhiệt điện thì cần 4 nhà máy điện mặt trời hoặc 3 nhà máy điện gió tương ứng cùng công suất. Thay vì xây dựng 1 nhà máy nhiệt điện thì phải xây dựng 4 nhà máy điện mặt trời hoặc 3 nhà máy điện gió. Dù rằng suất đầu tư cho 1 công suất nhà máy điện gió, điện mặt trời có thể rẻ hơn nhiệt điện than nhưng với số lượng 3-4 nhà máy như thế thì lượng tiền đầu tư rất là lớn.
Hiệu quả kinh tế chính là lý do quan trọng thứ 2 khi quyết định lựa chọn nhiệt điện than. Theo TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam, ngay cả các quốc gia có nền kinh tế phát triển (như Nhật Bản, Trung Quốc, Austraulia…) đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế.
TS Nghĩa phân tích, nhiệt điện than so với các nguồn điện khác chỉ thua thủy điện về giá điện thôi chứ đạt được tất cả yêu cầu. Lâu nay người ta thường lo lắng về nhiệt điện than chẳng qua là vì nghĩ đến chuyện môi trường. Chúng tôi cho rằng, đấy không phải là vấn đề mấu chốt để chúng ta ngại nhiệt điện than. Bởi vì hiện nay, tổng sản lượng điện của thế giới thì nhiệt điện than vẫn chiếm trên 40%. Những nước lớn mà sản xuất nhiều điện như Úc tới 70% - mà 70% là của tổng sản lượng của người ta rất lớn, chứ chúng ta còn bé hơn rất nhiều. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng những lo ngại về nhiệt điện than thì có lẽ chúng ta phải bàn thêm, nhưng việc dùng nhiệt điện than chủ yếu cho QH điện 7 điều chỉnh là điều hết sức hợp lý và cũng không còn khả năng khác để mà đóng góp cho nhu cầu điện.
Yếu tố thứ 3 - hết sức quan trọng, nó bao hàm cả 2 lý do đã nêu cộng với nút thắt trong đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường - đó là giá điện. Theo các chuyên gia, việc sử dụng giá điện làm công cụ để điều tiết thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đã không chỉ dẫn đến sự “bao cấp” trong vấn đề giá điện, gia tăng đầu tư các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ không thân thiện với môi trường và tiếp tục tiêu dùng lãng phí, không hiệu quả các nguồn năng lượng, cũng khó kêu gọi đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới. Ông Phương Hoàng Kim - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương đơn cử, Chính phủ vừa có quyết định mua điện mặt trời với giá 9,35 cent/kWh, so với giá điện bán ra bình quân hiện nay là 7,3 cent/kWh thì Nhà nước đang phải bù lỗ khoảng 2 cent/kWh.
"Hiện tại, chúng ta đang có nguồn thủy điện giá rẻ để bù, nhưng nguồn thủy điện hết rồi trong khi cơ cấu nguồn điện ngày càng phát triển. Ngoài ra, điện gió, điện mặt trời mang tính không ổn định, trong khi hệ thống mang tính ổn định. Khi phát triển nguồn điện tái tạo thì yêu cầu về tính ổn định của hệ thống phải đặt ra, vấn đề đấu nối như thế nào để an toàn cho hệ thống cũng phải nghiên cứu"- ông Kim cho biết.
Hơn 40% lượng điện của thế giới vẫn đang được sản xuất từ nhiệt điện than, và không chỉ Việt Nam, nhiệt điện than vẫn đang là lựa chọn của nhiều quốc gia, trong đó các quốc gia láng giềng có tỷ lệ sử dụng nhiệt điện than lớn như Trung Quốc (hơn 43%), Australia và Ấn Độ (gần 70%). Hay như Nhật Bản, với tiềm lực về vốn và công nghệ, mặc dù nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, giảm đầu tư điện hạt nhân, song, tỷ lệ nhiệt điện than vẫn được cơ cấu khoảng 26% trong hệ thống điện của nước này vào năm 2030.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam làm gì để đảm bảo môi trường khi phát triển nhiệt điện than ? Theo các chuyên gia kinh tế, nhiệt điện than có 3 nguồn chất thải cơ bản, đó là chất thải rắn, chất thải khí và chất thải lỏng. Tất cả các nguồn thải này hiện nay đã có công nghệ để xử lý, vấn đề chúng ta lựa chọn công nghệ nào ? Những cảnh báo về việc Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo và hàng loạt nhà máy nhiệt điện than công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu đã khai thác từ hàng chục năm đang được thay thế bằng công nghệ sản xuất than sạch có nguy cơ tràn vào Việt Nam không phải là không có cơ sở. “Cần một quyết tâm chính trị trong chính sách năng lượng ở Việt Nam” – là nội dung phần 3 của loạt bài viết này. Mời các bạn quan tâm theo dõi.
(Còn tiếp)