Tin trong nước

Bước ra khỏi "vùng an toàn"

Thứ ba, 23/5/2023 | 13:33 GMT+7
Từng đạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh 2021, nhận Chứng nhận sáng kiến của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thế nhưng chàng kỹ sư điện 8x Lê Minh Trường, Phòng Kỹ thuật an toàn, Công ty Thủy điện Tuyên Quang vẫn khiêm tốn bảo rằng đó là công việc chuyên môn thường ngày cần làm vì “kỹ thuật luôn là sáng tạo, đổi mới”…

Anh Lê Minh Trường kiểm tra các hệ thống trước khi thực hiện thử nghiệm tổ máy tại Nhà máy thuỷ điện Tuyên Quang.

Cơ duyên với nghề

Cuối năm 2002, khi công trình Nhà máy thủy điện Tuyên Quang bắt đầu được khởi công xây dựng, chàng trai trẻ Lê Minh Trường khi ấy đã ấp ủ ước mơ được gắn bó với ngành điện. “Những tháng cuối cùng của năm học cấp 3, khi trò chuyện với những người bạn cùng trang lứa về lựa chọn ngành học, về tương lai sau này, mình đơn giản chỉ nghĩ rằng khi công trình thủy điện Na Hang được hoàn thiện thì chắc chắn sẽ cần nhân lực. Mong muốn khi đó chính là được trở về làm việc và cống hiến, gắn bó với quê hương” - anh chia sẻ.

Để hiện thực hóa ước mơ của mình, chàng trai 18 tuổi khi đó đã ngày đêm “dùi mài kinh sử”, tập trung ôn luyện để thi đỗ ngành Hệ thống điện, Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Năm 2008, ngay sau khi tốt nghiệp, anh được nhận công tác tại Sở Công thương. Bắt nhịp với công việc mới, anh cũng dần hiểu rằng, công việc quản lý với những văn bản, giấy tờ khi đó chưa phù hợp với mình và những kiến thức về ngành điện trong suốt 5 năm học đại học sẽ ít có cơ hội được ứng dụng vào thực tế…

Từ bỏ công việc được coi là “ổn định” để lựa chọn đam mê là điều mà chẳng mấy ai có thể. Thế nhưng anh đã bước ra khỏi "vùng an toàn", quyết tâm “rẽ ngang” để xin làm việc tại nơi mà mình đã từng mơ ước và mong muốn gắn bó. Đó là một nhà máy điện quy mô, hiện đại thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vừa nói, ánh mắt anh như sáng lên: “Công việc ở nhà máy thủy điện vất vả hơn rất nhiều. Không còn là những tháng ngày ngồi văn phòng bàn giấy mà đó là những ngày “vượt nắng, thắng mưa” như bao anh chị em gắn bó với nghề điện. Thế nhưng công việc ấy đem lại niềm vui, khi bản thân được là chính mình, được cống hiến và ứng dụng những kiến thức đã được học vào thực tế”.     

Với chàng kỹ sư trẻ, khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2016, khi gắn bó với Phân xưởng vận hành chính là lúc tôi luyện bản lĩnh và đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Quá trình làm việc trực tiếp, anh đã thấy được những ưu, nhược điểm của hệ thống vận hành, những tồn tại cố hữu của công trình để từ đó tham gia nghiên cứu, sáng tạo, sửa chữa và có được thành công như ngày hôm nay.  

Nghiêm túc và đam mê

Kỹ sư điện Lê Minh Trường có khuôn mặt sáng với phong cách đặc trưng của những người “làm kỹ thuật”. Đó là nhìn vẻ ngoài tưởng chừng như... máy móc, khô khan nhưng lại rất thân thiện, dễ gần và đặc biệt luôn đề cao tính kỷ luật trong công việc. Anh bảo rằng, tất cả những sáng kiến, nghiên cứu đều xuất phát từ công việc thực tế hàng ngày của mình là làm thế nào để các hệ thống thiết bị trong dây chuyền công nghệ máy vận hành an toàn, ổn định tin cậy.

Thời gian chuyển làm việc tại Phòng Kỹ thuật an toàn, song song với các công việc chuyên môn thường ngày, anh bắt đầu tập trung nghiên cứu những hạn chế của thiết bị giám sát đảo đầu máy với sáng kiến “Thiết kế khôi phục logic hệ thống giám sát rung đảo tổ máy”. Theo đó, anh đã thiết kế lại logic của hệ thống giám sát rung động tổ máy để hệ thống có thể đưa ra cảnh báo hoặc ngừng máy khi máy xuất hiện rung động vượt ngưỡng cho phép một cách chính xác. Sáng kiến đã được nghiệm thu và áp dụng vào sản xuất từ cuối năm 2020. Qua đó góp phần to lớn vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định điện lưới quốc gia và tiết kiệm được nhiều chi phí sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống. Đây cũng chính là công trình nghiên cứu đạt giải nhất Hội thi sáng tạo Kỹ thuật Tuyên Quang năm 2021. 

Bí thư Chi đoàn Lê Minh Trường cùng các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Thanh Tương tham quan Nhà máy thủy điện Tuyên Quang.

Tiếp nối thành công ấy, anh cùng các đồng nghiệp của mình tiếp tục thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng lần lượt 3 tổ máy tại Nhà máy thủy điện Tuyên Quang. Đó là liên tiếp 2-3 ngày trắng đêm chạy thử nghiệm máy, là những tháng xắn tay áo trực tiếp vào làm cùng anh em công nhân để đảm bảo chất lượng, tiến độ sửa chữa. Anh cũng là người trực tiếp soạn thảo “Quy trình nghiệp vụ thực hiện sáng kiến trong Công ty Thủy điện Tuyên Quang”, tạo tiền đề để các anh chị em đồng nghiệp dễ dàng nghiên cứu, triển khai thực hiện những sáng kiến, sáng tạo, đóng góp tích cực vào những cải tiến khoa học, công nghệ, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.

Không chỉ giỏi chuyên môn, anh Lê Minh Trường còn là Bí thư Chi đoàn năng nổ, nhiệt huyết. Các hoạt động của Chi đoàn Công ty đều mang đậm “dấu ấn EVN”. Đó là những buổi tuyên truyền về sử dụng điện an toàn tại các trường học, khu dân cư; các hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất; trực tiếp tham gia hiến máu và vận động đoàn viên, thanh niên hiến máu nhân đạo trong Tuần lễ hồng EVN... Anh bảo rằng, vui nhất là khi nhìn thấy các em học sinh chăm chú, tò mò khi tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang. Vì biết đâu rằng, chính từ hoạt động thực tế ấy sẽ thắp sáng và nuôi dưỡng ước mơ của một kỹ sư điện tương lai…

Với những đóng góp của mình, mới đây anh được vinh danh “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang lần thứ nhất năm 2023”. Điều này càng thôi thúc niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong anh để xứng đáng với danh hiệu cao quý đó.

Link gốc

 

Theo: Báo Tuyên Quang