Sự kiện

Thực hiện Quy hoạch Điện VI: Ngành Điện đã phát triển vượt bậc

Thứ hai, 1/3/2010 | 11:16 GMT+7

Đây là nhận xét trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VI (phiên họp thứ 7). Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước, ông Thái Phụng Nê - Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, các Tổng công ty Lắp máy, Sông Đà.


 
Trong 2 năm qua, EVN đã đưa vào vận hành 12 tổ máy thuộc 8 dự án nguồn, với tổng công suất 1.806 MW

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, Quy hoạch điện VI trong những năm qua đã được các Tập đoàn, các Tổng công ty nỗ lực triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI và các Bộ đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thực hiện và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. 2 năm gần đây, ngành Điện đã nỗ lực vượt bậc trong việc thực hiện Quy hoạch điện VI, mỗi năm đã đưa vào khoảng 3.000 MW công suất điện mới, mùa khô 2009 không phải cắt điện do thiếu nguồn. Trong 2 năm qua, do khủng hoảng kinh tế, việc thu xếp vốn mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song EVN đã rất nỗ lực trong mọi hoạt động (từ thu xếp vốn, nâng cao năng lực quản lý, đầu tư…) để đưa vào vận hành 12 tổ máy thuộc 8 dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư và chiếm cổ phần chi phối với tổng công suất 1.806 MW, gấp 2,12 lần so với năm 2008. Hoàn thành đóng điện 130 công trình lưới điện truyền tải với tổng chiều dài 1.104 km và tổng công suất các trạm biến áp 5.433 MVA. Một số công trình do EVN là chủ đầu tư đã được thực hiện đúng tiến độ như Thủy điện (TĐ) Sông Ba Hạ (92x110MW), TĐ Plei Krông (2x50MW), Nhiệt điện Ô Môn 1 (tổ 1x330MW), TĐ Buôn Kuốp (2x140MW), TĐ Sê San 4 (3x120MW)... Riêng công trình trọng điểm quốc gia là Thủy điện Sơn La, tháng 5/2010 sẽ tích nước hồ chứa và dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2010. Bên cạnh đó EVN cũng hoàn thành đóng điện các công trình 220 – 500 kV, như: 5 công trình 500 kV, 44 công trình 220 kV, đặc biệt là các ĐZ 500 kV Quảng Ninh-Thường Tín, Nhà Bè – Ô Môn, máy 2 Trạm 500 kV Plei Ku đã được đưa vào vận hành đảm bảo điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thêm 14 dự án điện vào vận hành năm 2010

Dự kiến năm 2010, nguồn điện đạt khoảng 63% tổng công suất phê duyệt, lưới điện truyền tải thực hiện thấp hơn, chỉ đạt khoảng 50%, hiện tượng quá tải trong lưới điện truyền tải vẫn chưa được khắc phục. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, nguyên nhân chính bị chậm tiến độ là do năng lực hạn chế từ chủ đầu tư cho đến nhà thầu, tư vấn; về cơ chế chính sách trong chuẩn bị đầu tư và đầu tư cũng còn những bất cập. Công tác chạy thử, hiệu chỉnh các dự án nhiệt điện thường bị kéo dài hơn nhiều so với dự kiến, nhất là các nhà máy nhiệt điện đốt than khu vực miền Bắc.

Trong giai đoạn hiện nay, an ninh năng lượng vẫn là một trong những thách thức lớn của đất nước, có thể xuất hiện nguy cơ thiếu điện trong những năm tới nếu không có các giải pháp khắc phục kịp thời. Trong đó, cần giải quyết được 3 vấn đề cơ bản của quá trình phát triển ngành Điện là: Vốn đầu tư, giá bán điện và cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện. Bởi vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành phải cùng các doanh nghiệp trong ngành Điện tháo gỡ các khó khăn để thực hiện được tiến độ đưa vào vận hành và khởi công các dự án nguồn điện năm 2009-2010.
Tiến độ vận hành các nguồn điện 2010-2011 đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thông qua. Theo đó, năm 2010, sẽ vận hành 14 dự án điện với tổng công suất đạt 3.335 MW và 12 dự án điện khác cũng đi vào hoạt động từ năm 2011 với tổng công suất 2.612 MW. Những nhà máy sẽ vận hành ngay trong quý I, quý II của năm 2010 gồm Thủy điện Bản Vẽ và Thủy điện Cửa Đạt; Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí 2 và Nhiệt điện Nhơn Trạch sẽ phát điện tháng 12/2011.

Nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo đôn đốc và hoàn thành việc lập Quy hoạch điện VII trong năm 2010. Trong đó, quy hoạch phát triển lưới điện cần thiết kế những đường dây có nhiều mạch để tiết kiệm hành lang lưới điện. Sớm ban hành quy định về lưới điện truyền tải và quy định về lưới điện phân phối làm cơ sở cho thiết kế lưới điện phù hợp với phát triển của hệ thống điện Việt Nam trong tương lai. Bộ Công Thương lập kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị quyết số 40 và 41/2009/QH12 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Lai Châu và Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Hướng dẫn EVN lập dự án đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, trình duyệt theo quy định. Hoàn thiện hồ sơ theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt về báo cáo định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân và quy hoạch các địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam lập Quy hoạch phát triển ngành Than, tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2010. Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo nhập khẩu than cho các dự án điện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết các vướng mắc trong đàm phán giá mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà máy điện ngoài EVN. Đồng thời, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có kế hoạch đảm bảo cung cấp đủ than cho các dự án điện đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VI.

Để đảm bảo cấp điện cho Thành phố Hà Nội trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án cấp bách và cơ chế thực hiện dự án lưới điện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước Dự án Nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2 sớm hoàn thành thẩm định dự án đầu tư, báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2010; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và chủ đầu tư các dự án nguồn điện lớn dự kiến khởi công trong các năm 2009-2010, tính toán tổng mức đầu tư có tính đến yếu tố trượt giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Các tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương rà soát lại quy hoạch dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư dự án trong công tác bồi thường hỗ trợ mặt bằng và tái định cư, định canh, đảm bảo sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân tái định cư, không để công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương hoàn thành công tác GPMB Trung tâm Điện lực Nghi Sơn. UBND tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Bắc Giang GPMB đường dây đấu nối Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Với mục tiêu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế năm 2010, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, các Bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế lớn và các địa phương phải chung tay tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo tiến độ triển khai Quy hoạch điện VI.

Theo: Tạp chí Điện lực