Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau khi 3 hồ Hoà Bình, Thác Bà và Tuyên Quang kết thúc 2 đợt xả nước, đến ngày 20/2, mực nước hồ Hoà Bình sẽ chỉ còn 88,57m, cách mực nước chết 8,57m; hồ Thác Bà còn 49,17m, cách mực nước chết 3,17m và hồ Tuyên Quang còn 98,9m, cách mực nước chết 8,9m.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cũng dự báo quá trình tích nước cuối năm các hồ thuỷ điện để chuẩn bị cho các tháng mùa khô năm 2011 gặp khó khăn do khô hạn tiếp tục kéo dài. Nhiều hệ thống sông mất mùa lũ khiến lượng nước về các hồ thuỷ điện giảm mạnh. Mực nước thấp nhất tại trạm thuỷ văn Hà Nội có khả năng lặp lại giá trị thấp nhất lịch sử đã xảy ra trong năm 2010 (ở mức 0,1m) và xuất hiện vào tháng 2-3/2011. Tổng lượng nước thiếu hụt so với mực nước đầy hồ khoảng 12 tỷ m3, tương đương 3 tỷ kWh điện. Đây là lượng thiếu hụt kỷ lục.
Vì vậy, trong thời gian xả nước phục vụ vụ Đông Xuân 2011, EVN đã liên tục cập nhật diễn biến mức nước Hà Nội để kịp thời điều chỉnh lưu lượng xả nước nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, vừa tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ thuỷ điện.
EVN cho biết, trong tình hình thiếu nước từ các hồ thuỷ điện như trên, nếu các nguồn nhiệt điện, tua bin khí, nhất là các nhà máy nhiệt điện chạy than mới bị sự cố hoặc vận hành không ổn định, tình hình cung ứng điện các tháng mùa khô năm nay sẽ đặc biệt khó khăn. Sự thiếu hụt sản lượng thuỷ điện cũng đặt ra những sức ép lớn lên chi phí và giá thành sản xuất của EVN do phải huy động nguồn nhiệt điện chạy dầu DO, FO giá cao trong 6 tháng mùa khô tăng lên 3,85 tỷ kWh, tương đương 13.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng phụ tải năm 2011 dự báo tăng 17,63% với tổng sản lượng 117,6 tỷ kWh, riêng nhu cầu điện mùa khô là 56,14 tỷ kWh, tăng 8,69 tỷ kWh so với mùa khô năm trước.
Kế hoạch cung cấp điện năm 2011 do Bộ Công Thương phê duyệt cũng chỉ rõ, tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện tại đầu cực máy phát và nhập khẩu của toàn quốc năm nay chỉ có 115,55 tỷ kWh; trong đó, mùa khô là 54,06 tỷ kWh.
Như vậy, mùa khô năm nay, sản lượng điện thiếu hụt khoảng 2,08 tỷ kWh. Năm 2011 được đánh giá là năm tiếp tục thiếu điện.
* Đã giảm công suất sử dụng điện
Hà Nội chiếm khoảng 10% sản lượng điện cả nước. Từ đầu tháng 1 đến nay, để đảm bảo hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) đã điều hoà phụ tải theo phân bổ công suất sử dụng của EVN. Theo đó, giảm từ 50-80MW hàng ngày trong khoảng thời gian từ 10-12h và 17-19h nhằm giới hạn công suất sử dụng điện trong các giờ cao điểm.
Phó Tổng Giám đốc EVN HANOI Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các tháng tiếp theo trong năm nay, việc cắt giảm phụ tải ở Hà Nội có thể lên đến 190MW và thời gian cắt công suất trong ngày cũng sẽ tăng lên, đặc biệt vào những ngày cao điểm nắng nóng của mùa khô năm nay. Việc cắt giảm phụ tải trên địa bàn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tăng trưởng phụ tải và nhiệt độ trong mùa khô.
Hiện nay, EVN HANOI đang tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố và nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ điều độ phân phối trong cung ứng điện. Hàng tuần/tháng, Tổng Công ty theo dõi diễn biến phụ tải để dự báo phụ tải sát với thực tế, từ đó xây dựng phương thức cấp điện hợp lý, lập kế hoạch điều hoà phụ tải đảm bảo minh bạch, công bằng giữa các khu vực, giữa các nhóm hàng. Đồng thời phối hợp với UBND phường xã thông báo lịch cắt điện trên hệ thống loa phát thanh; đề nghị khách hàng lớn thực hiện triệt để tiết kiệm điện và sử dụng điện đúng biểu đồ phụ tải đã đăng ký. Bên cạnh đó, khuyến nghị khách hàng hạn chế công suất sử dụng điện, điều chỉnh ca làm việc, giãn kế hoạch sản xuất hoặc huy động nguồn diezel tự có…
* Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ
Ngay từ đầu năm, EVN đã triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện nhằm tăng thêm và giữ ổn định nguồn cung cho hệ thống điện, giảm tổn thất điện năng và đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện trong cả nước. Hiện EVN đã sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện cho mùa khô và cả năm 2011 để có kế hoạch ứng phó chủ động trước tình hình khó khăn thiếu điện, đồng thời bám sát tình hình cụ thể về thời tiết, cấp khí, thủy văn… nhằm điều hành linh hoạt, kịp thời và kinh tế hệ thống điện.
Cùng với việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan trong hai đợt xả nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2010-2011, đảm bảo hiệu quả nguồn nước xả; EVN tiếp tục huy động tối đa các nguồn nhiệt than, tua bin khí, điều tiết hài hòa nước các hồ thủy điện để vừa đảm bảo phát điện đến cuối mùa khô, vừa phục vụ nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn.
Mặt khác, EVN bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy hiện có để đảm bảo độ sẵn sàng cao hơn trong các tháng mùa khô 2011, đồng thời chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục đàm phán nhập khẩu điện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương. Ngoài ra, đảm bảo tiến độ sửa chữa các nguồn điện và đẩy nhanh tiến độ, vận hành ổn định các nhà máy mới đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than.
Riêng Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có nhiệm vụ vận hành an toàn và truyền tải cao đường dây 500 kV Bắc - Nam, rút ngắn thời gian xử lý sự cố.
Ngoài ra, EVN còn đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện để đến tháng 6/2011 đưa vào vận hành 8 tổ máy của 6 nhà máy điện là Sông Tranh 2, An Khê-Ka Nak, Sơn La, Uông Bí mở rộng 2 với tổng công suất 1.058MW.
Về phía Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu EVN trong trường hợp phải tiết giảm điện chỉ ưu tiên cấp điện cho các nhà máy sản xuất thép và xi măng có hiệu suất sử dụng cao, có trong quy hoạch phát triển ngành thép, ngành xi măng do sản lượng điện tiêu thụ của hai ngành này chiếm 12,04% tổng sản lượng điện thương phẩm của cả nước. Đồng thời, đề nghị các nhà máy xây dựng kế hoạch sản xuất, sửa chữa hợp lý để giảm thiểu sử dụng điện năng trong các tháng mùa khô.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng có văn bản yêu cầu các Sở Công Thương phối hợp với Tổng công ty điện lực/Công ty điện lực tại địa phương lập kế hoạch cung cấp điện hàng tháng trên địa bàn tỉnh trong mùa khô ngay từ giữa tháng 2 này nhằm cắt giảm điện tại địa phương được thực hiện công bằng, minh bạch.
Theo đó, ưu tiên cung cấp điện cho các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng diễn ra tại địa phương; cắt giảm điện đối với mọi thành phần phụ tải điện, mọi khách hàng sử dụng điện trừ các khách hàng sử dụng điện quan trọng theo danh sách được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; Việc cắt điện phải được thực hiện luân phiên, không cắt điện kéo dài đối với một khu vực hoặc một phụ tải điện, cũng như giảm thiểu ảnh hưởng của việc cắt điện đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Sở Công Thương có trách nhiệm giám sát tình hình cung cấp điện của tổng công ty điện lực/công ty điện lực tại địa phương theo kế hoạch cung cấp điện tháng đã được duyệt.
Vấn đề còn lại là các tỉnh phải giám sát việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn theo Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện.
Hiện Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của EVN, giao cho các ngân hàng thương mại, các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương xem xét cho EVN vay bù vào chi phí chạy dầu trong các tháng cao điểm mùa khô với lãi suất ưu đãi, sau đó, với việc tăng giá điện sẽ tính toán để trả nợ./.