Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình điện, bảo đảm nguồn điện cung cấp cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Nhu cầu điện sản xuất công nghiệp tăng cao
Bình Dương hiện là một trong 4 tỉnh, thành phố có sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất cả nước. Trong đó, hơn 70% sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, quá trình phát triển đô thị, nhất là lĩnh vực công nghiệp với tốc độ nhanh khiến nhu cầu điện có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm tăng từ 10 - 12%.
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 33 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 15.000ha. Hiện có 29 khu công nghiệp đã thành lập, với tổng diện tích quy hoạch gần 12.700ha, trong đó có 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Là địa phương phát triển về công nghiệp với tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn ở mức cao, nên áp lực trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương là rất lớn.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: Năm 2022, dù vẫn còn khó gặp nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,02%. Để đạt được kết quả này có sự đóng góp tích cực của ngành điện, bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. “Việc bảo đảm nguồn điện cung ứng cho sản xuất có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, cũng như kêu gọi thu hút đầu tư của Bình Dương trong thời gian tới” - ông Võ Văn Minh bày tỏ.
Theo dự báo năm 2023, với đà phục hồi sản xuất kinh doanh, sản lượng điện thương phẩm của Bình Dương sẽ tăng trưởng thêm gần 2%. Theo đó, áp lực trong việc bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục là rất lớn. Tuy nhiên, với phương châm “điện đi trước một bước”, thời gia qua ngành điện đã thực hiện đầu tư hệ thống lưới điện phủ khắp trên toàn địa bàn, bảo đảm cung cấp đủ điện cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng trưởng kinh tế cũng như thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Dương.
Đẩy nhanh tiến độ công trình điện, đảm bảo điện cho sản xuất công nghiệp
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Điện lực Bình Dương cho biết: Năm 2023, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) giao kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình điện cho đơn vị với tổng giá trị gần 400 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên đầu tư các hạng mục cải tạo lưới điện 110kV hiện hữu và nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung hạ thế và trạm biến áp, nhằm giảm tải lưới điện hiện hữu, đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các công trình đang trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Đặc biệt, để đảm bảo khả năng cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Tổng công ty Điện lực Miền Nam tiếp tục triển khai hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng lưới điện 110kV trong năm 2023.
Cụ thể, dự kiến hoàn thành đóng điện 5 công trình đang thi công, gồm: Đường dây 110kV Phú Giáo - trạm 220kV Uyên Hưng; Các lộ ra 110kV Trạm biến áp 220kV Bến Cát; Trạm biến áp 110kV VSIP2-MR2 và đường dây đấu nối; Trạm 110kV Khu công nghiệp Cổng Xanh và đường dây đấu nối; và Trạm biến áp 110kV An Lập và đấu nối, với tổng vốn đầu tư 502 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành điện dự kiến tiếp tục khởi công thêm 6 công trình khả thi về mặt bằng, gồm: Lắp máy 3 trạm biến áp 110 kV Khánh Bình, Trạm 110kV Thanh An; Trạm 110kV Mỹ Phước 4 và NR đấu nối; cải tạo đường dây 110kV Uyên Hưng - Đất Cuốc (2 mạch); Trạm 110 kV Ascendas và đường dây đấu nối; và Trạm biến áp 110 kV Khánh Vân và đường dây đấu nối, với tổng vốn đầu tư 446 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, để bảo đảm cung ứng điện liên tục, ổn đinh và an toàn cho sản xuất công nghiệp cũng như nhu cầu sinh hoạt của người dân, năm 2023 ngành điện Bình Dương đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các công trình điện. Tuy nhiên, đa số các công trình đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Công ty Điện lực Bình Dương cho biết, hiện nay một số công trình vẫn đang gặp trở ngại trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng do người dân không đồng thuận như: Trạm 110kV VSIP2-MR2 và đường dây đấu nối; Trạm 110 kV Khánh Vân và đường dây đấu nối.
Bên cạnh đó, dự án đường dây 110kV Phú Giáo - trạm 220kV Uyên Hưng; Trạm 110kV Khu công nghiêp Cổng Xanh và đường dây đấu nối cũng vướng thủ tục thanh lý cây cao su của Công ty cao su Phước Hòa quản lý…
Theo kế hoạch, để đảm bảo khả năng cấp điện trong thời gian tới, trong năm 2023 ngành điện đặt mục tiêu phấn đấu triển khai hoàn thành đóng điện, khởi công 11 công trình lưới điện 110kV. Để thực hiện hoàn thành mục tiêu này, Công ty Điện lực Bình Dương đề nghị UBND tỉnh Bình Dương xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ ngành điện giải quyết các trở ngại trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình nhằm sớm hoàn thành đóng điện, đảm bảo khả năng cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương.
Liên quan đến khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng hiện nay, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: Đã giao Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương phối hợp cùng ngành điện để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án điện trên địa bàn để đưa vào vận hành, khai thác đáp ứng nguồn điện cung ứng cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Ông Lê Văn Trang - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cho biết: Hiện phụ tải trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn ở mức cao, điều này không an toàn về mặt kỹ thuật. Do đó, việc triển khai đưa vào vận hành các công trình điện trên địa bàn đúng tiến độ trong thời gian tới có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong việc bảo đảm nguồn điện thông suốt, an toàn đề phòng các sự cố điện liên quan. Đồng thời bảo đảm cung ứng điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. |
Link gốc