CN Điện lực Lý Sơn bảo dưỡng lưới điện trên đảo. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Việc đầu tư các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng được EVN ưu tiên vốn nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản các hộ dân trên địa bàn cả nước được sử dụng điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện đang đảm nhận cung cấp điện cho 8/12 huyện đảo, gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang). Trong đó, huyện đảo Phú Quý và Côn Đảo được cấp điện từ nguồn điện tại chỗ, các huyện đảo còn lại đều được cấp điện từ lưới điện quốc gia. Giá bán điện trên đảo được áp dụng như giá bán trên đất liền. Đó là những thành công nổi bật nhất của ngành điện trong Chương trình điện khí hóa nông thôn thời gian qua.
3 năm, tập trung nhiều nguồn lực
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong giai đoạn 2013-2015, công tác cấp điện cho khu vực nông thôn, hải đảo được EVN đặc biệt quan tâm. Sau khi đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm đến với các huyện đảo Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn, EVN tiếp tục hoàn thiện hệ thống lưới điện phân phối và mở rộng phạm vi cấp điện cho các xã, thôn, bản trên các huyện đảo này. Việc cấp điện cho các đảo, xã đảo ven bờ cũng được các Tổng công ty điện lực hết sức chú trọng.
Hệ thống điện trên đảo Vân Đồn (Quảng Ninh).
Tại miền Bắc, nối tiếp thành công của dự án “Đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô” cấp điện cho hơn 5000 hộ dân trên đảo vào tháng 10/2013 với tổng số vốn đầu tư 1.107 tỷ đồng (trong đó 883 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa của tỉnh Quảng Ninh và 284 tỷ đồng nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC). EVN đã giao Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đại diện chủ đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án cấp điện cho 2100 hộ dân thuộc 5 xã đảo của huyện Vân Đồn vào cuối năm 2014 (với số vốn 304,72 tỷ đồng, trong đó vốn của tỉnh là 103,562 tỷ đồng, EVN 97,123 tỷ đồng và EVNNPC 104,95 tỷ đồng). Nhờ đó, đã góp phần phủ kín lưới điện đến 100% thôn, bản, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia trên toàn tỉnh Quảng Ninh đạt 99,85%. Theo kế hoạch, giai đoạn 2015-2017 các dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà) và đảo Trần (huyện Cô Tô) của tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành.
Tại miền Trung, để đồng bộ với việc cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Lý Sơn từ hệ thống điện quốc gia bằng cáp ngầm (với nguồn vốn 650 tỷ đồng, khánh thàng tháng 9/2014), trong thời gian 2 năm (2013-2014), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã đầu tư hơn 29 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (bằng nguồn vốn vay KfW) thuộc Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn (vay vốn KfW). Cùng với nhiều dự án điện khác, EVNCPC đang tập trung cao độ cho dự án cấp điện bằng cáp ngầm ra đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) . Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công trong tháng 12/2015 này để đảm bảo cấp điện vào tháng 6/2016…
Để có thể khánh thành dự án xây dựng tuyến cáp ngầm 22kV vượt biển cấp điện cho xã Thạnh An, huyện Cần Giờ vào ngày 17/4/2015 - xã đảo duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng và tập trung cao độ để đảm bảo khởi công dự án trong 12/2014.
Riêng đối với nhiệm vụ cấp điện biển đảo, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng đã thực hiện thành công nhiều dự án quan trọng trong giai đoạn 2013-2015. Trong đó, phải kể đến việc hoàn thành cấp điện bằng cáp ngầm ra huyện đảo Phú Quốc và nối lưới trên không xã đảo Hòn Tre của tỉnh Kiên Giang (trong năm 2014). Tháng 9/2015 EVNSPC tiếp tục khởi công dự án “Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang”. Đây là một hợp phần nằm trong Dự án cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015-2020, với tổng kinh phí hơn 1.506 tỷ đồng. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2016 sẽ cấp điện đến xã đảo Lại Sơn bằng đường dây 110kV. Giai đoạn 2016-2018 tiếp tục cấp điện cho 4 xã đảo là Hòn Nghệ và xã Sơn Hải thuộc huyện Kiên Lương; xã Tiên Hải thuộc thị xã Hà Tiên; xã Hòn Thơm thuộc huyện Phú Quốc. 2 xã đảo An Sơn và Nam Du sẽ được triển khai trong giai đoạn 2018-2020 bằng đường cáp ngầm 22kV.
Không chỉ được cấp điện…
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Thành công lớn nhất của ngành điện trong chương trình điện khí hóa nông thôn thời gian qua không chỉ dừng lại ở việc mở rộng diện phủ sóng điện lưới quốc gia đến nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như biên giới, hải đảo. Sự đổi thay trong phát triển kinh tế - xã hội của các huyện đảo như Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc khi được cấp điện lưới quốc gia đã cho thấy giá trị của cơ sở hạ tầng thiết yếu quan trọng này.
Ông Lê Văn Thi - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang quả quyết: Cùng với việc đầu tư vào sân bay, cảng biển, các CSHT, đường giao thông, nước ngọt… thì điện là yếu tố hết sức quan trọng để cho Phú Quốc phát triển. “Chỉ trong vòng 1 năm, dung lượng điện sử dụng tại Phú Quốc đã tăng lên gấp 3 lần so với trước khi có điện lưới quốc gia kéo vào. Giá điện cũng được hạ thấp rất nhiều nên giá các dịch vụ phục vụ cho sinh hoạt, đời sống của bà con cũng rất thuận lợi. Chính nhờ vào việc đầu tư điện cho đảo, lượng khách du lịch đến Phú Quốc trong năm nay tăng gần 40%, làm cho môi trường đầu tư ở đây sinh động hơn, phát triển mạnh mẽ hơn và tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch tốt. Nhiều du khách trước đây từng đến với Phú Quốc đã trở lại để chứng kiến sự phát triển đối với một quần đảo đang có nhiều triển vọng đi lên…”.
Theo tính toán của UBND tỉnh Quảng Ninh, sau khi có điện, huyện đảo Cô Tô đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, các ngành dịch vụ, du lịch phát triển rất nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.500 USD năm 2010 lên 2.050 USD năm 2014.
GS.VS.TSKH Trần Đình Long – PCT Hội Điện lực Việt Nam khẳng định, không chỉ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế và đời sống của người dân, việc cấp điện biển đảo, trong đó nối lưới điện quốc gia từ đất liền ra các đảo còn “rút ngắn” khoảng cách giữa đất liền với đảo, giá điện biển đảo được đồng nhất với đất liền. Điều này tác động tích cực đến trật tự an toàn xã hội, công tác an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Cũng theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long, việc cấp điện lưới quốc gia ra các huyện đảo thời gian qua giúp EVN tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tiền điện do phải chạy máy phát diezel và góp phần không nhỏ trong việc hiện đại hóa ngành điện. “Chúng ta có cơ hội để quy hoạch, thiết kế, xây dựng, lắp đặt hệ thống điện đáp ứng yêu cầu của lưới điện hiện đại, đồng bộ. Ví dụ, tại đảo Lý Sơn, cùng với việc kéo điện ra đảo, Tổng công ty điện lực miền Trung đã trang bị ngay toàn bộ hệ thống đo đếm bằng công tơ điện tử.” - GS Trần Đình Long dẫn chứng.
Ánh sáng điện sẽ tiếp tục vươn xa
Đưa điện ra đảo Hòn Tre (Kiên Giang).
Không chỉ tiếp tục các dự án cấp điện cho các đảo, xã đảo chưa có điện trên toàn quốc, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, sẽ quan tâm đầu tư nhằm đảm bảo cấp điện thường xuyên, liên tục với chất lượng ổn định, phục vụ nhu cầu tăng trưởng phụ tải phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn huyện đảo, xã đảo đã có điện lưới quốc gia. Đơn cử như huyện đảo Phú Quốc, chỉ sau hơn 1 năm kể từ khi được cấp điện lưới quốc gia đến nay, tăng trưởng phụ tải ở đây vào khoảng 15- 20%. EVN đang xem xét để có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế du lịch và đời sống của nhân dân huyện đảo này giai đoạn sau năm 2020.
Từ ngày 01/01/2016, EVN sẽ chính thức tiếp nhận, quản lý vận hành và đầu tư dự án cung cấp điện trên huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng). Do vị trí cách đất liền xa (hơn 140 km) nên không thể kéo được điện lưới quốc gia. EVN lên phương án cấp điện cho đảo Bạch Long Vĩ, trước mắt sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là điện gió kết hợp với nguồn điện chạy dầu diezel. Về lâu dài, sẽ nghiên cứu phương án cấp điện bằng năng lượng mặt trời nhằm tận dụng thế mạnh của đảo. Mặc dù cấp điện từ các nguồn này có giá thành cao hơn nhiều so với điện được nối lưới từ đất liền, song, EVN vẫn cam kết sẽ đảm bảo cấp điện 24/24 giờ, đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của quân dân trên đảo với chất lượng tốt và giá bán điện như ở đất liền.
Không chỉ cấp điện lưới ra các đảo, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cũng đang chuẩn bị nguồn lực để đầu tư 3 công trình cải tạo, phát triển nguồn và lưới điện trên huyện đảo Phú Quý (tổng mức đầu tư 253 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), EVN SPC đang triển khai công trình lắp 2 tổ máy diesel của Nhà máy điện An Hội với tổng mức đầu tư là 30 tỷ đồng, năm 2015 đưa vào vận hành 1 tổ máy 1.500kW và năm 2017 đưa vào vận hành 1 tổ máy 1.500kW.
Rất nhiều dự án cấp điện biển đảo đang được EVN tiếp tục triển khai theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. EVN cam kết ưu tiên vốn nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản các hộ dân trên địa bàn cả nước được sử dụng điện lưới quốc gia… "Đảm bảo cấp điện tại các đảo là Chiến lược quan trọng của Đảng, nhà nước, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển, đảo mà trên hết là xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy dù có khó mấy EVN cũng phải làm bằng được", - ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN khẳng định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đảm nhận cung cấp điện cho 8/12 huyện đảo gồm Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang). Trong đó có huyện đảo Phú Quý và Côn Đảo được cấp điện từ nguồn điện tại chỗ, các huyện đảo còn lại đều được cấp điện từ lưới điện quốc gia. Sau khi tiếp nhận và cung cấp điện tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, sẽ còn 3 huyện đảo EVN chưa đảm nhận cấp điện là Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Cồn Cỏ. |