Sự kiện

Bảo đảm đủ nguồn điện cho Thủ đô

Thứ hai, 15/3/2010 | 08:44 GMT+7

Nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn điện ổn định, an toàn cho Thủ đô trong năm 2010, đặc biệt là Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đang tập trung đầu tư, cải tạo và nâng công suất các công trình điện.

Lưới truyền tải quốc gia ổn định

Thi công, cải tạo hệ thống đường dây ở Chương Mỹ, Hà Nội.
Công ty Truyền tải điện 1 (Tổng công ty truyền tải điện quốc gia - NPT) có nhiệm vụ quản lý và vận hành các trạm biến áp và hệ thống đường dây truyền tải quốc gia (220 kV-500 kV) từ Hà Tĩnh trở ra. Trên địa bàn Hà Nội, Công ty quản lý 4 trạm biến áp (TBA) 220 kV (Chèm, Mai Ðộng, Hà Ðông, Sóc Sơn) và 1 TBA 500 kV Thường Tín. Trong các đợt nắng nóng tháng 6-2009, phụ tải tăng đột biến khiến các TBA 220 kV này bị quá tải 21%, thậm chí có máy biến áp quá tải 42%. Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 Vũ Ngọc Minh cho biết, trong khi một số TBA 220 kV mới chưa được xây dựng và vận hành thì giải pháp khả thi đáp ứng nhu cầu và bảo đảm ổn định nguồn, chống quá tải nguồn điện cho Thủ đô trong năm 2010 là cải tạo và nâng công suất các trạm 220 kV hiện có.

Cuối năm 2009, thực hiện chỉ đạo của EVN, công ty đã khẩn trương điều động vật tư dự trữ chiến lược và điều chuyển thiết bị về Hà Nội để cải tạo, nâng công suất ba TBA Chèm, Mai Ðộng và Hà Ðông, với tổng mức đầu tư khoảng 247 tỷ đồng. Trong đó trạm Chèm và Hà Ðông đã được lắp thêm các máy biến áp 220 kV - 250 MVA, đóng điện cuối tháng 12-2009. Hiện công ty đang tập trung thi công nâng công suất trạm Mai Ðộng. Dự kiến lô thiết bị cuối cùng về đến chân công trình vào 25-4 tới, sau đó công ty tập trung thi công khẩn trương để đầu tháng 5 tới đóng điện. Việc mua thiết bị máy biến áp không hề đơn giản: từ lúc ký hợp đồng đến khi thiết bị về (máy biến áp chính, máy cắt điện, dao cách ly, máy biến dòng điện, điều khiển bảo vệ, ngăn lộ đi theo...) cũng mất sáu tháng. Sau khi hoàn thành nâng cấp, tổng công suất bốn trạm 220 kV của Hà Nội đạt 2.500 MVA, tăng 750 MVA so trước khi cải tạo. Ðể thi công các công trình này, công ty phải phối hợp các đơn vị điều độ ngành điện tính toán để giảm thời gian cắt điện, do vậy, việc thi công chủ yếu vào ban đêm. Phó Giám đốc Vũ Ngọc Minh khẳng định, với sự đầu tư như trên, tổng công suất các TBA 220 kV của Hà Nội đã tăng hơn 50%, nguồn cung ứng điện cho Hà Nội từ lưới truyền tải quốc gia trong mùa nắng nóng này sẽ không bị quá tải.


 
Điện lực Hoàn Kiếm kiểm tra thiết bị, bảo đảm cung ứng điện ổn định và an toàn.

Chạy đua với thời gian

Ðể đồng bộ với lưới truyền tải quốc gia, ngay từ năm 2009 Công ty Ðiện lực TP Hà Nội đã tập trung đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa hàng loạt công trình trạm điện, đường dây, máy biến áp..., nhằm bảo đảm cung ứng ổn định điện cho khách hàng, phục vụ các sự kiện lớn trong năm, đặc biệt là Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Theo dự báo, tăng trưởng sản lượng của các phụ tải Hà Nội sẽ đạt khoảng 17,5%, công suất lớn nhất (Pmax) có thể đạt khoảng 1.850 MW, tăng 14% so năm 2009.

Năm 2009, công ty thực hiện cải tạo, xây dựng mới các công trình 110 kV, đường dây trung thế và đầu tư xây dựng mới 420 TBA và nâng công suất 359 TBA chống quá tải với tổng mức thực hiện 837,7 tỷ đồng. Trong đó, công ty triển khai thi công chín công trình lưới điện 110 kV, hoàn thành bốn công trình TBA 110 kV E1-E9, xây dựng mới TBA 110 kV Văn Quán, nâng công suất 2 TBA 110 kV Ðông Anh và E2. Một trong những công trình nằm trong kế hoạch chống quá tải lưới điện Thủ đô giai đoạn 2009-2010 đã được công ty hoàn thành vượt tiến độ là hoán chuyển máy biến áp 40 MVA tại TBA E1.8 và máy biến áp 63 MVA tại TBA E1.20; di chuyển tụ bù 110 kV 40 MVAR từ TBA 220 kV Thái Nguyên về lắp đặt tại TBA E1.1. Ðối với lưới điện trung thế, công ty đã triển khai thi công 716 công trình, trong đó đã hoàn thành 521 công trình với 249 km đường dây 35 và 22 kV, hạ ngầm 43 km cáp trung thế, 863 máy biến áp với tổng dung lượng 387.750 kVA, 336 đường trục hạ thế. Dịp Tết Canh Dần vừa qua, các đơn vị công ty đã đồng loạt ra quân trên toàn thành phố để xây mới, cải tạo, sửa chữa hệ thống các công trình và hệ thống lưới điện theo kế hoạch thi công nhanh hoàn thành trong tháng 3 như: nâng áp đường dây 676 Văn Quán từ 6 kV lên 22 kV; thay tủ hạ thế nâng công suất chống quá tải hè ở TBA Giảng Võ 15; san tải TBA T6 Ðại Kim sang TBA Ðịnh Công 9; nâng công suất tủ hạ thế TBA B24 Nam Thành Công... Từ đầu năm đến nay, đơn vị cũng đã tiến hành thay dây siêu nhiệt cho một số hệ thống đường dây như 110 kV lộ 171-172 Chèm đi Hà Ðông, bảo đảm tăng công suất lưới truyền tải.

Năm nay, tổng mức đầu tư cho các dự án, chương trình xây dựng, cải tạo, nâng công suất các công trình điện của công ty năm 2010 vào khoảng 1.014,7 tỷ đồng. Trong đó, công ty đang dồn sức thi công bốn công trình xây mới, cải tạo và mở rộng TBA 110 kV Văn Ðiển, Gia Lâm, Thường Tín (cả nhánh rẽ) và Văn Quán, phấn đấu tháng 9-2010 hoàn thành và đóng điện, thiết thực phục vụ và chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Khó khăn về mặt bằng

Với những nỗ lực trên, về cơ bản, ngành điện có thể bảo đảm cung ứng ổn định cho các phụ tải trong năm 2010, song về lâu dài, hệ thống lưới điện Hà Nội vẫn còn nhiều điều lo ngại nếu chính quyền các cấp không quyết liệt chỉ đạo. Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 Vũ Ngọc Minh cho rằng, theo quy hoạch, Hà Nội cần có thêm các TBA 220 kV Thành Công, An Dương và Vân Trì thì mới bảo đảm ổn định nguồn điện cho Hà Nội trong những năm tới. Việc đầu tư một trạm đòi hỏi nhiều thời gian và vốn lớn (khoảng 200 tỷ đồng/trạm). Nhưng các dự án này hầu hết chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng xây dựng trạm và tuyến đường dây.

Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực TP Hà Nội Bùi Duy Dụng cho biết: Hiện quỹ đất của thành phố rất ít, nên quá trình thỏa thuận vị trí trạm và tuyến đường dây gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp chủ đầu tư phải tìm nhiều vị trí khác nhau mới chọn được vị trí chính thức để triển khai dự án, thậm chí có vị trí không đúng với tổng sơ đồ lưới điện đã được phê duyệt, phải xin điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, ảnh hưởng tiến độ công trình.  Ðiển hình là hai dự án TBA 110 kV Linh Ðàm và Trôi đang gặp khó khăn về mặt bằng. Khu đô thị Linh Ðàm với nhiều nhà cao tầng, phụ tải rất lớn và đang tăng nhanh, quy hoạch đã được phê duyệt, song đến nay, đất sạch xây dựng trạm (hơn 2.500 m2) ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, vẫn chưa có, khu đô thị Linh Ðàm vẫn dùng điện "ké" từ TBA 110 kV Văn Ðiển. Nếu hè này, nắng nóng kéo dài, công suất phụ tải ở đây tăng đột biến thì chuyện quá tải không tránh khỏi. Ðến nay, chưa hộ dân nào trong phạm vi mặt bằng dự án chịu nhận tiền đền bù vì họ đòi tính giá bồi thường theo Nghị định 69/2009/NÐ-CP và Quyết định 108/2009/QÐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Do vậy, chính quyền địa phương vẫn "bó tay", chưa có phương án giải quyết trong khi nguồn vốn đầu tư công trình được vay từ vốn của JBIC (Nhật Bản) đến nay đã quá thời hạn giải ngân. Còn TBA 110 kV Trôi (Ðan Phượng) thì đã xây dựng xong, nhưng nhánh rẽ vào trạm là tuyến đường dây dài 4,2 km với 19 vị trí cột chưa được thi công do hướng tuyến đi qua khu đô thị Tân Lập, mà khu này chưa được giao đất cho chủ đầu tư, hơn nữa đường dây lúc thì được phê duyệt đi ngầm, lúc thì đi nổi, nên mất thời gian thay đổi thiết kế. Chưa biết bao giờ đường dây này mới được triển khai mặc dù đơn vị đã có nhiều văn bản đề nghị với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan sớm giải quyết. Nếu TBA 110 kV Trôi chưa được vận hành thì việc cấp điện cho các huyện Quốc Oai, Ðan Phượng và Thạch Thất vẫn có nguy cơ quá tải, nhất là khi dọc quốc lộ 32 đang mọc lên nhiều khu đô thị lớn. Do khó khăn về mặt bằng nên Công ty Ðiện lực TP Hà Nội buộc phải lựa chọn loại dây siêu nhiệt để thay thế một số tuyến dây bởi nếu muốn đầu tư, thay hệ thống dây truyền tải có tiết diện lớn hơn thì phải thay cột lớn hơn, đòi hỏi mặt bằng lớn hơn, phức tạp về các thủ tục.

Ðể hệ thống lưới điện Hà Nội ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất ngày một cao, UBND thành phố Hà Nội và các cấp chính quyền cần chỉ đạo quyết liệt để các dự án nói trên của ngành điện có mặt bằng sạch để triển khai đúng tiến độ.

Theo: Nhân dân