Bluechips tăng giá kéo VN-Index vượt ngưỡng 555 điểm

Thứ hai, 14/9/2009 | 16:56 GMT+7
Khối lượng giao dịch đạt trên 60 triệu cổ phiếu. Người bán chốt lời còn người mua vẫn cần mẫn "gom hàng". SAM, FPT, SJS, HAG tạo bất ngờ trong phiên giao dịch sáng nay.
Thị trường đã xác lập đỉnh cao mới với mức tăng ấn tượng 8,6 điểm lên 556,59 điểm vào cuối phiên giao dịch sáng nay (14/09). Mặc dù người bán vẫn ra sức chốt lời, song lượng cầu vào thị trường sáng nay khá tốt và được duy trì đến cuối phiên khiến thị trường đóng cửa với 92 mã tăng giá, 59 mã giảm giá và 23 mã đứng giá.

Khối lượng giao dịch trong phiên sáng nay đạt 65,46 triệu cổ phiếu, tương đương 2.949 tỷ đồng. Sàn TP.HCM đã có 17 phiên liên tiếp giao dịch trên 2.000 tỷ/phiên trong đó có 2 phiên giao dịch trên 3.000 tỷ đồng.

Thị trường tăng nóng vào thời điểm 9h25 – 9h35 song các cổ phiếu thị giá nhỏ đã bị bán ra khá nhiều vào cuối phiên sau khi đã có đợt tăng nóng trước đó như DDM, KHA, MHC, SBT, VHG, VSH...cổ phiếu VTO sáng nay bị bán gần sàn, đóng cửa giảm 600 đồng xuống 15.000 đồng/cp sau khi cổ phiếu này đã có 2 phiên tăng trần trước đó.

Trong khi khối nhà đầu tư trong nước liên tục mua vào thì khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp và tiếp tục bán ròng trong phiên giao dịch sáng nay.

Nguồn cung lớn áp đảo tuy nhiên thị trường vẫn đứng vững thậm chí tăng mạnh nhờ các cổ phiếu lớn tăng điểm mạnh như HAG, SJS, DRC, VNM...

SJS sáng nay chính thức công bố thông tin về việc chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 và chào bán 200 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 giá 10.000 đồng/cp, tăng vốn từ 400 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Thông tin này đã rò rỉ từ trước đó khiến SJS được đẩy gấp đôi trong vòng 2 tháng từ 100.000 đồng/cp giữa tháng 7/2009 lên 198.000 đồng/cp trong phiên giao dịch sáng nay. Trong phiên, SJS đã có lúc giao dịch tại mức giá 193.000 đồng/cp, song cuối phiên lại tăng trần và có dư mua gần 50.000 cổ phiếu.

Việc các cổ phiếu lớn như SJS, VNM hay HAG chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ hấp dẫn cùng với các dự án khả quan được công bố khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu này cho dù giá đã tăng khá mạnh.

Điều làm nên bất ngờ trong phiên giao dịch sáng nay là sự trở lại của các bluechips "cũ", các cổ phiếu đã "lình xình" khá lâu trong khi các cổ phiếu thị giá nhỏ đã xác lập mặt bằng giá mới. SAM, FPT, ITA...tăng trần hàng loạt trong phiên giao dịch sáng nay.

SAM còn dư mua trần giá 33.9 gần 600.000 đơn vị vào cuối phiên, SAM đầu phiên bị bán khá nhiều giá 33.2 song cuối phiên được đẩy lên mức giá trần và có tranh mua khối lượng lớn.

Cổ phiếu thứ hai gây bất ngờ là FPT khi mã này có dư mua trần hơn 200.000 đơn vị vào cuối phiên. FPT trước đó đã bị đuối sức trong 1,2 phiên trước đó khi có thông tin về việc Thành viên HĐQT là ông Trương Đình Anh đăng ký bán ra 1,4 triệu cổ phiếu.

Đối với hai mã SSI và STB, lượng cung quá lớn khiến hai cổ phiếu này chưa thể tăng mạnh. SSI đóng cửa tăng 1.500 đồng lên 77.000 đồng/cp, khớp lệnh gần 3 triệu đơn vị trong khi giữa phiên đã có lúc tăng trần lên 79.000 đồng/cp. STB cuối phiên tăng 200 đồng lên 37.800 đồng/cp, giá cao nhất khớp lệnh là 38.000 đồng/cp, khớp lệnh hơn 6,3 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu giảm sàn là CAD, DCT, SFC, các mã VFC, VHC, VTO giảm gần sàn vào cuối phiên.

Tại sàn Hà Nội, HNX Index tăng 2,65 điểm (1,57%) lên 171,83 điểm. Toàn thị trường có tới 154 mã tăng giá, 21 mã đứng giá và 44 mã giảm giá. Trong đó có tới 62 mã đóng cửa tại giá trần.

Việc HNX Index không biến động nhiều như VN-Index là do cổ phiếu có tầm ảnh hưởng nhất là ACB hầu như không biến động. Cổ phiếu này thường chỉ tăng giảm một vài trăm đồng mỗi phiên. Kết thúc ngày, ACB giữ nguyên giá tham chiếu 46.000 đồng. SHB tăng 400 đồng, PVS giảm 500 đồng, PVI giảm 100 đồng…

Một số mã chủ chốt khác lại có một ngày tăng mạnh như VCG tăng trần lên 42.900 đồng, KBC tăng 2.500 đồng lên 43.800 đồng, BVS tăng 1.700 đồng.

Nhóm cổ phiếu xi măng cũng đồng loạt tăng trần như BCC, BTS, HOM…

Nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn có khá nhiều mã tăng trần như nhóm cổ phiếu Vinaconex (VC1, VC3, VC5, VCC…), Sông Đà (SJM, SKS, STL, STP…), CTM, EBS, HUT, LTC, UNI, PSC…Trong đó, EBS vẫn có lượng dư mua ở trên mức 1 triệu đơn vị.

Thanh khoản tăng mạnh với hơn 41,1 triệu đơn vị được giao dịch, trị giá 1.398 tỷ đồng. VCG dẫn đầu với hơn 4,88 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tiếp đến là KLS (2,26 triệu), BCC (1,99 triệu), ACB (1,46 triệu)…
Theo: CafeF